Mỹ, châu Âu hợp tác cải thiện chuỗi cung ứng trước làn sóng bảo hộ thực phẩm toàn cầu
Cuộc xung đột tại Ukraine đang làm gia tăng rủi ro một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách cải thiện các chuỗi cung ứng thực phẩm sau khi Ấn Độ và nhiều quốc gia khác trên thế giới hạn chế hoặc ban hành lệnh cấm xuất khẩu, ông Valdis Dombrovskis, Ủy viên Thương mại EU, chia sẻ với CNBC.
Lãnh đạo các quốc gia G7 đưa ra cảnh báo trong cuối tuần vừa qua rằng cuộc xung đột tại Ukraine đang làm gia tăng rủi ro một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Đó là bởi Ukraine đã không thể xuất khẩu lúa mì, phân bón và dầu thực vật, trong khi cuộc xung đột lại tàn phá đi mùa màng và làm gián đoạn lịch mùa vụ.
Điều này đã khiến nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm từ một số quốc gia khác trên thế giới tăng vọt. Nhưng một vài quốc gia trong số đó, để duy trì ổn định nguồn cung lương thực phục vụ cho người dân trong nước, đã ban hành các lệnh hạn chế hoặc cấm xuất khẩu. Trường hợp mới nhất là Ấn Độ. Ngày 14/5 vừa qua, quốc gia Nam Á này đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì với mục tiêu giữ vững an toàn, an ninh lương thực trong nước.
“Đây là một vấn đề đáng quan ngại”, ông Valdis Dombrovskis chia sẻ với CNBC trong ngày 15/5.
“Chúng tôi đã thống nhất với phía Mỹ nhằm phối hợp và hợp tác trong cách tiếp cận vấn đề chuỗi cung ứng lương thực, trong bối cảnh nhiều quốc gia bắt đầu ban hành các lệnh hạn chế hoặc cấm xuất khẩu trước tình trạng giá lương thực tăng cao từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và mối lo an ninh lương thực nội địa. Xu hướng này làm tình hình trở nên phức tạp hơn”, ông nói.
Hạn chế xuất khẩu sẽ đẩy giá hàng hóa tăng cao, và sau cùng là chi phí thực phẩm của người dân, Dombrovskis giải thích.
Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì từ ngày 14/5. Ảnh: Getty. |
Hợp tác đôi bờ Đại Tây Dương
Mỹ và EU sẽ có những cuộc trao đổi tại Pháp trong ngày 16/5 trong khuôn khổ làm việc của Hội đồng Thương mại và Công nghệ (TTC). Dự án này được tái khởi động vào năm 2021 nhằm tăng cường mối quan hệ đôi bờ Đại Tây Dương sau giai đoạn bất đồng dưới thời ông Donald Trumps.
Tuy nhiên, sự quan tâm của TTC đã vượt ra khỏi những chủ đề dự kiến trước đó, ví dụ như tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn. Giờ đây, tổ chức này là cầu nối giúp hai bên có thể hợp tác và cùng tìm ra những giải pháp đối với các vấn đề địa chính trị.
Cuộc họp đầu tiên của tổ chức này vào cuối năm 2021 bàn thảo về chủ đề Mỹ bán tàu ngầm cho Australia trong bối cảnh Canberra trước đó đã hủy bỏ thỏa thuận tương tự với Pháp, khiến cho các quan chức châu Âu “không hài lòng”. Cuộc họp thứ 2 này được dự báo sẽ chủ yếu xoay quanh tình trạng các cú sốc nguồn cung sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine.
Chia sẻ với CNBC trong ngày 15/5, bà Margrethe Vestager, Ủy viên châu Âu về Cạnh tranh, cho biết TTC sẽ không đưa vấn đề lệnh trừng phạt đối với Nga vào trong chương trình làm việc.
“Tôi nghĩ điều đó sẽ không xảy ra. Tôi cho rằng TTC sẽ tập trung vào một số vấn đề khác, ví dụ như chuỗi cung ứng”, bà chia sẻ.
Bà Margrethe Vestager từng được ông Donald Trump đặt biệt danh “người đàn bà thuế” của châu Âu, và hứng chịu nhiều chỉ trích khi đã quá khắt khe với các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Tuy nhiên bà cho biết đã có những thay đổi trong mối quan hệ giữa 2 bờ Đại Tây Dương thời gian gần đây.
“Mọi thứ đã khác rất nhiều so với 2, 4, 6 năm về trước” bà nói.
Khi được hỏi liệu rằng việc gia tăng mối quan hệ giữa hai bên có thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện tại, bà trả lời: “Tôi hoàn toàn đồng ý”.
“Rõ ràng là các quốc gia có chung quan điểm phải cùng ngồi lại với nhau”, bà nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận