Mua hàng online mùa dịch, khách hàng mất tiền triệu như "chơi”
Khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, nhiều người có xu hướng chuyển qua mua hàng online để phòng, tránh dịch. Tuy nhiên, chỉ cần một sơ suất nhỏ, người tiêu dùng có thể bị lừa mất hàng triệu đồng.
Mới đây, chị Lưu Thị Phương Anh (Hà Nội) bị lừa mất hơn 2 triệu đồng khi mua hàng qua mạng. Chị kể lại cách đây khoảng 2 tuần, chị có thấy bài đăng bán xoài rất đẹp mà giá cả phải chăng, chị liền nhắn tin hỏi mua.
“Tôi muốn mua về buôn nên đã đặt 30 thùng xoài với tổng giá trị đơn hàng là 4,8 triệu đồng. Người bán này tự xưng là người của một công ty bán hoa quả có giấy phép kinh doanh, có mã số thuế và dấu đỏ. Người này gửi cho tôi tất cả những thông tin này để tôi kiểm tra và tôi kiểm tra trên mạng và thấy tên công ty và mã số thuế trùng khớp nên tôi tin luôn”, chị nói.
Nhưng đáng chú ý là người bán này đã yêu cầu chị chuyển khoản đủ số tiền là 4,8 triệu đồng thì mới gửi hàng. Do đọc được nhiều vụ lừa đảo trên mạng, chị chỉ chuyển khoản cho anh ta một nửa giá trị đơn hàng là 2,4 triệu đồng.
“Thấy tôi chuyển một nửa như vậy, anh ta liền bảo sẽ chỉ gửi cho tôi 15 thùng thôi. Tôi cũng đồng ý vì lỡ chuyển rồi, đợi lấy hàng thôi”, chị kể lại.
Đã 2 tuần trôi qua, chị vẫn chưa nhận được hàng. Chị liền nhắn tin và gọi điện cho người này và yêu cầu gửi hàng, nếu không gửi thì chuyển khoản lại tiền. Tuy nhiên, anh này không chuyển tiền lại, cũng không gửi hàng, chỉ xem tin nhắn mà không trả lời, âm thầm chặn tài khoản Facebook của chị.
Biết mình đã bị lừa, chị làm đơn tố cáo và trình báo công an tại địa phương với đầy đủ các bằng chứng, giấy tờ liên quan. Chị vẫn đang đợi cơ quan chức năng giải quyết vụ việc cho mình.
Câu chuyện này được chị Phương Anh chia sẻ công khai lên một diễn đàn trên mạng xã hội thu hút rất nhiều người quan tâm. Có thể thấy, chiêu thức này đã cũ nhưng rất nhiều người vẫn bị mắc lừa.
“Sao không lấy hàng của những người hay phát trực tiếp để nhìn thấy người và thấy hàng thực tế mà đi đặt hàng kiểu này, chưa kể còn phải chuyển trước vậy trời. Bây giờ, các mối sỉ làm ăn đàng hoàng họ sẽ gửi hàng, người mua nhận hàng mới phải thanh toán nhé”, tài khoản Hạnh Trần viết.
Có người lại cho rằng trước khi chuyển khoản phải xin thông tin cụ thể của người mình định chuyển khoản, cụ thể là bắt phải chụp chứng minh nhân dân để đảm bảo, không sợ bị lừa. Và đó cũng là căn cứ để đem tố cáo nếu bị lừa đảo.
Theo luật sư Phạm Thị Bích Hảo, nếu có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người bán có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, theo từng trường hợp cụ thể trong Điều luật quy định.
Bạn làm đơn tố giác, tố cáo về tội phạm lên cơ quan điều tra nơi người bán cư trú hoặc nơi bạn cư trú. Trong đơn bạn nêu rõ thời gian chuyển khoản, số tài khoản nội dung chuyển để có cơ sở giải quyết.
Ngoài ra, trong trường hợp trên, bản chất của hành vi mua hàng qua mang là giao dịch dân sự nên khi bên bán không thực hiện đúng thỏa thuận thì bạn cũng có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu giải quyết.
Theo quy định tại Điều 40 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì bạn sẽ nộp đơn khởi kiện tại tòa án cấp quận, huyện nơi bị đơn tức là người bán hàng đang cư trú hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận