Mỹ cần làm gì để đối phó với lạm phát?
Theo bài viết của hai tác giả William Isaac và Richard Kovacevich đăng trên tờ The Hill, chỉ trong hai thập kỷ qua, Quốc hội và các thời chính quyền Mỹ, với sự hỗ trợ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã tăng thâm hụt ngân sách của nước Mỹ lên mức hơn 130% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà chưa có dấu hiệu kết thúc.
Sự gia tăng này đã đưa Mỹ vào nhóm 10 quốc gia có thâm hụt ngân sách tồi tệ nhất thế giới, cùng với Hy Lạp và Italy. Báo cáo Tài chính gần đây của Bộ Tài chính Mỹ ghi nhận "chính sách tài khóa của Mỹ hiện không bền vững".
Nhóm tác giả cho rằng không thể để điều này tiếp diễn, và Fed cần ngay lập tức ngừng hỗ trợ chính sách này. Hiểm họa lạm phát đang quay lại đe dọa nền kinh tế Mỹ. Để tìm ra cách thức đối phó với vấn đề này, có thể nhìn lại bài học giai đoạn từ cuối những năm 1970 đến những năm 1980, khi nước Mỹ giải quyết thành công vấn đề lạm phát, mặc dù phải chấp nhận sự đau đớn và rối loạn.
Nguyên nhân của lạm phát trong thập niên 1970 là rất rõ ràng. Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát năm 1964, và Phó Tổng thống Lyndon Johnson trở thành Tổng thống. Ông Johnson đã tuyên bố một cuộc chiến rất tốn kém chống lại đói nghèo bằng cách thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội cực kỳ tốn kém, mà cũng không tăng thuế để chi trả cho các chương trình này.
Khi ông Jimmy Carter lên nắm quyền Tổng thống Mỹ vào năm 1976, giá cả tăng nhanh, đặc biệt là đối với dầu mỏ được sử dụng để sưởi ấm nhà cửa và làm nhiên liệu cho ô tô, đang trở thành một vấn đề chính trị lớn. Tác động được cảm nhận trong thế giới tài chính gây ra áp lực lên lãi suất và đe dọa các ngân hàng và tổ chức tiết kiệm, đặc biệt là những tổ chức thực hiện các khoản vay dài hạn, lãi suất cố định.
Ông Carter đã bổ nhiệm Paul Volcker, người tại thời điểm đó là Chủ tịch của Fed chi nhánh New York, làm Chủ tịch Fed vào năm 1979 với nhiệm vụ trọng tâm là xóa bỏ lạm phát. Ông Volcker đã đáp lại bằng sự dũng cảm, táo bạo và quyết đoán, nâng mức lãi suất cơ bản lên 21,5%.
Chính sách này dẫn đến hai cuộc suy thoái, một cuộc suy thoái trong lĩnh vực nông nghiệp, sự sụp đổ của giá năng lượng, hàng loạt doanh nghiệp và cá nhân phá sản, cũng như hơn 3.000 ngân hàng và quỹ tiết kiệm phá sản, bao gồm cả một số ngân hàng lớn nhất tại Mỹ. Tình hình nghiêm trọng đến mức Fed và Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã lên kế hoạch quốc hữu hóa các ngân hàng lớn nhất của quốc gia nếu các khoản vay của họ cho các nước thuộc thế giới thứ ba bị vỡ nợ.
Tất cả những người tham gia thực hiện các chính sách này tin rằng nước Mỹ không có lựa chọn nào khác. Càng mất nhiều thời gian để xóa bỏ lạm phát, những người Mỹ có thu nhập trung bình và thấp càng phải chịu nhiều đau đớn và khó khăn.
Ngoài chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa ngày nay cũng nới lỏng hơn rất nhiều so với thập niên 1970. Số nợ liên bang vào khoảng 5.500 tỷ USD, tương đương khoảng 55% GDP vào cuối Chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000. Hơn 20 năm sau khi ông Bill Clinton rời nhiệm sở, thâm hụt ngân sách liên bang đã tăng gần 6 lần, phần lớn trong số đó đã được Fed sử dụng để kiếm tiền.
Tổng thống Joe Biden không cho thấy dấu hiệu sẵn sàng thúc giục Chủ tịch Fed Jerome Powell có những bước đi giống như ông Volcker trước đây. Giống như hai người tiền nhiệm trực tiếp của mình, ông Powell cũng không có dấu hiệu sẵn sàng làm như vậy. Cũng không có nhiều sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đối với chính sách đó. Đại dịch COVID-19 đã thu hút sự quan tâm từ khoảng hai năm trước. Quốc hội, được hỗ trợ bởi hai chính quyền, đã tung hàng nghìn tỷ USD vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 với một mong muốn tăng chi tiêu nhiều hơn, bất kể gây ra hậu quả lạm phát.
Có thể chính sách thời ông Volcker được sử dụng để đánh bại lạm phát trong những năm 1980 không thể được áp dụng trong giai đoạn hiện nay. Chính sách tiền tệ mất kiểm soát diễn ra trong thời gian dài và Fed đã tạo ra một vai trò lớn trong việc tài trợ cho chi tiêu thâm hụt khổng lồ của chính phủ mà nước Mỹ có thể bị “nghiện” mà không thể thoát khỏi - ít nhất là không gây ra nhiều đau đớn hơn mức các nhà lãnh đạo hiện tại của Mỹ có thể chịu đựng được.
Các tác giả tiếp tục khuyến nghị Fed bắt đầu giảm bảng cân đối kế toán và để thị trường bắt đầu hoạt động bình thường", lưu ý rằng trước những năm gần đây, “bảng cân đối kế toán của Fed chưa bao giờ lên tới 1.000 tỷ USD", nhưng vào năm 2017 “con số này đã lên tới hơn 4.000 tỷ USD, tương đương gần 25% của toàn bộ khoản nợ của chính phủ Liên bang”.
Các tác giả cũng nhận định rằng "sự can thiệp 8 năm của Fed vào thị trường đã góp phần khiến giá tài sản tăng lên mức ‘bong bóng’, bao gồm thị trường chứng khoán, trái phiếu dài hạn, ít nhất là một số bất động sản thương mại và các tài sản khác, hiện đang bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng, trong khi thu nhập của một số lượng đáng kể người Mỹ không tăng lên, thậm chí giảm xuống, và vẫn còn quá nhiều người muốn đi làm song không thể tìm được một công việc tử tế".
Trớ trêu thay, ngày nay nước Mỹ đang ở trong tình huống ngược lại khi có nhiều việc làm hơn gấp đôi so với những người thất nghiệp nhận được tài trợ của chính phủ mà không cần phải đi tìm việc làm.
Những lời kêu gọi của các tác giả về việc thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa hợp lý đã không được thực hiện. Đã đến lúc nước Mỹ chấm dứt tình trạng chi tiêu thiếu thận trọng và các chính sách tiền tệ tạo điều kiện cho tình trạng đó.
Theo The Hill
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận