Mùa sản xuất kém nhiệt cuối năm
Khác với cao điểm hoàn tất đơn hàng các cuối năm trước, không khí sản xuất của một số ngành năm nay không còn sôi động.
"Tôi hơi lo lắng một chút và đang tập trung tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường, tìm đối tác mới", Phạm Quang Anh, Nhà sáng lập kiêm CEO Công ty May mặc Dony, bình luận về mùa đơn hàng cuối năm nay. Để chủ động sản xuất, công ty này đang tập trung cho các đơn hàng nội địa.
Từ tháng 7, đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may đã yếu đi. Điều này phần nào khiến kết quả hoạt động của một số doanh nghiệp trong ngành chững lại. Sợi Thế Kỷ báo cáo doanh thu quý III giảm 3% so với quý II. So cùng giai đoạn này, doanh thu của Phong Phú cũng điều chỉnh nhẹ từ hơn 454 tỷ xuống 417 tỷ đồng.
Càng về cuối năm, không khí sản xuất càng ảm đạm, phản ánh lên kết quả xuất khẩu. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho hay, trị giá xuất khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 9 đạt 29,82 tỷ USD, giảm 14,6% so với tháng 8, tương ứng giảm 5,1 tỷ USD về số tuyệt đối.
Hầu hết nhóm hàng trong tháng 9 đều suy giảm so với tháng trước đó. Giảm tốc mạnh nhất là dệt may, với 31,9%. Cùng xu hướng đi xuống với mức giảm hai con số còn có gỗ và sản phẩm gỗ (-21%), điện thoại và linh kiện (-18,1%), thủy sản (-13,7%).
Đơn cử với thủy sản, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu tháng 9 giảm gần 28% so với tháng 8, với các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Trung Quốc ghi nhận mức giảm sâu. Kết quả hạ nhiệt của "nữ hoàng cá tra" cũng nằm trong xu hướng chung khi xuất khẩu tháng 9 giảm 26 triệu USD so với tháng 8, theo VASEP.
Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế quý III đạt kỷ lục với mức 13,67% nhưng với ngành sản xuất, tình hình không hoàn toàn tươi vui và có thể kém sôi nổi hơn nữa ở một số bộ phận trong mùa cuối năm, vốn là cao điểm hoàn tất đơn hàng.
Tuần trước, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố chỉ số niềm tin về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam đạt 62,2 điểm trong quý III. Chỉ số này giảm 6,4 điểm giảm so với quý II và giảm 10,8 điểm so với quý I.
"Đúng là hiện tại chúng ta kém lạc quan hơn so với thời điểm đầu năm 2022 do các yếu tố bên ngoài làm chậm tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Quý IV cũng có thể sẽ kém tích cực hơn so với quý II hoặc III trong năm", Chủ tịch EuroCham Alain Cany, đánh giá.
Một số ngành sản xuất mang về hàng chục tỷ USD mỗi năm cũng có dự cảm kém nhiệt hơn trong quý cuối. Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết các doanh nghiệp thành viên mới chỉ có đơn hàng đạt khoảng 50-70% năng lực vào tháng 10, trong khi tháng 11 và 12 chưa có đơn hàng.
Theo Vinatex, thị trường sợi dự kiến tiếp tục khó khăn, cầu chưa có dấu hiệu cải thiện, giá xơ năm 2022 tăng cao theo biến động của giá dầu và giá bông. Ngành may sẽ khó khăn hơn do thời điểm cuối vụ hàng đông, chuẩn bị hàng xuân.
SSI Research cho hay nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho quý I/2023 nhưng lượng đơn hàng nhận được vẫn còn rất xa so với công suất. Trong khi đó, "khó khăn đang bủa vây" doanh nghiệp dệt may trong quý IV và có thể tiếp diễn đến quý I/2023, theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt.
Nguyên nhân do doanh nghiệp ngành này vẫn đang đối mặt nguy cơ giảm đơn hàng do lạm phát ảnh hưởng sức mua của các thị trường Mỹ, EU. Cùng với đó, vòng quay hàng tồn kho chậm từ phía khách hàng khiến các doanh nghiệp dệt may Việt chịu áp lực về việc đàm phán lại giá và đơn hàng đã đặt trước.
Hay với thủy sản, TS. Hồ Quốc Lực, Nguyên Chủ tịch VASEP gần đây dự báo con tôm "khó bơi thoải mái những tháng tới, thậm chí tới giữa năm sau" do lạm phát khiến sức tiêu thụ giảm, khủng hoảng khí đốt và năng lượng khiến chi phí lưu kho ở Tây Âu tăng cao, cộng với cạnh tranh khốc liệt với tôm các nước khác.
Trong khi đó, ngành gỗ nội thất dù có thể vẫn đạt được mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD trong năm nay nhưng tình hình sản xuất quý hiện tại không quá bận rộn như thường lệ. Trong chia sẻ đầu tháng, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa) cho biết "tình hình đang là 50-50, với một số có lại đơn hàng nhưng số khác vẫn chậm".
Khi lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam được hỏi về triển vọng kinh doanh của chính họ trong quý IV, 45% trả lời tích cực, giảm nhẹ 4 điểm so với quý trước. Trong dự báo gần nhất, Chứng khoán VnDirect cho rằng đà tăng trưởng của Việt Nam có thể chậm lại trong quý IV, với mức tăng 5,6%, do khó khăn bên ngoài đang nổi lên, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam và dòng vốn FDI có thể chậm lại trong những quý tới.
"Sắp tới, tôi cảm nhận các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi lạm phát tăng cao, lãi suất tiền gửi và cho vay tăng. Điều này dẫn đến tăng chi phí vay cho các doanh nghiệp, khiến việc mở rộng thị trường sẽ khó hơn. Tình hình vĩ mô kinh tế thế giới cũng chưa ổn định", ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Sông Hương Foods, đánh giá.
Sản xuất có phần kém sôi động hơn thông lệ các quý IV những năm trước - không tính giai đoạn Covid-19 - nhưng một số yếu tố cơ bản, tạo điều kiện cho tăng trưởng dài hạn vẫn tốt.
Ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành của Decision Lab, đơn vị được EuroCham ủy quyền khảo sát BCI, đánh giá bằng cách kiềm chế lạm phát, cải thiện xếp hạng tín nhiệm và tiếp tục tăng trưởng GDP, câu chuyện của Việt Nam trở nên ít bi quan hơn trên toàn cầu.
"BCI giảm 6,4 điểm xuống 62,2, nhưng đây vẫn là mức trên trung bình, cho thấy các doanh nghiệp vẫn duy trì sự lạc quan về triển vọng phát triển trong tương lai", ông dẫn chứng.
Trong khi chỉ có 2% người trả lời BCI cho biết họ đã chuyển một phần đáng kể hoạt động của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam, điều này cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Trong trường hợp những trở ngại nói trên được giải quyết, Việt Nam sẽ có vị trí thuận lợi để thu hút thêm nhiều công ty nước ngoài chuyển địa điểm ra khỏi Trung Quốc.
Nhận định trong cập nhật thị trường lao động công bố hôm 27/10, bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc trụ sở Hà Nội của Adecco Việt Nam, cho hay nhu cầu về các vị trí cấp trung và cấp cao trong ngành sản xuất đang gia tăng. Trong đó, lĩnh vực sản xuất điện tử, do các tập đoàn lớn trên thế giới và nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sau nhiều tháng gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch. "Nhu cầu tuyển dụng các vị trí quản lý nhà máy, quản lý chất lượng và kỹ sư nhiều hơn, bao gồm các nhà máy mới thành lập và nhà máy đang hoạt động", bà Hà nói.
Cũng theo chuyên gia này, sự hỗ trợ tốt từ chính phủ, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, chi phí lao động cạnh tranh, ít hạn chế Covid, tình hình chính trị - kinh tế ổn định là một số lý do khiến Việt Nam dần trở thành điểm đến lý tưởng để dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Có 42% thành viên EuroCham được hỏi dự kiến tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam cuối năm 2022. Họ cũng chỉ ra rằng Việt Nam có thể tăng mức vốn FDI này bằng cách giảm bớt khó khăn về hành chính (68%), cải thiện cơ sở hạ tầng (53%), phát triển năng lực nguồn nhân lực (39%), và giảm rào cản thị thực cho các chuyên gia nước ngoài (39%).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận