24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thu Miên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mỹ dẫn đầu giá trị các thương vụ M&A toàn cầu

Bất chấp nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, các căng thẳng địa chính trị gia tăng và chiến tranh thương mại vẫn chưa hạ nhiệt, các thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) toàn cầu đạt tổng giá trị gần 2.000 tỉ đô la Mỹ trong nửa đầu năm 2019, theo dữ liệu công ty Refinitiv.

Con số 2.000 tỉ đô la vẫn giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng điểm đáng chú ý là hàng loạt vụ sáp nhập khổng lồ, có giá trị từ 10 tỉ đô la trở lên, đã nâng giá trị các thương vụ M&A ở Mỹ trong 6 tháng đầu năm lần đầu tiên vượt mức 1.000 tỉ đô la.

Chỉ tính riêng trong tháng 6, giá trị các thương vụ M&A được thông báo trên toàn cầu đạt hơn 400 tỉ đô la bao gồm các thương vụ đình đám như hãng dược phẩm sinh học AbbVie (Mỹ) mua lại hãng dược phẩm Allergan (Irenland) với giá 63 tỉ đô la, thương vụ sáp nhập 86 tỉ đô la giữa hãng công nghệ United Technologies và công ty quốc phòng Raytheon (Mỹ) cũng như thương vụ hãng phần mềm Salesforce.com thâu tóm công ty phân tích dữ liệu Tableau Software với giá gần 16 tỉ đô la.

Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng này là những dấu hiệu thận trọng. Giá trị các thương vụ M&A xuyên biên giới trong sáu tháng đầu năm nay giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu năm 2019, các thương vụ M&A xuyên biên giới của các công ty Mỹ giảm 48% giá trị, xuống còn 204 tỉ đô la. Điều này có nghĩa là dù tổng giá trị các thương vụ M&A của Mỹ tăng lên mức kỷ lục trong nửa đầu năm 2019 nhưng phần lớn các thương vụ này diễn ra bên trong biên giới Mỹ, cho thấy những tác động của chủ nghĩa bảo hộ thương mại do chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi xướng.

Các công ty Trung Quốc từng lao vào cuộc chạy đua thâu tóm tài sản ở nước ngoài cách đây ba năm nhưng giờ đây, họ chỉ thực hiện các vụ thâu tóm bên ngoài Trung Quốc với tổng giá trị 19 tỉ đô la trong nửa đầu năm 2019, giảm 74% so với cách đây một năm.

Mỹ dẫn đầu giá trị các thương vụ M&A toàn cầu

Trong tháng 6-2019, hãng dược phẩm sinh học AbbVie (Mỹ) thông báo mua lại hãng dược phẩm Allergan (Irenland) với giá 63 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Financial Times

Và tại châu Á và châu Âu, nơi các chính sách thương mại đối đầu của Tổng thống Donald Trump và tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) vẫn chưa giải quyết xong, hoạt động M&A kém sôi động hẳn. Trong nửa đầu năm nay, giá trị các thương vụ M&A ở châu Âu giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ chiếm 15% tổng giá trị các thương vụ M&A toàn cầu, mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua.

“Nếu bạn muốn thực hiện một thương vụ ở châu Âu, bạn phải chờ đợi cho đến lúc bạn có được một ít chắc chắn về hướng đi của Brexit”, Anu Aiyengar, Giám đốc bộ phận M&A ở Bắc Mỹ của ngân hàng JPMorgan Chase, nhận định.

Giá trị các thương vụ M&A ở châu Âu suy giảm không chỉ vì những lo ngại về kinh tế mà còn vì các lo ngại từ các cơ quan quản lý. Những phản đối chính trị khiến một số thương vụ đổ bể ở châu Âu, đáng chú ý là kế hoạch sáp nhập bất thành giữa hai hãng xe Fiat Chrysler (Ý) và Renault (Pháp). Ngoài ra, các cơ quan chống độc quyền của châu Âu cũng đã ngăn cản kế hoạch sáp nhập giữa các đơn vị kinh doanh đường sắt của hai tập đoàn Alstom (Pháp) và Siemens (Đức).

Tại châu Á, nơi các rủi ro liên quan đến chiến tranh thương mại đang khiến giới đầu tư lo lắng, giá trị của các thương vụ M&A trong nửa đầu năm nay giảm gần 28%, riêng tại Trung Quốc, giá trị các thương vụ M&A giảm 29%.

Tại Mỹ, nơi nền kinh tế đã chứng tỏ được sức tăng trưởng bền bỉ đáng ngạc nhiên, hoạt động M&A trong sáu tháng đầu năm 2019 tăng trưởng 19% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, tổng giá trị thương vụ M&A ở Mỹ cũng chiếm đến 56% tổng giá trị các thương vụ M&A trên toàn cầu.

Hoạt động M&A ở Mỹ được thúc đẩy bởi những thương vụ lớn. Mỹ chiếm đến 21 trong tổng số 25 thương vụ M&A có giá trị từ 10 tỉ đô la Mỹ trở lên trên toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2019. Các thương vụ như vậy thường được thanh toán phần lớn bằng cổ phiếu, giúp giảm rủi ro cho bên mua. Tuy nhiên, tổng giá trị các thương vụ nhỏ hơn có giá trị từ 1-5 tỉ đô la thường được trả bằng tiền mặt, lại giảm ở Mỹ.

Đây cũng là điểm đáng lưu ý vì việc trả bằng tiền mặt đòi hỏi bên mua phải có niềm tin lớn vào triển vọng tài chính của một công ty mục tiêu và nói rộng ra là triển vọng của nền kinh tế. Trong nửa đầu năm nay, số thương vụ M&A trên toàn cầu được thực hiện hoàn toàn bằng cổ phiếu tăng 80%, trong khi đó, số thương vụ thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt giảm 20%.

Dữ liệu của Refinitiv cũng cho thấy lần đầu tiên trong hai thập kỷ, giá trị các thương vụ M&A được thanh toán hoàn toàn bằng cổ phiếu vượt giá trị của các thương vụ M&A được thực hiện hoàn toàn bằng tiền mặt.

Theo New York Times

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả