Mục tiêu tiêm 2 triệu liều vaccine Covid-19 mỗi ngày của Indonesia liệu có khả thi?
Chính phủ Indonesia đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trên toàn quốc và hoàn thành mục tiêu Tổng thống Joko Widodo đề ra là tiêm 2 triệu liều vaccine Covid-19 mỗi ngày cho đến tháng 8.
Ông Widodo đã công bố mục tiêu trên vào cuối tháng 6 và thúc giục các cơ quan y tế đẩy nhanh việc tiêm chủng để Indonesia có thể đạt được miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng.
Indonesia hiện chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, làm tê liệt hệ thống y tế vốn đang phải chống chọi với số ca mắc bệnh và tử vong hàng ngày rất cao. Tới nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận hơn 2,9 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 76.000 ca tử vong do dịch bệnh.
Chính phủ Indonesia đã mở rộng mục tiêu tiêm chủng từ 181 triệu người lên khoảng 208 triệu người, bao gồm cả trẻ em từ 12-17 tuổi.
Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) đã phê duyệt việc sử dụng vaccine CoronaVac của Trung Quốc cho độ tuổi từ 12-17. BPOM cũng đã phê duyệt vaccine Pfizer-BioNTech tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên.
Ngoài ra, chính phủ Indoensia đã đưa người nước ngoài vào chiến dịch tiêm chủng quốc gia, đặc biệt là những người từ 60 tuổi trở lên, là giáo viên và nhân viên trong lĩnh vực giáo dục.
Bên cạnh nhiều biện pháp được đưa ra để thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng, vẫn còn câu hỏi về việc liệu Indonesia có thể đạt được mục tiêu tiêm 1-2 triệu liều vaccine mỗi ngày hay không.
Thực tế tiêm chủng ở Indonesia
Theo lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Indonesia, khoảng 42,1 triệu người đã tiêm liều vaccine đầu tiên và 16,4 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ, tính đến ngày 19/7, 6 tháng kể từ khi chính phủ phát động chiến dịch tiêm chủng quốc gia.
Tuy nhiên, số người được tiêm vaccine hàng ngày ở Indonesia đang dao động thất thường. Theo Jakarta Post trích dữ liệu của lực lượng đặc nhiệm quốc gia, các cơ quan y tế trung bình tiêm khoảng 829.000 liều vaccine mỗi ngày từ ngày 1-19/7. Con số này cao hơn mức trung bình vào tháng 6 với khoảng 520.000 liều vaccine/ngày. Số người được tiêm vaccine hàng ngày cao nhất là vào ngày 14/7 với 2,42 triệu liều.
Mặc dù số người được tiêm vaccine cao nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở một số nhóm đối tượng vẫn tiếp tục giảm. Theo Bộ Y tế Indonesia, khoảng 4,7 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đã được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên và khoảng 3 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 17/7, chiếm khoảng 14% mục tiêu của chính phủ cho nhóm tuổi này.
Người cao tuổi nằm trong nhóm được ưu tiên trong đợt tiêm vaccine thứ 2 của chiến dịch tiêm chủng quốc gia tại Indonesia.
Một số khu vực ở Indonesia cũng báo cáo có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Jakarta và Bali có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất với lần lượt 84% và 76% dân số đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Tuy nhiên, các khu vực khác bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 ở đảo Java có tỷ lệ tiêm chủng dưới 50%, với Yogyakarta là 33,8%, Đông Java 21,3%, Trung Java 15%, Banten 14,8% và Tây Java 12,9%.
Điều gì cản trở nỗ lực tiêm chủng của Indonesia?
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin thừa nhận rằng, nguồn cung vaccine hạn chế đã làm chậm quá trình tiêm chủng ở Indonesia do nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào vaccine nhập khẩu từ các nước khác.
“Chúng tôi bị hạn chế nguồn cung không phải bởi ngân sách của nhà nước mà vì các nước sản xuất vaccine không sẵn sàng cung cấp vaccine cho chúng tôi”, ông Budi cho biết.
Ông Budi nói thêm rằng, Indonesia chỉ nhận được 3 triệu liều vaccine trong tháng đầu tiên của chương trình tiêm chủng vào đầu năm nay. Tuy nhiên, ông Budi đảm bảo rằng sẽ có nhiều vaccine hơn cho Indonesia trong thời gian tới.
Tính đến ngày 19/7, Indonesia đã nhận được 141,5 triệu liều vaccine và số lượng lớn vaccine đến từ các nhà sản xuất khác nhau như Sinovac, Sinopharm, AstraZeneca, Moderna và Pfizer-BioNTech.
Trong số vaccine này, hơn 95 triệu liều vaccine sẽ được sử dụng theo chương trình tiêm chủng của chính phủ và phần còn lại sẽ được sử dụng theo chương trình tiêm chủng tư nhân mang tên “Gotong Royong” (Hợp tác cùng nhau) của Indonesia.
“Chúng tôi sẽ nhận được 30 triệu liều vaccine trong tháng 7 và 40 triệu liều vaccine nữa vào tháng 8”, ông Budi nói trong một cuộc họp báo.
Người phát ngôn Bộ Y tế Siti Nadia Tarmizi cho biết, đợt bùng phát dịch mới nhất khiến người dân lo ngại việc ra khỏi nhà, bởi vậy chính phủ đã gặp khó khăn trong việc khuyến khích mọi người đi tiêm chủng.
Để tăng tỷ lệ tiêm chủng, chính phủ Indonesia sẽ mở rộng năng lực của các trung tâm tiêm chủng bằng cách hợp tác với khu vực tư nhân và các tổ chức cơ sở. Bộ Y tế cũng sẽ làm việc với quân đội và cảnh sát để vận động người dân đi tiêm chủng tại các khu dân cư.
Mục tiêu của Indonesia liệu có khả thi?
Masdalina Pane thuộc Hiệp hội các chuyên gia dịch tễ học Indonesia (PAEI) cho biết, bà tin tưởng rằng Indonesia sẽ đạt được mục tiêu tiêm chủng, miễn là chính phủ có thể mua thêm vaccine.
“Các nhân viên y tế đã sẵn sàng để tiêm vaccine cho người dân. Người dân cũng rất quan tâm tới việc tiêm chủng. Câu hỏi đặt ra bây giờ là: Vaccine đang ở đâu?”, bà Pane nói.
Nhà dịch tễ học Riris Andono Ahmad của Đại học Gadjah Mada cho biết, chính phủ Indonesia sẽ cần thêm nhiều người sẵn sàng tiêm chủng để đạt được mục tiêu tiêm 2 triệu liều vaccine mỗi ngày.
“Trong suốt thời gian qua, chúng ta đã dựa vào các trung tâm y tế cộng đồng và bệnh viện để tiêm chủng. Chúng ta cần thêm nhiều người để nâng mức tiêm vaccine lên 2 triệu liều/ngày”, ông Ahmad nói.
Ông Riris nói thêm rằng, chính phủ cũng sẽ cần giải quyết các vấn đề hành chính đang cản trở các nỗ lực tiêm chủng. Nhiều báo cáo ghi nhận rằng, một số người dân không thể tiêm vaccine vì tên của họ không được thống kê tại các trung tâm y tế cộng đồng mặc dù họ đủ điều kiện tiêm chủng.
Ông Riris cũng kêu gọi các nhà chức trách cải thiện sự điều phối để ngăn chặn đám đông tụ tập tại một số trung tâm tiêm chủng. Bên cạnh đó, họ cũng cần khuyến khích người dân đi tiêm vaccine vì một số lượng vaccine đang bị lãng phí do tỷ lệ người dân đi tiêm chủng ở một số nơi thấp.
Trong cuộc họp vào ngày 16/7, Tổng thống Widodo đã thúc giục Bộ trưởng Y tế đẩy nhanh kế hoạch tiêm chủng bằng cách yêu cầu các trung tâm y tế sử dụng tất cả các kho dự trữ vaccine hiện có thay vì dự trữ.
“Một khi vaccine được chuyển giao đến các trung tâm y tế, cần sử dụng tất cả số vaccine đó. Các trung tâm y tế không nên dự trữ vaccine”, ông Widodo nói./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận