Muôn màu bức tranh kế hoạch kinh doanh năm 2020 các doanh nghiệp trên sàn
Theo thống kê của Vietstock, năm tài chính 2020 dù mới bắt đầu nhưng đã có tổng cộng 40 doanh nghiệp đã lên kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp đưa ra kế hoạch lợi nhuận 2020 tính bằng lần so với năm 2019, nhưng cũng có những doanh nghiệp giảm chỉ tiêu xuống thấp do tình trạng kinh doanh khó khăn cũng như áp lực cạnh tranh cao.
Nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng tính bằng lần
Các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh 2020 tăng. Đvt: Tỷ đồng
Chú thích: (*) Những doanh nghiệp công bố kế hoạch lợi nhuận sau thuế
Sau những năm đặt kế hoạch ở mức thấp thì năm 2020, Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) đã mạnh tay lên kế hoạch lãi sau thuế đạt 913 tỷ đồng, gấp 5 lần so với kế hoạch năm 2019. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn đi lùi hơn 24% so với số ước thực hiện năm 2019.
Kế hoạch lãi sau thuế của QNS qua các năm. Đvt: Tỷ đồng
Con số tăng trưởng kế hoạch lớn là do Công ty đề ra kế hoạch năm 2019 khá thấp. Lý giải cho việc đặt kế hoạch năm 2019 thấp, Chủ tịch Võ Thành Đàng giải thích: “Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận như vậy để điều hành tương quan với các quy chế quản lý nội bộ của Công ty; đồng thời tạo động lực cho các đơn vị trong Công ty tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động”.
Bỏ qua những yếu tố bất lợi như thời tiết, giá thành sản phẩm biến động làm cho thị trường phân bón mất cân đối trong năm 2019, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM) đặt con số kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2020 gấp 2.5 lần kế hoạch 2019, đạt 433 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ tiêu doanh thu năm 2020 đề ra cũng tăng gấp đôi kế hoạch 2019, đạt 9,237 tỷ đồng. Điều này dự báo về sự chuyển biến không nhỏ về hoạt động kinh doanh của DPM trong năm 2020.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp xây dựng bất động sản lên kế hoạch tăng trưởng đáng kể cho năm 2020.
Doanh thu 2020 của DIG đến từ dự án Chung cư Gateway và Khu Phức hợp CSJ
Đầu tiên là Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE: DIG) với kế hoạch doanh thu và lãi trước thuế năm 2020 đạt 3,500 tỷ đồng và 850 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 51% và 55% so với ước thực hiện năm 2019.
Kế hoạch này được đưa ra dựa trên nguồn thu gần 900 tỷ đồng đến từ Chung cư Gateway - Trung tâm Chí Linh và Khu phức hợp Cap Saint Jacques (SCJ) giai đoạn 1 (Vũng Tàu).
Tiếp theo, CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (HOSE: NTL) cũng đề ra kế hoạch lãi trước thuế đạt 450 tỷ đồng trong năm 2020, tăng gần 53% so với kế hoạch năm 2019 và doanh thu tăng 30%, đạt 1,050 tỷ đồng vào năm 2020. Trong đó, doanh thu từ kinh doanh nhà vườn tại dự án Khu đô thị LIDECO Hoài Đức khoảng 690 tỷ đồng và 360 tỷ đồng là doanh thu từ kinh doanh dự án Khu đô thị tại các phường Cao Thắng, Hà Khánh, Hà Lầm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Chỉ tiêu kế hoạch doanh thu và lợi nhuận qua các năm của NTL. Đvt: Tỷ đồng
Bên cạnh việc muốn tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng trong năm 2020, Địa ốc First Real (First Real, HOSE: FIR) còn đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 400 tỷ đồng và 120 tỷ đồng, tăng 22% và 29% so với ước thực hiện năm 2019.
Tuy ngành xây dựng đang gặp những khó khăn chung nhưng Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) vẫn tự tin đưa ra kế hoạch doanh thu khoảng 22,000 tỷ đồng với lợi nhuận hợp nhất đạt 1,000 tỷ đồng năm 2020. Đại diện HBC cho biết, cơ cấu lợi nhuận gồm 60-65% từ mảng xây dựng dân dụng và 35-40% từ xây dựng công nghiệp, hạ tầng.
Ông Trần Quang Đại - Giám đốc tài chính HBC cho biết: “Năm 2020, số lượng hợp đồng đã ký và chưa thực hiện (backlog) có thể đạt 21,000 tỷ đồng, bao gồm 16,000 tỷ đồng từ mảng dân dụng và 5,000 tỷ đồng đến từ xây dựng công nghiệp và hạ tầng. Đây là mảng Hòa Bình bắt đầu đẩy mạnh vì tiềm năng lớn, thay thế cho xây dựng dân dụng còn gặp khó khăn và tương lai có thể bão hòa”.
Những doanh nghiệp dè dặt nhìn năm 2020
Các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh 2020 giảm. ĐVT: Tỷ đồng
Chú thích: (*) Những doanh nghiệp công bố kế hoạch lợi nhuận sau thuế
Các doanh nghiệp trong ngành thép hiện đang đối mặt với tình trạng cạnh tranh khốc liệt của thị trường, áp lực về giá cả cũng như nguồn cung khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng và phải chấp nhận giảm biên lợi nhuận. Trong bối cảnh khó khăn đó Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HOSE: VPG) đưa ra kế hoạch lãi sau thuế giảm gần 30% so với kế hoạch năm 2019, đạt 56 tỷ đồng và kế hoạch doanh thu chỉ tăng nhẹ 6%, ghi nhận ở mức 2,800 tỷ đồng.
Trong khi đó, Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) cũng đưa ra kế hoạch đi lùi trong năm 2020 với chỉ tiêu lãi sau thuế chỉ còn 120 tỷ đồng, giảm 25% so với kế hoạch năm 2019.
Đứng trước nguy cơ có thể bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế tính đến ngày 30/09/2019 hơn 382 tỷ đồng, Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (HOSE: AGF) là đại diện cho ngành thủy sản đề ra kế hoạch kinh doanh đi lùi trong năm 2020. AGF đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cho năm 2020 lần lượt đạt 880 tỷ đồng và 22 tỷ đồng, giảm 41% và 27% so với mục tiêu đã đề ra cho niên độ 2018 - 2019.
Trong lúc nhiều doanh nghiệp xây dựng bất động sản đặt kế hoạch tăng trưởng, Đầu tư Xây dựng 3-2 (HOSE: C32) là doanh nghiệp xây dựng bất động sản khá hiếm hoi đặt kế hoạch đi lùi lại với chỉ tiêu doanh thu đạt 760 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 91 tỷ đồng trong năm 2020, lần lượt giảm 4% và tăng 28% so với ước thực hiện năm 2019.
Bên cạnh những doanh nghiệp đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh biến động mạnh, cũng có những doanh nghiệp chỉ đặt kế hoạch gần như đi ngang so với kế hoạch năm ngoái như Đầu tư Phát triển Hạ tầng IDICO (HOSE: HTI), Vận tải Sản Phẩm Khí Quốc tế (HOSE: GSP), Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex, HOSE: BCM).
Và tiêu biểu là Lilama 10 (HOSE: L10) khi 3 năm liên tục 2018 – 2020 đều đưa ra kế hoạch lãi trước thuế đi ngang 20 tỷ đồng, trong khi kế hoạch doanh thu chỉ nhích nhẹ 8% với con số 1,080 tỷ đồng cho năm 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận