Muốn hưởng lợi từ EVFTA, doanh nghiệp Việt phải hợp tác để khai thác thị trường
Muốn tận dụng hiệu quả EVFTA, "bằng mọi cách doanh nghiệp phải tham gia vào chuỗi cung ứng, nếu không sẽ bị cô lập"...
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), được ký kết vào tháng 6/2019 sau 9 năm đàm phán, mở ra cơ hội chưa từng thấy cho cả hai bên. Tuy nhiên, theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2018, hơn 15% doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa từng nghe nói về EVFTA, 80% có nghe về hiệp định này nhưng chưa tìm hiểu gì.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu và tham vấn về hiệp định này, sáng 5/1, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp cùng Viện Đào tạo, tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) tổ chức Hội thảo: "Hiệp định EVFTA - Thế và lực để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững". Hội thảo có sự tham gia của các đại diện từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công thương, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, chuyên gia kinh tế và gần 200 đại diện từ các doanh nghiệp.
"Bằng mọi cách phải tham gia vào chuỗi cung ứng, nếu không sẽ bị cô lập"
Tại hội thảo, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khẳng định việc ký kết EVFTA mới đây cho thấy Việt Nam là một trong những thị trường có độ mở lớn.
"Ký được hiệp định EVFTA là một chiến thắng, khẳng định vị thế của Việt Nam, vị thế bình đẳng với các đối tác châu Âu. Cơ hội mang lại từ hiệp định này là rất lớn, vì ta sẽ làm ăn với thị trường gồm 28 quốc gia và 500 triệu dân, tổng GNP là 18.000 tỷ USD. Doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận nền tri thức tiên tiến, nền khoa học công nghệ hiện đại, cơ hội để nâng cấp, đổi mới và hoàn thiện mình", ông Hùng khẳng định. "Hiệp định này cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận với các thị trường khác thuận lợi hơn".
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi hiệp định có hiệu lực, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. EVFTA được dự báo sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 20% vào năm 2020, gần 43% vào năm 2025 và 44% vào năm 2030.
Tuy nhiên, vị đại diện từ Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng thừa nhận rằng, bên cạnh những cơ hội, hiệp định này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Ông nhận định quy mô và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn, nếu không muốn nói là quá nhỏ. Bên cạnh đó, năng lực và chất lượng lao động Việt Nam còn yếu.
Trong khi đó, đứng ở góc độ cộng đồng doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ, cho rằng thách thức lớn nhất hiện tại của doanh nghiệp Việt là khả năng hợp tác với nhau để khai thác tốt thị trường.
"Điểm yếu của doanh nghiệp Việt là không hợp tác được với nhau. Muốn hợp tác với nhau, các doanh nghiệp phải luôn luôn tự cường và liêm khiết. Để làm vậy, đầu tiên phải tôn trọng và cam kết thương hiệu, hàng hoá, giữa các doanh nghiệp với nhau và với bạn hàng. Về chính sách nhà nước, tôi kiến nghị nhà nước tập trung vào tài chính ở khu vực đổi mới sáng tạo. Bởi muốn đổi mới sáng tạo mà không có tài chính thì không thể làm được", ông Nam phát biểu.
"Doanh nghiệp nếu ở quy mô vừa thì phải tăng cường hợp tác, bằng mọi cách phải tham gia vào chuỗi cung ứng. Nếu không, doanh nghiệp sẽ bị cô lập. Điều cần làm là không được phép chần chừ, phải hành động thực sự quyết liệt. Còn bài toán về thị trường và giá cả thì doanh nghiệp đã tự nhìn thấy được rồi", ông Nam cho biết.
5 khuyến nghị từ đại diện hội doanh nghiệp vừa và nhỏ
Bên cạnh những nỗ lực từ nội tại doanh nghiệp, ông Nam cho rằng để tận dụng hiệu quả hiệp định EVFTA còn cần có sự cải cách và hỗ trợ về chính sách từ Nhà nước. Theo đó, ông đưa ra 5 khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận