Mỹ cản nỗ lực tự cường bán dẫn của Trung Quốc
Lệnh cấm mới nhất của Mỹ nhằm vào nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc là đòn giáng nặng nề vào nỗ lực phát triển ngành bán dẫn nội địa của nước này.
Chính phủ Mỹ vừa ban hành lệnh cấm xuất khẩu công nghệ cho nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC. Nhà cung ứng Mỹ buộc phải xin giấy phép mới có thể bán hàng cho SMIC do Mỹ nghi ngờ quân đội Trung Quốc có thể sử dụng chip của công ty.
Theo chuyên gia Arisa Liu của Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan, việc Mỹ đưa SMIC vào danh sách đen thương mại là đòn giáng nặng nề vào kế hoạch phát triển ngành bán dẫn nội địa của Trung Quốc. Chính quyền Mỹ đang thi hành chiến lược chặn đứng mọi công ty then chốt nhằm buộc quy trình sản xuất hiện đại phải đóng cửa.
Stewart Randall, Giám đốc phần mềm tích hợp và điện tử của hãng tư vấn Intralink, nhận định quyết định của Mỹ hạn chế mọi kế hoạch tăng năng suất ngắn và trung hạn. Đánh mất hỗ trợ đối với trang thiết bị hiện tại đồng nghĩa họ phải làm việc với những gì có sẵn. Nó sẽ trở thành vấn đề khi có gì đó hỏng hóc.
Theo báo cáo của Reuters hồi đầu tháng, mối quan hệ giữa SMIC và quân đội Trung Quốc đã lọt vào tầm ngắm của Mỹ. Trong phát ngôn hôm 27/9, SMIC phủ nhận liên quan tới quân đội Trung Quốc. SMIC nói thêm họ không nhận được thông tin về lệnh cấm của Mỹ từ bất kỳ kênh chính thức nào.
Lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Trung – Mỹ xấu nhất trong vài thập kỷ qua, khi cuộc chiến thương mại chuyển biến thành chiến tranh công nghệ. Trước đó, Mỹ cấm Huawei tiếp cận nguồn cung chip smartphone từ các nhà thầu toàn cầu sử dụng công nghệ xuất xứ Mỹ. Lệnh cấm Huawei nhắc nhở Trung Quốc tăng cường phát triển ngành bán dẫn trong nước.
Được Richard Chang thành lập năm 2000, SMIC là lá cờ đầu của Trung Quốc trong sản xuất bán dẫn và giúp thu hẹp khoảng cách giữa nước này với ngành bán dẫn thế giới. Richard Chang từng làm việc nhiều năm tại hai nhà sản xuất chip lớn Texas Instruments và TSMC.
Tiềm năng thị trường của Trung Quốc đối với ngành bán dẫn vô cùng lớn. Trung Quốc nhập khẩu hơn 44 tỷ USD chip năm 2019 và còn tiếp tục tăng trưởng cùng với sự tiến bộ của các mặt hàng điện tử tiêu dùng trong nước.
Tháng 7, SMIC thông báo kế hoạch xây nhà máy sản xuất chip 7,6 tỷ USD tại Bắc Kinh, tập trung vào tiến trình 28nm với mục tiêu sản xuất khoảng 100.000 wafer 12 inch mỗi tháng. Wafer là vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp. Hiện tại, phần lớn doanh thu của SMIC đến từ tiến trình 65nm và cao hơn trong năm 2020, còn tiến trình 28nm và 14nm hiện đại hơn chỉ đóng góp tương ứng 6,5% và 1,3% doanh thu.
Theo Eric Tseng, CEO hãng nghiên cứu bán dẫn Isaiah Capital & Research, kế hoạch mở rộng tiến trình 28nm, 10nm của SMIC có thể bị chậm lại vì lệnh cấm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận