24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lý Bằng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mỹ có vội vàng khi đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tiền tệ?

“Thao túng tiền tệ” đã từ lâu là chính sách được ghi vào Luật Bao trùm thương mại và cạnh tranh ra đời năm 1988 (The Omnibus Trade and Competitiveness Act of 1988) của Mỹ, nhằm phản ứng lại chính sách phi thị trường của các nước, cố tình giảm giá đồng nội tệ so với đô la Mỹ để tạo cạnh tranh với hàng Mỹ.

Tuy nhiên, gần đây có dấu hiệu là Mỹ đã sử dụng luật này như công cụ đe dọa nước khác, nhằm gây áp lực các nước này tăng nhập khẩu hàng Mỹ và giảm xuất siêu với Mỹ.

Ngày 28-5-2019, Bộ Tài chính Mỹ đưa chín nước vào danh sách các nước cần theo dõi đánh giá về việc thao túng tiền tệ, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, và cả các đồng minh thân cận của Mỹ như Đức, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore.

Trong thời gian tranh chấp thương mại cao điểm với Trung Quốc, vào ngày 5-8-2019, Mỹ quyết định coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.

Tuy nhiên, sau khi thương lượng giữa Mỹ và Trung Quốc đạt được một số thỏa thuận bước đầu mà Mỹ cho rằng có thể kiểm tra được, trong đó có việc Trung Quốc hứa hẹn tăng mua hàng Mỹ, ngày 13-1-2020 Mỹ đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách này. Diễn tiến trên cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng vũ khí gán nhãn “thao túng tiền tệ” để gây áp lực lên Trung Quốc.

Nhưng việc một nước có bị xem là thao túng tiền tệ hay không và quyết định gắn nhãn này dựa trên cơ sở gì?

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ gửi cho Quốc hội vào tháng 5-2019 cho thấy, ba yếu tố sau được sử dụng trong đánh giá: (1) xuất siêu với Mỹ quá lớn; (2) thặng dư lớn trong cán cân thanh toán thường xuyên; (3) có can thiệp liên tục một chiều vào thị trường chuyển đổi ngoại tệ.

Dựa vào các tiêu chuẩn trên, Bộ Tài chính Mỹ đã xem xét các nước có xuất siêu hàng hóa trên 20 tỉ đô la với Mỹ, có thặng dư cán cân thanh toán trên 2% GDP trong bốn quí liền và mua thêm ngoại tệ trên 2% GDP trong vòng 12 tháng.

Như năm 2018, Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi vì xuất siêu của Việt Nam với Mỹ trên 40 tỉ đô la, bằng 16% GDP của Việt Nam; thặng dư cán cân thanh toán là 5,7 tỉ, bằng 2,3% GDP; ngoại tệ mua thêm cho dự trữ là 5 tỉ đô la cũng bằng 2% GDP, đưa tổng số dự trữ lên 56 tỉ đô la. Như thế, việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách xem xét thường xuyên cũng là đúng.

Tuy nhiên, việc một nước có xuất siêu với một nước và nhập siêu với nước khác cũng là bình thường vì lợi thế trong cạnh tranh. Vấn đề là nước xuất siêu có chủ trương can thiệp trực tiếp vào tỷ giá, nhằm giảm giá để tạo cạnh tranh bất chính không? Đây mới là vấn đề cần đánh giá và xem xét công bằng.

Mỹ có vội vàng khi đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tiền tệ?

Điều này thì tôi chưa thấy xuất hiện ở Việt Nam, dù rằng Việt Nam đã tăng mạnh dự trữ ngoại tệ, đưa tổng dự trữ lên tới 56 tỉ đô la năm 2018, nhưng mức dự trữ này cũng chỉ tương đương với ba tháng nhập khẩu, một tiêu chuẩn tối thiểu mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến nghị các nước.

Còn chính sách ngoại hối của Việt Nam như thế nào? Từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) theo đuổi chính sách “rùa bò” (crawling peg) nhằm bảo đảm tỷ giá tiệm tiến với giá trị thật của đồng tiền, qua đó NHNN quy định tỷ giá hàng ngày được lên xuống trong khoảng 3% so với tỷ giá trung tâm. Như vậy là có tự do hơn nhưng vẫn bị kiềm chế bằng tỷ giá cơ bản, dù tỷ giá cơ bản có thể thay đổi khi cần.

Đối với một nước nhỏ, việc kiềm chế tỷ giá hay chu chuyển tài chính (capital flows) là cần thiết để chống lại các hành vi thao túng tiền tệ nhất thời của giới đầu cơ buôn tiền thế giới, điều này không mâu thuẫn với việc mà các nhà kinh tế đặt ra là phải tôn trọng thị trường và hành vi can thiệp của chính phủ nhằm làm giá trị đồng tiền rẻ đi để tạo lợi thế cạnh tranh là chuyện không thể chấp nhận được.

Mỹ có vội vàng khi đưa Việt Nam vào danh sách giám sát tiền tệ?

Tiếp theo, có phải Việt Nam cố tình tạo lợi thế cạnh tranh bằng cách giữ giá trị tiền đồng thấp? Đánh giá này phải tính đến thay đổi về lạm phát giữa hai nước. Trên cơ sở lạm phát ở Việt Nam cao hơn ở Mỹ, tỷ giá đồng đô la Mỹ sau khi điều chỉnh sự khác biệt về lạm phát, tôi không thấy Việt Nam có chính sách thao túng tiền tệ trong 10 năm qua. Tỷ giá trung bình năm của tiền đồng so với đô la Mỹ là 18.613 năm 2010 và 22.602 năm 2018.

Sự lên giá của đô la (hay xuống giá của tiền đồng) là phản ánh tình trạng lạm phát cao ở Việt Nam so với Mỹ mà thôi. Trong tám năm này, lạm phát tăng 60% ở Việt Nam còn ở Mỹ chỉ có 15%. Chính vì thế nếu lấy năm 2010 làm gốc, chỉ số tỷ giá sau khi điều chỉnh cho lạm phát bám sát chỉ số tỷ giá trên thị trường (so sánh hàng 4 và hàng 5 của bảng 1).

Nhìn tổng thể thì cán cân thanh toán của Việt Nam trong 10 năm thay đổi thường xuyên từ âm hoặc rất nhỏ, lên trên dưới 5% GDP và từ năm 2015 thì nhỏ đi, năm 2018 chỉ bằng 2,3% GDP.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả