Mua sắm trực tuyến xuất hiện ngày càng nhiều chiêu lừa đảo tinh vi
Các đối tượng đã triệt để sử dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán số của ứng dụng mua sắm trực tuyến, sự bất cẩn của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng tăng cao thông qua hình thức trực tuyến. Lợi dụng nhu cầu mua hàng qua mạng gia tăng trong mùa dịch COVID-19, nhiều đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân bằng những chiêu thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.
Lừa đảo qua dịch vụ ship COD
Là một thành viên trên diễn đàn về thiết bị nghe nhìn, anh Hoàng Thức Lộc ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội không giấu nổi bức xúc khi không thực hiện “thương vụ” mua bán bộ loa nghe nhạc chất lượng cao, lại còn bị mất thêm tiền do “đối tác” sử dụng ID giả đặt mua hàng của anh qua mạng.
Trước đó, thông qua kênh bán hàng trên diễn đàn, anh Lộc có rao bán bộ loa nghe nhạc nhãn hiệu JBL với mức giá 5,6 triệu đồng. Một thành viên trong diễn đàn có địa chỉ giả tại TP Hồ Chí Minh đã giao dịch và đồng ý mua với điều kiện, anh Lộc phải nâng giá sản phẩm lên 7,2 triệu đồng và chuyển khoản số tiền chênh lệch đó cho bên mua. Hàng được vận chuyển thông qua hình thức ship COD (Cash On Delivery -dịch vụ giao hàng thu tiền hộ).
Nghĩ rằng việc nâng khống giá bộ loa không ảnh hưởng gì đến mình và có thể tạo thuận lợi cho người mua, anh Lộc đã đồng ý sử dụng dịch vụ ship COD để giao nhận hàng. Bên dịch vụ vận chuyển đã tạm ứng tiền hàng cho anh Lộc, sau đó anh Lộc chuyển khoản lại số tiền chênh lệnh cho người muatheo như thỏa thuận.
Tuy nhiên sau đó, dịch vụ vận chuyển thông báo không liên lạc được với người mua hàng, không có ai mang tên người mua ở địa chỉ nhận hàng nên hàng phải chuyển trở về nơi bán, anh Lộc phải hoàn lại số tiền ứng hàng và đương nhiên anh Lộc đã bị lừa mất số tiền chênh lệnh giá.
“Sau đấy thành viên kia đã xóa tên khỏi diễn đàn, bỏ số điện thoại liên lạc nên rất khó truy tìm. Trước giờ vẫn có niềm tin với các thành viên cùng diễn đàn nên mua bán chưa bị lừa như thế này. Hơn nữa cách lừa đảo này quá mới khiến mình không lường trước nên mất cảnh giác. Đây là một bài học khi mua bán hàng trên mạng, nhất là với những giao dịch ở xa”, anh Lộc giãi bày.
Tương tự như anh Lộc, chị Đào Thu Hương, ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội đăng bán trên mạng đôi giày nhập khẩu có giá 3 triệu đồng. Đối tượng giả làm khách đặt mua món hàng này, đồng thờichụp màn hình điện thoại về thông tin chuyển khoản số tiền phải thanh toán cho chị Hương thành công qua Internet Banking.
Chị Hương do có nhiều giao dịch cùng một mặt hàng nên nhầm tưởng thông tin chuyển khoản số tiền trên là thật, nên nhờ dịch vụ giao nhận chuyển hàng cho khách. Tuy nhiên khi shipper lấy hàng đi rồi,kiểm tra lại tài khoản ngân hàng, chị Hương thấy vẫn chưa nhận được tiền nên có gọi điện lại cho khách mua, người này trấn an là do ngân hàng bị lỗi mạng nên tiền chưa tới.Chờ đợi cả tuần vẫn không thấy tiền về, số điện thoại của người mua không liên lạc được và phía dịch vụ vận chuyển đã giao hàng xong nên chị Hương không thể lấy lại được.
Thông tin người mua – bán cần được kiểm chứng
Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thời gian qua nhận được nhiều phản ánh của người dân liên quan đến việc lừa đảo tiền – hàng khi giao dịch mua bán trên mạng. Lợi dụng việc đi lại, vận chuyển khó khăn, khoảng cách địa lý ở xa nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để sử dụng nhiều chiêu thức mua – bán hàng lừa đảo gây bức xúc trên mạng.
Ngoài các hình thức lừa đảo trong mua – bán hàng hóa, các đối tượng còn dùng các “App” lừa đảo mạo danh đầu tư vaccine COVID-19, thiết bị y tế để kêu gọi cộng đồng mạng đầu tư vào các gói vaccine COVID-19 hoặc thiết bị y tế như khẩu trang, kính bảo hộ… thông qua website hoặc “App” không rõ nguồn gốc, không có bản quyền khiến nhiều người bị lừa hàng chục triệu đồng khi trang web hoặc “App” sập mà không thể rút lại tiền.
“Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng “xoáy” nhiều vào các thủ đoạn liên quan như tạo các website bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên sau khi nhận tiền của người mua hàng, các đối tượng lừa đảo thường ngắt liên lạc và không giao hàng như thỏa thuận. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá dịch vụ tiêm vaccine, bán các sản phẩm có khả năng phòng ngừa virus để lừa nạn nhân”, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cảnh báo.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu có tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vẫn chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng.
“Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể”, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận