Mỹ có công cụ 'hoàn hảo’ để cản chân Trung Quốc ở Thái Bình Dương
Khi Ngoại trưởng Trung Quốc thực hiện chuyến công du Nam Thái Bình Dương để thúc đẩy hợp tác an ninh và kinh tế, đội tàu nhỏ nhất trong các lực lượng vũ trang của Mỹ đã có mặt ở khu vực, để củng cố cam kết hiện diện lâu dài của Washington.
Đáp lại đề nghị của Quần đảo Solomon, Tuần duyên Mỹ điều tàu tuần tra cao tốc Myrtle Hazard đến tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế của đảo quốc sau khi tàu của cảnh sát biển Solomon cần sửa chữa.
Tàu tuần tra Mỹ “giúp lấp đầy nhiệm vụ cần thiết để giám sát hoạt động giám sát biển nhằm ngăn chặn hoạt động đánh bắt trái phép, không khai báo và không quản lý ở phía bắc Quần đảo Solomon”, thông cáo của Tuần duyên Mỹ cho biết.
Tàu Myrtle Hazard hiện diện ở khu vực như một phần của Chiến dịch Thái Bình Dương Xanh. Tuần duyên Mỹ gọi đây là “sứ mệnh đa nhiệm vụ nhằm thúc đẩy an ninh, an toàn, chủ quyền và thịnh vượng kinh tế ở Châu Đại Dương và tăng cường quan hệ hợp tác”.
Quần đảo Solomon là một trong nhiều đảo quốc Thái Bình Dương mà Mỹ hỗ trợ tuần tra trong khuôn khổ Chiến dịch Thái Bình Dương Xanh, cùng với Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga và Papua New Guinea. Đây đều là các chặng dừng chân trong chuyến thăm vừa qua của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Bắc Kinh đề xuất một thỏa thuận hợp tác an ninh và kinh tế quy mô toàn khu vực với khoảng chục đảo quốc Nam Thái Bình Dương. Hội nghị do ông Vương Nghị chủ trì vào đầu tuần này không thể thống nhất về thỏa thuận, nhưng Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh rằng các bên đã đạt được “5 điểm đồng thuận”, như cam kết chung về làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược và theo đuổi sự phát triển chung, nhưng không bao gồm an ninh.
Thỏa thuận này nếu được thông qua sẽ đánh dấu bước tiến đáng kể của Bắc Kinh trong nỗ lực kết nối với khu vực, nơi đóng vai trò quan trọng về địa chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trước những nỗ lực đó của Bắc Kinh, sự hiện diện của Tuần duyên Mỹ ở khu vực không được chú ý nhiều, nhưng thực tế là rất đáng kể, khi chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
“Chúng tôi sẽ mở rộng hiện diện và hợp tác của Tuần duyên Mỹ ở Đông Nam Á, Nam Á và các đảo quốc Thái Bình Dương, với trọng tâm là cố vấn, huấn luyện, triển khai lực lượng và xây dựng năng lực”, chiến lược cho biết.
Thông tin từ Tuần duyên Mỹ cho biết lực lượng này đã có vài trăm ngày và vượt qua hàng ngàn dặm trong 2 năm qua để hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương.
Đó là một phần trong nỗ lực duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực thông qua “thỏa thuận đi nhờ tàu” với 11 đảo quốc Thái Bình Dương, bao gồm Quần đảo Cook, Fiji, Kiribati, Quần đảo Marshall, Micronesia, Palau, Nauru, Samoa, Tonga, Tuvalu và Vanuatu.
Theo thỏa thuận này, lực lượng thực thi pháp luật và phòng vệ của các quốc gia đối tác có thể đi nhờ tàu tuần tra Mỹ để thực thi pháp luật trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Collin Koh một chuyên gia tại Trường Quốc tế học S. Rajaratnam Singapore, cho biết Mỹ đã có quan hệ sâu sắc với khu vực từ lâu.
“Mạng lưới hợp tác an ninh và quốc phòng được thể chế hóa” là điều mà Bắc Kinh sẽ khó có thể làm theo”, ông Koh nói.
Khi hải sản là nguồn thực phẩm chính và động lực kinh tế chủ yếu của các đảo quốc, Tuần duyên Mỹ nói rằng trọng tâm của Chiến dịch Thái Bình dương xanh là ngăn chặn hoạt động đánh bắt trái phép và không quản lý. Những hoạt động này có liên quan rất lớn đến Trung Quốc.
“Với đội tàu cá lớn nhất thế giới, các tàu đánh bắt mang cờ Trung Quốc đi khắp thế giới để đánh bắt cả trong vùng biển của nước khác, nhất là vùng đặc quyền kinh tế của các nước nhỏ”, báo cáo năm 2021 của Viện Brookings viết.
Ông Koh nói rằng quy mô hoạt động đánh bắt của Trung Quốc không giúp ích cho Bắc Kinh để có thể trở thành một lực lượng tích cực ở khu vực.
Carl Schuster, một đô đốc nghỉ hưu của Mỹ và là cựu giám đốc chiến dịch của Trung tâm tình báo phối hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, nói rằng Tuần duyên Mỹ là công cụ “gần như hoàn hảo cho việc xây dựng quan hệ với các đảo quốc Thái Bình Dương”.
Một số nhà quan sát cho rằng Trung Quốc cũng có đội tàu hải cảnh được trang bị tốt, có thể làm không kém Mỹ ở khu vực, nhưng ông Koh cho rằng điều đó sẽ không xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần.
Nhà nghiên cứu này cho rằng những hành vi gây rối của Bắc Kinh ở những khu vực gần, như Biển Đông và Hoa Đông, khiến hải cảnh Trung Quốc rất bận rộn. Điều này cũng khiến uy tín của hải cảnh Trung Quốc bị hoài nghi, từ đó tạo nên lợi thế lớn cho Tuần duyên Mỹ.
“Rất khó tưởng tượng việc Trung Quốc có đủ vốn chính trị để thúc đẩy điều tương tự như Mỹ đang làm hiện nay”, ông Koh nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận