Mỹ chính thức thoát nguy cơ vỡ nợ giới đầu tư thở phào
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật về trần nợ công sau nhiều tuần tranh cãi. Động thái mang tính biểu tượng giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng làm sôi sục nước Mỹ trong suốt nhiều tháng qua, buộc Tổng thống Joe Biden phải cắt ngắn chuyến công du châu Âu và đe doạ đẩy nước Mỹ đến bờ vực một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Đạo luật mang tên “Trách nhiệm Tài chính năm 2023” được Tổng thống Joe Biden ký ban hành chỉ 1 ngày sau khi Thượng viện bỏ phiếu thông qua. Đây là kết quả nhiều cuộc thương lượng “cân não” giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.
Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ áp mức trần nợ 31.400 tỷ USD trong 2 năm, đến ngày 1/1/2025; giới hạn chi tiêu ngân sách năm tài chính 2024 và 2025, theo đó trong năm tài chính 2024 cấp 886 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng và 704 tỷ USD cho các hạng mục không thuộc lĩnh vực quốc phòng.
Như vậy, chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi trong tài khóa 2024 và tăng 1% trong tài khoá 2025. Ngoài ra, hai bên nhất trí thu hồi quỹ Covid-19 chưa sử dụng; đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.
Với việc “Đạo luật Trách nhiệm tài chính năm 2023” được ký ban hành, các thị trường và giới đầu tư đã có thể thở phào. Các nhà kinh tế trước đó cảnh báo, việc vỡ nợ có thể khiến tỷ lệ thất nghiệm của Mỹ tăng gấp đôi, đồng thời gây thiệt hại đáng kể cho tổng sản phẩm quốc nội. Theo Tổng thống Joe Biden, việc thông qua thoả thuận ngân sách này là rất quan trọng khi giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng, một sự sụp đổ kinh tế.
“Cách duy nhất nền dân chủ Mỹ có thể hoạt động là thông qua thỏa hiệp và đồng thuận. Và đó là những gì tôi làm với tư cách là tổng thống nhằm tạo ra thỏa thuận lưỡng đảng khi có thể và khi cần thiết. Việc thông qua thỏa thuận ngân sách này là rất quan trọng. Bởi rủi ro sẽ là rất lớn nếu chúng tôi không đạt được thỏa thuận về ngân sách” - Tổng thống Joe Biden nói.
Các thị trường chứng khoán tại châu Á, châu Âu và Mỹ cuối tuần này đều chứng kiến dấu hiệu khởi sắc. Trong khi đó Bloomberg trích dẫn báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu hạ nhiệt trong những tuần gần đây khi hoạt động tuyển dụng và lạm phát cùng giảm tốc.
Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy thách thức đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa dừng lại, Cơ quan xếp hạng Fitch đã quyết định giữ nguyên xếp hạng tính nhiệm nợ của Mỹ ở mức tiêu cực, đồng thời bày tỏ sự thất vọng về tình trạng “phân cực chịnh trị” tại Mỹ. Từng xảy ra dưới thời Tổng thống Barack Obama, cuộc chiến trần nợ dù không có tác động lớn đến cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau, song rõ ràng đã gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh nền kinh tế số 1 thế giới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận