Mỹ: Các doanh nghiệp nhỏ của người da màu chịu thiệt hại nặng hơn vì COVID
Theo nghiên cứu của Fed, các doanh nghiệp nhỏ của người da màu gốc Phi chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với các doanh nghiệp khác trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh New York cho thấy các doanh nghiệp nhỏ của người da màu gốc Phi chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với các doanh nghiệp thuộc sở hữu của các nhóm chủng tộc khác trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trong nghiên cứu công bố ngày 4/8, Trợ lý Phó Chủ tịch FED Claire Kramer Mills và nhà phân tích cao cấp Jessica Battisto cho rằng các doanh nghiệp có chủ sở hữu là người gốc Phi có nguy cơ phải đóng cửa gần gấp đôi so với các doanh nghiệp nhỏ nói chung.
Nghiên cứu cũng lưu ý trong khi 22% doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa nói chung, thì tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ của người da màu phải dừng hoạt động lên tới 41%.
Cụ thể, 32% doanh nghiệp nhỏ thuộc sở hữu của người gốc Mỹ Latinh tại Mỹ đã phải đóng cửa, tiếp theo là 26% các doanh nghiệp thuộc sở hữu của người gốc châu Á. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các chủ doanh nghiệp nhỏ của người da trắng là 17%.
Một phần của lý do dẫn tới vấn đề này chủ yếu là yếu tố địa lý. Các cộng đồng người da màu thường có xu hướng tập trung sinh sống, làm việc nhiều hơn ở các thành phố, những nơi đang phải hứng chịu những tác động rất lớn từ đại dịch COVID-19 hơn so với các khu vực nông thôn.
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng có một mối quan hệ chặt chẽ giữa hiệu quả kinh tế và sức khỏe do tác động của COVID-19 trong các cộng đồng, trong đó các khu vực chịu tác động của đại dịch COVID-19 nhiều nhất cũng là những nơi tập trung nhiều nhất các doanh nghiệp và mạng lưới của người da màu gốc Phi.
Báo cáo cũng chỉ ra một số nguyên nhân khác như sự hạn chế trong việc tiếp cận các chương trình cứu trợ của chính phủ như Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP), hay việc tiếp cận khó khăn với các hoạt động tài chính và ngân hàng.
Bà Mills cũng cho rằng các doanh nghiệp của người gốc Phi có sự hỗ trợ về tài chính, mối hệ với ngân hàng yếu hơn và đã tồn tại các lỗ hổng về sự hỗ trợ tài chính từ trước khi xảy ra đại dịch.
Chuyên gia này kỳ vọng đợt cứu trợ liên bang mới sẽ cung cấp thêm sự viện trợ đến các khu vực địa lý khó khăn hơn, đồng thời nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm các tình trạng thiếu cân bằng này và các doanh nghiệp trong các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã chứng kiến sự chênh lệch lớn trong việc tiếp cận các quỹ cứu trợ liên bang và tỷ lệ đóng cửa kinh doanh cao hơn.
Dữ liệu từ một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ được công bố ngày 4/8 cũng đã củng cố thêm cho những nghiên cứu này, cho thấy các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhóm thiểu số gặp khó khăn hơn khi muốn tiếp cận các khoản vay, trong khi hoạt động kinh doanh của họ đối mặt với viễn cảnh tồi tệ hơn.
Theo nghiên cứu trên, có tới 66% các doanh nghiệp nhỏ thuộc sở hữu của những người trong nhóm dân cư thiểu số lo ngại về việc đóng cửa vĩnh viễn, tăng 8 điểm so với các doanh nghiệp không phải thiểu số.
Chủ tịch Phòng thương mại Suzanne P. Clark cho biết: "Tác động không cân xứng của đại dịch đối với các doanh nghiệp nhỏ thuộc sở hữu của nhóm người thiểu số là bằng chứng rõ ràng hơn về sự bất bình đẳng hệ thống ở nước Mỹ. Thậm chí, liên quan nhiều hơn, đại dịch COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm và kéo dài các cuộc đấu tranh kinh tế mà các doanh nghiệp và gia đình thuộc sở hữu thiểu số phải đối mặt".
Cuộc khảo sát cũng cho thấy kể từ cuộc biểu tình liên quan đến cái chết của người đàn ông da màu George Floyd do một cảnh sát ở thành phố Minneapolis gây ra hôm 25/5, có tới 69% chủ doanh nghiệp nhỏ tin rằng các doanh nghiệp của nhóm dân cư thiểu số phải đối mặt với những thách thức khó khăn hơn, tăng 17 % so với trước khi diễn ra các cuộc biểu tình./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận