Mỹ chỉ trích Nga vũ khí hóa năng lượng
Nhà Trắng nói Nga dùng năng lượng làm công cụ gây áp lực lên châu Âu, sau khi Moskva dừng vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 đến Đức.
"Thật không may và cũng không bất ngờ khi Nga tiếp tục vũ khí hóa năng lượng nhằm vào người tiêu dùng châu Âu", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) nói với Reuters.
Theo người phát ngôn NSC, Mỹ và châu Âu đang phối hợp để đảm bảo có đủ nguồn cung. "Nhờ đó, các kho lưu trữ khí đốt châu Âu sẽ được lấp đầy trước mùa đông quan trọng. Nhưng chỉ riêng nỗ lực này là chưa đủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để giải quyết lo ngại năng lượng ở châu Âu".
Mỹ đưa ra bình luận sau khi tập đoàn Gazprom của Nga ngày 2/9 thông báo không thể mở lại đường ống khí đốt Nord Stream 1 sau ba ngày bảo dưỡng như kế hoạch, sau khi phát hiện tuabin chính tại trạm nén Portovaya gần St. Petersburg bị rò rỉ dầu, trong quá trình kiểm tra chung với Siemens Energy.
"Chúng tôi dừng hoàn toàn vận chuyển khí đốt qua Nord Stream 1, cho đến khi vấn đề được khắc phục", thông báo của Gazprom cho biết, nhưng không đề cập đến thời hạn cụ thể.
Tuy nhiên, Siemens Energy cho rằng rò rỉ dầu không phải lý do kỹ thuật khiến tập đoàn Nga hoãn mở lại Nord Stream 1 sau đợt bảo dưỡng, bởi sự cố như vậy thường không ảnh hưởng tới hoạt động của tuabin và có thể bịt kín tại chỗ.
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Kể từ tháng 7, Nord Stream 1 hoạt động ở mức 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất tối đa, với lý do một số tuabin ngừng hoạt động.
Bộ Kinh tế Đức cùng ngày tuyên bố Berlin đã đảm bảo nguồn cung khí đốt. "Tình hình trên thị trường khí đốt căng thẳng nhưng an ninh nguồn cung đã được đảm bảo", theo người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức. Người này không bình luận về nội dung thông báo của Gazprom và nói Đức "nhận thấy sự không đáng tin cậy từ Nga trong vài tuần qua".
Liên minh châu Âu (EU) dự kiến cấm nhập khẩu dầu Nga từ tháng 12, áp dụng với các sản phẩm tinh chế sau đó hai tháng, để đáp trả chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine. Ngày 2/9, G7 nhất trí áp giá trần với dầu Nga nhằm hạn chế nguồn thu của Moskva nhưng vẫn duy trì dòng chảy dầu từ nước này ra thị trường thế giới.
Brussels cáo buộc Nga đang sử dụng khí đốt làm vũ khí để trả đũa các đòn trừng phạt của phương Tây, Moskva nhiều lần bác bỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận