Mua nhà cắt lỗ: Tiết kiệm vài trăm triệu nhưng dễ "mất thêm tiền oan" nếu bỏ qua những điều này
Các cặp vợ chồng chia sẻ về kinh nghiệm đáng giá khi mua nhà cắt lỗ.
Mua nhà cắt lỗ giúp tiết kiệm hơn
Gia đình Thu Phương (29 tuổi, kinh doanh cà phê) đã mua căn hộ đầu tiên 56m2 ở Gia Lâm, Hà Nội vào năm 2022. “Nhà của mình, giá mua từ chủ đầu tư là 1 tỷ 950 triệu, nhưng mình lựa chọn mua căn cắt lỗ rẻ hơn 300 triệu. Bên cạnh đó, gia đình mình vay ngân hàng 70% giá trị căn nhà theo hình thức trả góp trong 7 năm”.
Theo Thu Phương, mua nhà cắt lỗ không phải là rủi ro mà là sự lựa chọn thông minh. Người mua nhà cần tìm hiểu thật kỹ về dự án bản thân đang định xuống tiền, hỏi qua bạn bè, người thân từng mua nhà ở đây, hoặc nói chuyện với 2-3 môi giới bất động sản để tìm hiểu căn hợp lý với khả năng tài chính.
Mặt khác, mua nhà cắt lỗ cũng có một số nhược điểm như căn đã được sử dụng, xuống cấp. Đa số các căn mua từ đầu dự án nên đã hết bảo hành từ chủ đầu tư, căn ở tầng xấu, hay số nhà xấu. “Nhà mình mua là căn chưa được sử dụng nên là mới nguyên, nhưng cũng đã hết bảo hành từ ban quản lý. Song, những vấn đề liên quan đến kỹ thuật điện nước thì bên chủ đầu tư vẫn hỗ trợ rất nhiệt tình”.
Cũng giống Thu Phương, gia đình Bích Nhựt (33 tuổi, đang nghỉ ở nhà làm nội trợ và kinh doanh online sau một thời gian làm kế toán) đã mua nhà cắt lỗ vào tháng 9/2023. Đây là căn hộ 70m2 gồm 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh ở Dĩ An, Bình Dương, mua lại với giá 1,7 tỷ đồng. Giá trước đó là 2,1 tỷ đồng nhưng do chủ cũ phải bán lỗ để trả ngân hàng nên rẻ hơn. “Mình mua nhà vào đầu tháng 9, đây là lúc thị trường BĐS biến động. Vợ chồng mình quyết định mua thời điểm này vì giá BĐS giảm khá nhiều so với những giai đoạn đạt đỉnh, có nhiều sự lựa chọn hơn”.
Những lưu ý khi vay nợ mua nhà
Cùng thời điểm mua nhà và hoàn thiện nội thất, Thu Phương cũng dồn một khoản vốn khá nhiều để mở tiệm cà phê mới. Do vậy, gần như phải dùng hết số tiền tích góp, đồng thời vay mượn khá nhiều. Khoảng thời gian đó khá áp lực với vợ chồng mình.
Sau những tháng đầu tiên mua nhà, vợ chồng vẫn đang cố gắng để trả những khoản vay từ bạn bè, hay tất toán thẻ tín dụng kịp thời hạn. Vì vậy, chi tiêu cũng bị thắt chặt hơn rất nhiều. “Trước kia, có những tháng vợ chồng mình mua sắm chi tiêu đến mấy chục triệu gần như không vì một mục đích cụ thể, chỉ đơn giản à cho sở thích. Vợ chồng mình cũng không có sổ tiết kiệm, hay mua bảo hiểm tự nguyện”.
Sau trải nghiệm mua nhà, Thu Phương cho rằng điều quan trọng nhất là tiết kiệm. “Có lẽ là về vấn đề tiết kiệm tiền. Lúc làm thủ tục mua nhà, mình nghĩ rất nhiều đến việc: "Vì sao mình không có 1 khoản tiết kiệm nào nhỉ, sao mình lại không tiết kiệm tiền sớm hơn". Bạn chỉ cần ổn định về mặt kinh tế hay đơn giản là có 1 công việc tốt, mình tin chắc dù lương tháng là 10 hay 20 triệu đồng, bạn hoàn toàn có thể sở hữu một căn nhà mơ ước của mình”.
Còn đối với Bích Nhựt, gia đình cô có khoản vay 750 triệu đồng, thời hạn trả nợ 30 năm. Tuy nhiên, cô lên kế hoạch trả đứt cho ngân hàng trong vòng 6 năm. Bởi vì bước qua năm thứ 6, trả trước hạn sẽ không bị tính lãi phạt.
“Mình cho rằng chỉ nên mua nhà trả góp khi đã tích lũy được từ 30-50% giá trị BĐS. Mặc dù có nhiều dự án cho vay lên đến 70-80%, thậm chí 90% giá trị BĐS, nhưng điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải trả lãi hàng tháng khá lớn cho khoản vay này. Mức lý tưởng là bạn đã có 50% giá trị ngôi nhà hoặc ít nhất là 30%. Điều này thể hiện khả năng trả nợ gốc và lãi sẽ nằm trong mức cho phép từ thu nhập của bạn, tránh những khoản vay này vô tình thành nợ xấu trong tương lai. Nếu mượn được từ người thân thì ưu tiên mượn trước nhưng phải lập kế hoạch trả nợ cụ thể và trả đúng hạn”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận