Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp tuy khó nhưng có thể đạt được
Nếu duy trì được tốc độ tăng doanh nghiệp như mấy năm qua, đến cuối năm 2020, tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam có thể đạt được 980.000, tiệm cận mục tiêu 1 triệu DN.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (DN) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 DN đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, số DN đang hoạt động này là những DN còn mã số thuế, có sản xuất kinh doanh và đóng thuế. Những DN đã phá sản, giải thể sẽ không được tính.
Thực tế, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng đầu năm nay là 21.100 DN, trong khi 21.800 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm 2019 là 7.800 DN, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.
"Trong 2 năm tới, nếu đạt được như năm 2018, thì sẽ có khoảng 270.000 DN được thành lập. Chúng ta sẽ có khoảng 970.000 - 980.000 DN vào cuối năm 2020. Mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 tuy khó nhưng không có nghĩa là không đạt được", ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.
Trong ba năm qua, số DN thành lập mới mỗi năm đều trên 100.000 DN, cao nhất từ trước đến nay (trong đó năm 2016 có 110.100 DN; năm 2017 có 126.859 DN và năm 2018 có 131.275 DN).
Liên quan tới việc hỗ trợ DN vừa và nhỏ tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, các cơ quan của Chính phủ đã cơ bản thực hiện toàn bộ các nội dung trong Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ như xây dựng nghị định, khung pháp lý hỗ trợ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng nghị định thành lập quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ, hiện quỹ này đã hoạt động ổn định. Ngoài ra các hoạt động tư vấn, đào tạo đã được triển khai từ năm 2018 khi Luật có hiệu lực.
"Sắp tới sẽ có một Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ DN vừa và nhỏ, hiện chúng tôi đã trình Thủ tướng sửa đổi Nghị định 118 về thực hiện Luật Đầu tư, trong đó bổ sung thêm 4 ngành hỗ trợ DN vừa và nhỏ mang tính chất đổi mới sáng tạo", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm, để DN hưởng lợi từ quá trình hội nhập, có trách nhiệm của cả 2 khối. Các cơ quan nhà nước liên quan đến DN cần tăng cường tuyên truyền những hiệp định đã ký để DN hiểu và đáp ứng, đồng thời DN cũng phải nỗ lực vươn lên.
"Khi ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, thuế xuất khẩu sẽ giảm về 0% nhưng hàng EU vào Việt Nam cũng giảm về 0%. Vì thế, DN phải nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu vào EU và cạnh tranh với hàng của EU tràn vào Việt Nam. DN phải chủ động tìm hiểu cơ hội về hiệp định để nâng cao sức cạnh tranh, nếu không thì thua ngay tại thị trường Việt Nam", ông Lâm cảnh báo.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với các DN ngành chế biến, chế tạo, quý 3/2019, có 52% số DN đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên; 11,4% số DN dự báo khó khăn hơn và 36,6% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận