24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lục Nam
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Muốn khơi thông xuất khẩu chính ngạch, cần tháo gỡ “rào cản” thủ tục

Mặc dù xác định chính ngạch là hướng đi tất yếu cho hàng hóa xuất khẩu, thế nhưng, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cần đơn giản hóa/cắt giảm thủ tục truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch hàng hóa,…

Không phải là câu chuyện mới, thế nhưng, tình trạng ách tắc hàng hóa tại các cửa khẩu phía bắc vẫn như một điệp khúc “đến hẹn lại lên”, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện, thúc đẩy thông quan hàng hóa, bước đầu đã đạt được những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế, trước mắt, về lâu dài, chính ngạch vẫn là hướng đi tất yếu cho hàng hóa xuất khẩu.

Muốn khơi thông xuất khẩu chính ngạch, cần tháo gỡ “rào cản” thủ tục

Muốn tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu vùng biên chấm dứt, về lâu dài, xuất khẩu chính ngạch vẫn là hướng đi tất yếu - Ảnh minh họa

Tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc ngày 08/01 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Văn Thành cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể từ khâu quy hoạch, kế hoạch sản xuất, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc; nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ logistics; xác định rõ các thị trường tiêu thụ, để bảo đảm hàng hóa nông nghiệp đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch; đồng thời cần làm bài bản, căn cơ để chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch là chủ yếu sang xuất khẩu chính ngạch.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có thể thu hút doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch cần đơn giản hóa/cắt giảm thủ tục truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch hàng hóa bởi đây là những “rào cản” đã và đang tồn tại gây khó, tạo gánh nặng về mặt chi phí cho doanh nghiệp.

Về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, dù đã có một số văn bản làm cơ sở để hướng dẫn và quản lý hoạt động truy xuất nguồn gốc, chẳng hạn như tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 22005:2008 - Xác định nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi - Nguyên tắc chung và yêu cầu cơ bản đối với việc thiết kế và thực hiện hệ thống do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố; hay 02 Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT và 74/2011/TT-BNNPTNT quy định về truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản và thực phẩm nông lâm.

Tuy nhiên, vấn đề dù tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 22005 có một số thông tin về truy xuất nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, nhưng lại khó có thể áp dụng cho các đối tượng truy xuất khác. Tương tự, 02 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa thể bao trùm hết các nhóm sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực quản lý của bộ này và các bộ, ngành khác.

Việc thiếu những tiêu chuẩn, quy định một cách toàn diện như đã nêu, dẫn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng gặp khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm cụ thể.

Muốn khơi thông xuất khẩu chính ngạch, cần tháo gỡ “rào cản” thủ tục

Các thủ tục về kiểm dịch vẫn đang gây khó cho doanh nghiệp thủy sản - Ảnh minh họa

Hay như, về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch hàng hóa cũng là vấn đề vô cùng nhức nhối, gây ra những vướng mắc cho doanh nghiệp, có thể kể đến hoạt động kiểm tra nhập khẩu sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm.

Dù tại báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP cho biết, từ năm 2018 - 2021 đã cắt giảm 78% (so với năm 2017) số lượng dòng hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan thuộc phạm vi quản lý. Thế nhưng, trên thực tế ngành thủy sản vẫn “gặp khó” vì thủ tục kiểm dịch.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), hiện nay các doanh nghiệp thủy sản thấy bức xúc và cảm giác bị “phân biệt đối xử”, dù là hàng thực phẩm thuỷ sản nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu (chiếm 70 - 80%, không tiêu dùng trong nước) hay tiêu dùng nội địa, và dù vẫn một loại sản phẩm, một nguồn xuất xứ, một doanh nghiệp nhập khẩu trong suốt nhiều năm nhưng 100% số container về đều vẫn phải thực hiện kiểm tra, phải có “chữ ký” của cơ quan Thú y thì mới được chuyển cho Hải quan làm thủ tục thông quan.

“Thậm chí, trong 10 năm qua, càng về sau thì đối tượng “kiểm dịch” và chỉ tiêu “kiểm dịch” trong danh mục sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu phải “kiểm dịch” càng mở rộng hơn mà không có bất cứ sự thay đổi nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh (từ Quyết định số 110/2008/QĐ-BNN, đến Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT, Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT và cuối cùng là Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT)”, ông Nam chia sẻ.

Ông Nam cũng cho rằng, ngoài việc gia tăng danh mục sản phẩm thuỷ sản phải “kiểm dịch” (bệnh), các Thông tư về “kiểm dịch” thủy sản hiện hành cũng chưa phân biệt các chỉ tiêu về “an toàn dịch bệnh” và “an toàn thực phẩm” khi mà sản phẩm là thực phẩm chế biến dùng cho người.

Được biết, với số lượng lô hàng thủy sản nhập khẩu, trong 9 tháng đầu năm 2021 là 50.533 lô và chỉ tính thời gian tối thiểu cần có để làm thủ tục kiểm dịch là 2 ngày/lô thì một năm ước tính thời gian doanh nghiệp phải dành cho làm thủ tục kiểm dịch là gần 135 nghìn ngày và ước tính chỉ riêng chi phí tối thiểu cho việc lưu kho đã lên tới hơn 224 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, chi phí thời gian, chi phí cơ hội và chi phí xã hội đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp, nếu không giải quyết được bài toán đơn giản hóa/cắt giảm thủ tục, rất khó để chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch là chủ yếu sang xuất khẩu chính ngạch.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả