menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dũng Chín

Mỹ - Anh hợp tác chia sẻ dữ liệu Facebook, Google, Twitter

Mỹ và Anh vừa ký kết thỏa thuận tiếp cận dữ liệu song phương, cho phép cơ quan thực thi pháp luật mỗi bên tiếp cận dữ liệu các công ty công nghệ của nhau để phục vụ các cuộc điều tra hình sự liên quan đến khủng bố, lạm dụng tình dục trẻ em, tội phạm xuyên biên giới...

Hôm 3-10, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, William Barr và Bộ trưởng Nội vụ Anh, Priti Patel, đã ký kết thỏa thuận này tại Washington, Mỹ. Đây là thỏa thuận đầu tiên trên thế giới về chia sẻ dữ liệu từ các công ty công nghệ giữa hai nước.

Trong thông cáo báo chí đưa ra cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng thỏa thuận lịch sử trên sẽ giúp “đẩy nhanh các cuộc điều tra bằng cách gỡ bỏ những rào cản pháp lý để thu thập hiệu quả và kịp thời các bằng chứng điện tử”.

Thỏa thuận sẽ cho phép nhà chức trách ở Anh yêu cầu tiếp cận dữ liệu từ các công ty như Facebook, Google hoặc Twitter để thu thập bằng chứng trong các vụ điều tra khủng bố, lạm dụng tình dục trẻ em, tội phạm trên mạng và các tội danh nghiêm trọng khác. Trong khi đó, các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ cũng có thể tiếp cận dữ liệu từ các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông của Anh.

“Bằng cách giải quyết vấn đề kịp thời từ những chứng cứ điện tử của các tội ác vi phạm ở một nước nhưng được lưu trữ ở một nước khác, chúng tôi hy vọng ứng phó kịp thời những mối đe dọa của thế kỷ 21”, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, William Barr, nói trong một tuyên bố.

Bộ trưởng Nội vụ Anh, Priti Patel, nói: “Bọn khủng bố và những kẻ ấu dâm tiếp tục lạm dụng Internet để lan truyền các tin nhắn gây thù hận, các kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào công dân của chúng ta và nhắm đến những người dễ bị tổn thương. Thỏa thuận này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ điều tra, cho phép các cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ công chúng”.

Khi các cơ quan thực thi pháp luật muốn khởi tố một nghi phạm hình sự, họ cần phải tìm kiếm các bằng chứng phạm tội bao gồm các hoạt động trực tuyến của nghi phạm như email, tin nhắn hay những website nghi phạm truy cập, các diễn đàn trực tuyến mà nghi phạm tham gia...

Quy trình thu thập các bằng chứng này sẽ kéo dài và rất khó khăn vì hiện nay dữ liệu điện tử của các công ty công nghệ được lưu trữ ở mạng lưới máy chủ ảo được vận hành bởi các bên thứ ba và phân tán khắp nơi trên thế giới.

Thỏa thuận tiếp cận dữ liệu song phương Anh-Mỹ sẽ thay thế cho quy trình chia sẻ thông tin người dùng Internet hiện nay giữa hai nước thông qua hiệp định hỗ trợ pháp lý, vốn đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật phải được tòa án cho phép trước khi tiếp cận dữ liệu của các công ty công nghệ. Quy trình thu thập bằng chứng như vậy có thể kéo dài nhiều năm. Bộ Nội vụ Anh cho biết theo thỏa thuận mới, quy trình này sẽ giảm còn vài tuần, thậm chí vài ngày.

Các tổ chức bảo vệ quyền riêng tư bao gồm Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU) chỉ trích thay đổi trên vì cho rằng nó cho phép các cơ quan thực thi pháp luật bỏ qua các quy định trong hiến pháp bảo vệ chống lại hành vi lục soát bất hợp lý.

Thỏa thuận trên sẽ có hiệu lực một khi được quốc hội hai nước này thông qua. Đây là một phần của Đạo luật CLOUD của Mỹ, cho phép Mỹ ký kết các thỏa thuận song phương với các nước khác để tiếp cận dữ liệu điện tử lưu trữ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, thỏa thuận mới không ngăn cản các công ty công nghệ mã hóa dữ liệu trên các nền tảng của họ. Mã hóa từ cuối đến cuối (tin nhắn được mã hóa, chỉ có người gửi và người nhận mới có thể nhìn thấy chúng) đã được triển khai ở một số ứng dụng như WhatsApp và Signal.

Trong một bức thư ngỏ đăng kèm thỏa thuận, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, William Barr, cũng như các quan chức của Anh và Úc kêu gọi Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg, dừng các nỗ lực mã hóa tin nhắn ở các nền tảng của Facebook.

Thư ngỏ nói rằng mã hóa từ cuối đến cuối làm hạn chế khả năng bảo vệ cộng đồng của các cơ quan thực thi pháp luật. Mã hóa tin nhắn là một trọng điểm trong tầm nhìn của Zuckerberg nhằm xây dựng Facebook trở thành một công ty chú trọng quyền riêng tư.

Thông tin trước đó cho rằng thỏa thuận tiếp cận dữ liệu song phương Anh-Mỹ sẽ bao gồm quy định yêu cầu các công ty mạng xã hội xây dựng “các cửa hậu” ở các ứng dụng tin nhắn để hỗ trợ điều tra. Điều này có nghĩa, các công ty như Facebook phải rút lại cam kết mã hóa tin nhắn.

Tuy nhiên, người phát ngôn Facebook khẳng định sẽ không gây tổn hại quyền riêng tư của hàng tỉ người dùng bằng cách thiết kế “các cửa hậu” như vậy.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại