Mục tiêu xuất khẩu thủy sản 8,9 tỷ USD trong năm 2022 là khả thi
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng việc kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng vào cuối năm 2021 sẽ tạo đà cho ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022.
Một năm vượt khó của ngành thủy sản
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản của cả nước năm 2021 đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020 (8,64 triệu tấn), trong đó sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% với năm 2020 (3,88 triệu tấn), nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1% với năm 2020 (4,76 triệu tấn).
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2020 (8,41 tỷ USD). Nếu tính cả bột cá và thức ăn thủy sản (685,2 triệu USD), tổng giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản năm 2021 đạt 9,57 tỷ USD, bằng 107,6% so với năm 2020 (8,89 tỷ USD).
Hoa Kỳ và Nga là 2 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2021 có được sự tăng trưởng.
Theo Tổng cục Thủy sản, trong năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm thủy sản do nhu cầu tiêu thụ tại các thị truờng trong nước và quốc tế giảm mạnh.
Bên cạnh đó, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản. Giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của thủy sản.
Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta vào thị trường EU,...
Mục tiêu xuất khẩu 8,9 tỷ USD trong năm 2022 không hề khó
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT). Ảnh: Báo Nông nghiệp
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, năm 2021 dù còn nhiều khó khăn nhưng việc kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng, do đó mục tiêu xuất khẩu năm 2022 là 8,9 tỷ USD chắc chắn được.
Về chủ trương năm 2022, ông Hùng cho biết, mục tiêu phấn đấu của ngành thủy sản cơ bản duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản. Trong đó điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.
"Hiện nay, các tàu cá đều được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, Tổng cục cũng quản lý cấp hạn ngạch khai thác, kiểm soát các cảng cá. Theo đó, các cảng cá đang kiểm soát lượng tàu ra vào cảng, sản lượng thủy sản lên bến", ông Hùng nói.
Nói về bài toán "thẻ vàng" EC, ông Hùng cho hay, Việt Nam đã và đang tập trung nguồn lực, các giải pháp đồng bộ để gỡ "thẻ vàng EC" giúp thủy sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu với sản lượng lớn, giá trị lớn hơn.
"Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên năm 2021 vẫn chỉ họp trực tuyến trên cơ sở báo cáo của Việt Nam, EU cũng đánh giá cao nỗ lực của chúng ta từ trung ương đến địa phương. Dự kiến quý 1/2022, nếu tình hình COVID-19 ổn hơn, họ sẽ sang tận nơi để khảo sát", ông Hùng thông tin.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục mới 48,6 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 41,2 tỷ USD của năm 2020. Có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD.
Ngành NN&PTNT cả nước phấn đấu năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8 - 2,9%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 2,9 - 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 49 tỷ USD; tỉ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92,5%; tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận