24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Khổng Kiên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mỹ chuẩn bị giáng đòn khiến hệ thống tài chính của Nga 'lao đao'?

Một trong những cách còn lại mà Washington đang cố gắng gây áp lực với Moscow là đe dọa ngắt kết nối của người Nga với thẻ Visa và MasterCard, cũng như các doanh nghiệp Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).

Theo Vzglyad của Nga, trên thực tế, trước đó Mỹ đã ngắt kết nối với Iran và Triều Tiên khỏi hệ thống thanh toán này, dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế chai nước. Nhưng liệu Nga có thể bị ngắt kết nối với SWIFT?

Mỹ tiếp tục tìm lý do để áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Có nhiều loại trừng phạt khác nhau như những hạn chế và lệnh cấm mới đối với dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), như lệnh cấm cho vay đối với Nga cũng như việc Nga bị ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán thẻ Visa và MasterCard. Biện pháp nghiêm trọng nhất là ngắt kết nối của Nga với hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT.

Mỹ chuẩn bị giáng đòn khiến hệ thống tài chính của Nga 'lao đao'?

Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). (Ảnh: SWIFT)

Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ quyết định áp dụng với Nga như những gì nước này đã làm với Iran và Triều Tiên. Liệu tổ chức tương tự SWIFT của Nga được tạo ra vào năm 2014 có cứu được Moscow hay không?

Ông Alex Kuptsikevich, nhà phân tích tài chính cấp cao của FxPro cho biết: “Trải nghiệm của Iran và Triều Tiên là một trải nghiệm khủng khiếp, mức sống giảm mạnh và gần như không ngừng, cũng như những hạn chế về công việc của các công ty ở nước ngoài”.

Tuy nhiên, Nga đã bắt đầu chuẩn bị cho những rủi ro địa chính trị như vậy từ năm 2014. Thẻ Visa và MasterCard đã được thay thế bằng hệ thống thanh toán thẻ Mir. Nga, một giải pháp thay thế cho SWIFT - đó là hệ thống trao đổi tin nhắn tài chính SPFS (The financial messaging system of the Bank of Russia - FMS) ra mắt vào năm 2016.

Ưu điểm của các hệ thống này là nếu loại bỏ được các hệ thống tương tự của phương Tây, thị trường trong nước sẽ không bị ảnh hưởng nhiều mà còn có thể nhanh chóng thích ứng với hệ thống mới. Công dân Nga sẽ có thể thanh toán trong nước bằng thẻ Mir và các công ty thông qua SPFS.

Nhưng sẽ có những khó khăn khi thanh toán cho các giao dịch mua hoặc dịch vụ ở nước ngoài, ví dụ, với việc thanh toán cho các khách sạn nước ngoài khi đặt phòng; doanh nghiệp sẽ phải tìm kiếm cách thanh toán nguyên liệu thô hoặc thiết bị nhập khẩu theo một cách khác. Nhưng vấn đề chính sẽ nảy sinh trong việc thu ngoại hối xuất khẩu cho Nga, ví dụ, đối với ngũ cốc hoặc dầu.

Các chuyên gia của Vzglyad cho rằng, không đáng để phóng đại một sự sụp đổ là có thể xảy ra. Khá nhanh chóng sẽ có các bên trung gian có thể thực hiện các khoản thanh toán này. Một điều nữa là những bên trung gian không bao giờ làm việc miễn phí. Do đó, các giao dịch liên ngân hàng phục vụ kinh doanh hoặc giao dịch cá nhân của người dân có khả năng tăng giá. Ví dụ, các bên trung gian có thể là các ngân hàng thuộc Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU).

Mỹ chuẩn bị giáng đòn khiến hệ thống tài chính của Nga 'lao đao'?

Washington đe dọa ngắt kết nối người Nga với thẻ Visa và MasterCard. (Ảnh: RIA)

Hàng chục ngân hàng nước ngoài đã tham gia SPFS. Trong số đó có các ngân hàng Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Thụy Điển và thậm chí cả Nhật Bản. Nhưng cho đến nay người nước ngoài vẫn miễn cưỡng kết nối với hệ thống của Nga. Tuy nhiên, nếu tình hình phát triển tiêu cực, Nga có thể thay đổi. Điều này chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt có thể giúp phát triển hệ thống thanh toán của Nga.

“Người nước ngoài kết nối với SPFS như một kênh liên lạc dự phòng. Nếu các biện pháp trừng phạt mới xảy ra, thì SPFS chắc chắn sẽ được ghi nhớ ngay lập tức. Nói một cách tương đối, SPFS là một công cụ dành cho các ngân hàng trong trường hợp chiến tranh, mất điện hoặc hacker tấn công vào cơ sở hạ tầng SWIFT”, Gennady Salych, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng “Freedom Finance” cho biết.

Việc ngắt kết nối khỏi SWIFT có thể buộc các ngân hàng quay trở lại thế kỷ trước và bước vào tương lai nhanh hơn.

“Trên thực tế các giao dịch lớn quan trọng không được thực hiện thường xuyên và Nga có thể sẽ bán dầu, khí đốt cho người châu Âu hoặc người Trung Quốc trong tương lai, ngay cả khi SPFS bị phá vỡ hoặc không đạt được kỳ vọng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu là các nhà nhập khẩu có thể tiến hành thanh toán thông qua các dịch vụ fintech hoặc trong trường hợp cực đoan, là bằng tiền điện tử”, ông Salych giải thích.

Ông Salych trích dẫn ví dụ về thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU) với Iran đang được thực hiện trên các nền tảng thay thế. Hơn nữa, EU đã giúp Iran tạo ra nền tảng để lách các lệnh trừng phạt của Mỹ.

“Kinh nghiệm của Liên Xô, quốc gia bị trừng phạt trong nhiều năm và vẫn mua thiết bị cần thiết ở châu Âu cho thấy rằng không có vấn đề nào nan giải, đặc biệt là với công nghệ ngày nay. Chuyển khoản ngân hàng trực tiếp từ lâu không phải là cách duy nhất để hoàn tất giao dịch”, ông Salych nhấn mạnh.

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, không chắc Mỹ sẽ cấm sử dụng SWIFT ở Nga. Các chuyên gia cũng đồng ý với điều này. Ít nhất là bởi vì làm như vậy, Mỹ sẽ giáng một đòn mạnh vào hoạt động kinh doanh của châu Âu, vốn có liên hệ chặt chẽ với hoạt động kinh doanh của Nga.

“Nền kinh tế thế giới đang toàn cầu hóa và gắn bó với nhau vì vậy đây cũng sẽ là một đòn đánh hữu hình đối với nền kinh tế châu Âu”, ông Kuptsikevich nói.

Mỹ chuẩn bị giáng đòn khiến hệ thống tài chính của Nga 'lao đao'?

Washington đã nhiều lần đe dọa ngắt kết nối Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT. (Ảnh: TASS)

Lệnh cấm sử dụng SWIFT ở Nga có thể dẫn đến các vấn đề trong việc cung cấp khí đốt và dầu từ Nga sang châu Âu. Và đủ để tạo ra những vấn đề nghiêm trọng cho hoạt động kinh doanh của châu Âu. Bản thân người châu Âu sẽ gặp phải vấn đề về việc thanh toán tiền cho hàng hóa chuyển đến Nga.

“Không có lợi thế nào từ việc phá vỡ quan hệ thương mại. Tất cả các quốc gia và công ty đang phải chịu đựng thực hiện các giao dịch bình thường, nhưng buộc phải tìm kiếm các giải pháp thay thế lâu và tốn kém hơn”, ông Salych nhận định.

Ngoài ra, trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga có thể từ chối thanh toán các nghĩa vụ đối với các chủ nợ nước ngoài với lý do là bất khả kháng.

Vì vậy, rủi ro từ một bước đi như vậy là quá lớn đối với bản thân chính quyền ông Biden, người đang có ý định cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu.

Trước nguy cơ Nga bị ngắt kết nối khỏi các hệ thống thanh toán của phương Tây, Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga Olga Skorobogatova hôm 14/4 cho biết, cơ quan này không nhận thấy bất kỳ rủi ro nào nếu việc này xảy ra.

Theo bà Skorobogatova, Ngân hàng Trung ương không nhận thấy bất kỳ rủi ro nào về việc ngắt kết nối Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế. Bà lưu ý rằng, nếu việc này xảy ra, chính các hệ thống thanh toán quốc tế sẽ gặp bất lợi.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương cho rằng, điều cực kỳ quan trọng đối với Nga là duy trì một môi trường cạnh tranh. Ngân hàng Trung ương muốn các công ty Nga phát triển trong một môi trường cạnh tranh và giành được thành công của họ chính xác bằng cách trở thành những đơn vị tốt nhất và không có bất kỳ ưu đãi đặc biệt nào.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả