Mỹ cấm vận dầu Nga: Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào?
Chuyên gia dự báo, động thái này của Mỹ có thể gián tiếp ảnh hưởng đà phục hồi chung của nền kinh tế Việt Nam, đẩy giá nhiên liệu tăng vọt và nguy cơ lạm phát.
Trong bài phát biểu ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga không chỉ bao gồm dầu mỏ mà còn khí đốt trong bối cảnh Moskva đang triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Hiện Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, với sản lượng khoảng 7 triệu thùng/ngày, chiếm 7% nguồn cung toàn cầu. Trước chiến tranh, giá khí đốt tại EU khoảng 2.000 USD/1.000m3. Nhưng chỉ 2 tuần sau cuộc chiến, giá khí đốt tăng lên 3.600 USD/1.000m3. Giá dầu thô Brent có lúc vọt lên gần 140 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Nhà máy diesel tại Giếng dầu Yarakta, thuộc sở hữu của Công ty Dầu mỏ Irkutsk, vùng Irkutsk, Nga. (Ảnh: Reuters). |
Đối với nền kinh tế Việt Nam, số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga (Bộ Công Thương) cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD tăng 25,9% so với năm 2020 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Liên Bang Nga.
Về đầu tư của Nga vào Việt Nam khoảng hơn 900 triệu USD, chủ yếu trong 2 lĩnh vực là điện, thăm dò khai thác dầu khí. Hiện tại, trong quan hệ thương mại giữa hai nước xuất hiện những ngành và lĩnh vực hợp tác mới như chăn nuôi bò sữa, chế biến các sản phẩm sữa, công nghiệp chế biến,… hầu hết các doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả.
Thăm dò và khai thác dầu khí đã và đang là một trụ cột quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nga. (Ảnh: vietsov.com.vn). |
Đánh giá về việc Mỹ cấm vận dầu mỏ của Nga tác động đến kinh tế Việt Nam ra sao, nhiều chuyên gia dự báo động thái này có thể gián tiếp ảnh hưởng đà phục hồi chung của nền kinh tế Việt Nam, đẩy giá nhiên liệu tăng vọt và nguy cơ lạm phát.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, giá xăng dầu đã tăng 20%, khí đốt cũng đã tăng cao. Việc giá xăng dầu tăng làm cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và trì trệ. Đó là nghiêm trọng, vì chi phí đầu vào tăng thì sản xuất ảnh hưởng.
Chưa kể tác động làm lạm phát lên cao. Lạm phát thế giới năm 2021 đã quá cao, chạm mốc lịch sử của thế giới khi lên đến 6-7%. Do đó lạm phát trong năm 2022 có thể sẽ tăng cao hơn nữa từ xung đột giữa Nga-Ukraine, kéo theo là các lệnh trừng phạt của Mỹ, và EU đối với Nga.
“Bình quân nếu xăng dầu tăng giá 10% thì GDP tăng trưởng chậm 0,5%. Tăng 20% thì mất 1% GDP/năm và lạm phát cũng sẽ tăng cao. Xăng dầu tăng 10%, lạm phát tăng 0,34%, chưa kể đến các yếu tố khác là giá nguyên liệu cũng tăng giá. Đáng lo ngại là chúng ta là nền kinh tế mở, lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng. Tác động của xung đột cũng như các hình thức trừng phạt của Mỹ và EU sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của chúng ta chứ không chỉ mỗi việc lạm phát, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh. |
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc tăng giá nguyên nhiên vật liệu và xăng dầu sẽ khiến sản xuất trong nước bị ảnh hưởng. Sản xuất trì trệ, lạm phát tăng cao là việc cực kỳ nguy hiểm, bào mòn lợi nhuận cũng như các yếu tố khác của nền kinh tế.
Trước bối cảnh này, để điều hành nền kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần phải chống lạm phát, kiểm soát giá thành và chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong nền kinh tế sao cho phù hợp. Cùng với đó, việc giảm chi phí cho doanh nghiệp là rất cần thiết (chi phí tiếp cận, chi phí về logistics, chi phí vận tải, chi phí bến đỗ, kho bãi); đối với các doanh nghiệp, cần nỗ lực tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận