menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Mỹ Hà

Muôn cách vay tiền dựa trên cổ phiếu

Chính vì lấy tài sản bảo đảm là cổ phiếu, lại đi kèm các cam kết về giá trị cổ phiếu thế chấp hoặc giá trị chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, nên thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán có vai trò quan trọng. Thị giá cổ phiếu càng cao, càng ổn định thì càng có lợi cho việc vay vốn; và ngược lại.

Phần lớn nhà đầu tư nhìn nhận thị trường cổ phiếu như là một kênh huy động nguồn vốn trung và dài hạn, đặc biệt là huy động vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên trên thực tế, việc huy động vốn dựa trên thị trường này đa dạng hơn nhiều.

Đứng trên góc độ của giới chủ doanh nghiệp, mặc dù doanh nghiệp có thể cần vốn nhưng không phải ai cũng sẵn sàng pha loãng cổ phiếu khiến tỷ lệ sở hữu bị suy giảm (trong trường hợp phát hành cổ phiếu riêng lẻ); cũng không phải chủ doanh nghiệp nào cũng có đủ tiền để góp thêm nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu (trong trường hợp phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu).

Hơn nữa, về nguyên tắc tài chính, chi phí vốn cổ phần thường đắt hơn chi phí đi vay. Chính vì vậy, việc huy động vốn bằng cách đi vay thường được giới chủ doanh nghiệp ưu tiên hơn và trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp/chủ doanh nghiệp dựa vào chính thị trường cổ phiếu để làm cơ sở vay vốn.

Hiện tượng phổ biến

Đầu tiên phải kể đến việc sử dụng cổ phiếu làm tài sản bảo đảm để vay vốn ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Đi vay ngân hàng và thế chấp bằng cổ phiếu đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Đa số ngân hàng không công bố chi tiết việc đang nhận thế chấp bao nhiêu cổ phiếu, nhưng vẫn có số ít ngân hàng đưa ra chi tiết này trong báo cáo tài chính, chẳng hạn như Ngân hàng Bản Việt. Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022, “Cổ phiếu phát hành bởi các tổ chức kinh tế khác” đang là loại tài sản bảo đảm có giá trị ghi sổ lớn thứ 2 chỉ sau “Bất động sản”. Điều này phần nào cho thấy mức độ phổ biến của việc thế chấp cổ phiếu để vay vốn ngân hàng.

Do cổ phiếu là một loại tài sản có rủi ro cao nên các ngân hàng thường yêu cầu giá trị cổ phiếu thế chấp phải bằng ít nhất 200% dư nợ vay đối với cổ phiếu niêm yết. Với cổ phiếu không niêm yết, mức yêu cầu thường cao hơn, có thể lên tới 500% dư nợ vay.

Trong khi đó, việc sử dụng cổ phiếu làm tài sản bảo đảm để phát hành trái phiếu đã được doanh nghiệp đẩy mạnh trong những năm gần đây. Nhìn chung, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng cố gắng tuân thủ yêu cầu về giá trị tài sản bảo đảm tương tự như ngân hàng, nhưng trong nhiều trường hợp vẫn phát hành với tỷ lệ thấp hơn.

Thông thường, các ngân hàng sẽ ưu tiên tài sản bảo đảm là bất động sản hơn, do đó các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản có xu hướng ưu tiên thế chấp bất động sản để vay vốn ngân hàng. Vì vậy, có không ít trường hợp khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp bất động sản lại không lấy bất động sản ra làm tài sản bảo đảm mà lại chọn cổ phiếu.

Hiện tượng “nghe có vẻ ngược đời” này dễ thấy ngay ở những doanh nghiệp bất động sản lớn hàng đầu sàn chứng khoán, đã lộ ra rất rõ trong làn sóng bán giải chấp thời gian qua. Có thể kể đến 2 trường hợp tiêu biểu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) và Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt. Thống kê cho thấy tính đến hết tháng 6/2022, Novaland có trên 16.000 tỷ đồng dư nợ trái phiếu có tài sản bảo đảm là cổ phiếu, chiếm khoảng 24% tổng nợ vay. Cùng thời điểm, Phát Đạt có 3.071 tỷ đồng dư nợ trái phiếu có tài sản bảo đảm là trên 133 triệu cổ phiếu PDR, chiếm 63% tổng nợ vay.

Một dạng vay dựa trên cổ phiếu khác là vay thông qua phát hành trái phiếu kèm quyền chuyển đổi thành cổ phiếu. Đây là dạng vay khá phổ biến thường được các công ty vốn hóa vừa và lớn áp dụng. Chẳng hạn như Credit Suisse thu xếp khoản trái phiếu 300 triệu USD cho Novaland, phát hành ngày 16/7/2021 và đáo hạn vào ngày 16/7/2026, với giá chuyển đổi là 85.000 đồng/cổ phiếu (có thể điều chỉnh giảm nhưng không quá 20% tùy diễn biến thị trường); hoặc SSI thu xếp khoản trái phiếu 5.543 tỷ đồng cho Novaland (thời hạn vay 10 năm kể từ ngày 19/5/2022) với giá chuyển đổi là 93.960 đồng/cổ phiếu (có thể điều chỉnh dựa trên thỏa thuận với nhà đầu tư và thông lệ thị trường).

Hoặc cũng có thể doanh nghiệp dùng cổ phiếu để vay công ty tài chính. Như trường hợp của Phát Đạt từng sử dụng 16,7 triệu cổ phiếu PDR để làm tài sản bảo đảm cho 4 khoản vay Công ty Tài chính Mirae Asset (Việt Nam) với tổng dư nợ 340 tỷ đồng. Tính ra, lượng cổ phiếu PDR đem ra làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu, khoản vay ngân hàng, công ty tài chính có lúc chiếm tới 1/4 tổng lượng cổ phiếu PDR.

Chính vì lấy tài sản bảo đảm là cổ phiếu, lại đi kèm các cam kết về giá trị cổ phiếu thế chấp hoặc giá trị chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, nên thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán có vai trò quan trọng. Thị giá cổ phiếu càng cao, càng ổn định thì càng có lợi cho việc vay vốn; và ngược lại.

Như trường hợp của NVL và PDR, giá cổ phiếu đã tăng mạnh suốt từ đầu năm 2021 đến hết quý III/2022, giữa lúc các chỉ số chứng khoán biến động tăng - giảm rất mạnh. Tuy nhiên, khi thị trường diễn biến tiêu cực, đây lại là "yếu huyệt" khiến cổ phiếu bị bán giải chấp liên tục, đẩy doanh nghiệp vào vòng xoáy "giá cổ phiếu giảm - cổ phiếu của chủ doanh nghiệp bị bán giải chấp - doanh nghiệp phải bổ sung tài sản bảo đảm", gây ra những hệ lụy rất lớn mà thị trường tới nay đã rõ thấy.

Không vay nhưng bản chất là vay

Một kiểu huy động vốn khác dựa trên cổ phiếu, bề ngoài không phải là vay nhưng về bản chất lại là vay, đó là việc các quỹ đầu tư mua cổ phiếu của doanh nghiệp nhưng kèm cam kết mua lại. Chẳng hạn, quỹ đầu tư A chi tiền mua 5% cổ phần phát hành thêm của doanh nghiệp B với giá 1.000 tỷ đồng nhưng trong hợp đồng, doanh nghiệp B hoặc chủ doanh nghiệp B cam kết sẽ có cách thức mua lại 5% cổ phần này từ quỹ đầu tư A với giá 1.610 tỷ đồng sau 5 năm. Như vậy, về bản chất, doanh nghiệp B đã vay quỹ đầu tư A 1.000 tỷ đồng với lãi suất khoảng 10%/năm.

Đây là hình thức huy động khá phổ biến trên thị trường tài chính Việt Nam và thế giới, nhất là giữa doanh nghiệp niêm yết lớn và các quỹ đầu tư nước ngoài.

Một hình thức huy động có phần tương tự, nhưng được cá nhân (thường là chủ doanh nghiệp) sử dụng, đó là chuyển nhượng cổ phiếu tạm thời cho nhà đầu tư khác kèm cam kết mua lại sau một thời gian nhất định, bản chất vẫn là cá nhân dùng tài sản là cổ phiếu để đảm bảo cho khoản vay nhà đầu tư với cam kết lãi suất nhất định.

Ngoài ra, cũng không thể không kể đến một nghiệp vụ quen thuộc trên thị trường chứng khoán, đó là vay margin. Đây cũng là một cách vay tiền dựa trên cổ phiếu phổ biến. Chẳng hạn, nhà đầu tư sở hữu 1 tỷ đồng có thể mua cổ phiếu với số tiền 1,5 tỷ đồng (500 triệu đồng chính là tiền vay của công ty chứng khoán).

Thậm chí, trên thị trường còn tồn tại nghiệp vụ rút sức mua dựa trên vay margin, không khác gì việc công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay thế chấp bằng cổ phiếu. Ví dụ, nhà đầu tư C có 1 triệu cổ phiếu XYZ với giá mỗi cổ phiếu là 50.000 đồng, tương đương tổng giá trị cổ phiếu là 50 tỷ đồng; nhà đầu tư C có việc gấp, cần rút 10 tỷ đồng nên dùng nghiệp vụ rút sức mua; lúc này, mặc dù nhà đầu tư C vẫn sở hữu 1 triệu cổ phiếu XYZ nhưng trong đó 200.000 cổ phiếu là được hình thành từ nguồn vay margin. Như vậy, lãi suất mà nhà đầu tư phải trả cho khoản vay này chính bằng lãi suất vay margin, cộng với phí dịch vụ và lãi suất quá hạn (nếu có).

Có thể thấy, các cách thức vay tiền dựa trên thị trường chứng khoán là rất đa dạng và có tác động đa chiều đến cung, cầu trên thị trường, từ đó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Đây là thực tế mà các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ, cần hiểu để không lầm tưởng khi nhìn nhận diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
9 Yêu thích
3 Bình luận 20 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại