Mỹ cáo buộc Trung Quốc xây đập để kiểm soát dòng Mekong
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh việc Trung Quốc xây đập "vô tội vạ" trên thượng nguồn sông Mekong là nhằm "kiểm soát" dòng chảy hạ lưu, đẩy sinh kế của hàng triệu người vào tình cảnh khó khăn.
"Mực nước của con sông đang ở mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua - một hệ quả từ việc Trung Quốc xây đập giữ nước ở thượng nguồn", ông Pompeo chỉ đích danh Bắc Kinh trong cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN ngày 1-8 ở Bangkok, Thái Lan.
Theo Ủy hội sông Mekong (MRC), mực nước trên sông vào tháng 6 và 7 đã xuống mức "thấp nhất trong những kỷ lục thấp".
Được xem là một tuyến đường giao thông thủy quan trọng, sông Mekong bắt nguồn từ lãnh thổ Trung Quốc và chảy về phía nam qua các nước Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia và Việt Nam, nuôi sống 60 triệu người qua lưu vực và các nhánh của nó.
Tuy nhiên, các dự án xây đập của Trung Quốc trên dòng Mekong trong thời gian gần đây đã khiến nhiều nước lo ngại Bắc Kinh đang có mưu đồ đằng sau việc này.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định các hành động của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong, bao gồm cho nổ mìn khai dòng và nạo vét đáy sông, cho thấy "một xu hướng rắc rối" là Bắc Kinh đang muốn "kiểm soát các dòng chảy ở hạ lưu".
Vấn đề sông Mekong không được chú ý nhiều so với cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung hoặc các cuộc đàm phán bị đình trệ về chương trình hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, tình hình hạn hán nghiêm trọng ở Thái Lan đã đặt Trung Quốc vào sự chú ý của quốc tế, theo Hãng tin AFP.
Hạn hán năm nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc trồng lúa ở Thái Lan, buộc chính phủ nước này phải yêu cầu nông dân lùi việc gieo xạ và cậy nhờ sự giúp đỡ từ các nước khác về nguồn nước.
"Thái Lan đau khổ thì Trung Quốc cũng đau khổ", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị giãi bày trong cuộc gặp với các ngoại trưởng ASEAN ngày 31-7. Ông Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh đã xả nước từ các con đập nhiều hơn để "giải cứu" Thái Lan.
Các chuyên gia về môi trường đã nhiều lần cảnh báo tác hại của những đập nước ở thượng nguồn của Trung Quốc. Một số nhà phân tích địa chính trị còn ví von chúng như "những quả bom nước" có thể đe dọa các nước ở hạ nguồn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận