Mùa dịch khó khăn trăm bề lại khó vay vốn
Giữa lúc doanh nghiệp, người dân đang kỳ vọng việc tiêm chủng vắc xin đại trà sẽ khiến kinh tế bật dậy mạnh mẽ thì doanh nghiệp lẫn cá nhân lại lo lắng khi gần đây vay vốn khó hơn...
Theo các chuyên gia, với tình trạng room tín dụng hạn chế như hiện nay thì mục tiêu giảm lãi suất cho vay rất khó thực hiện.
Việc cơ quan quản lý siết tín dụng tăng trưởng nóng, thanh khoản của NH là cần thiết. Nhưng về lâu dài NH Nhà nước nên có giải pháp quản lý khác thay vì công cụ hành chính, tình thế. TS Cấn Văn Lực
Kiểm soát chặt từng món vay
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu cho hay được ngân hàng (NH) cấp hạn mức 30 tỉ đồng, tháng 8 mới đáo hạn nhưng gần đây khi tiền về tài khoản NH đã thu nợ để có room cho doanh nghiệp khác vay.
"Tôi lo với tình hình như hiện nay khi đáo hạn sẽ khó vay lại hoặc được cấp hạn mức thấp hơn khiến việc xoay xở vốn khó khăn" - chủ doanh nghiệp này nói.
Ngay cả cá nhân cũng "lên ruột" khi kế hoạch giải ngân bất ngờ thay đổi vào phút chót vì NH hết room. Chị Phương (TP Thủ Đức) cho biết mới đây chị vay NH để mua nhà. Khoản vay đã xét duyệt xong và hẹn ngày giải ngân thì bất ngờ đến sát ngày nhân viên NH thông báo với chị là hết hạn mức, chị phải chờ.
Một giám đốc khối của NH thương mại lớn cho hay từ mấy tháng nay room tín dụng của NH khá căng, do vậy giải ngân phải kiểm soát từng món vì sợ vượt hạn mức. Việc này không phải chỉ đạo miệng mà được ban hành bằng văn bản xuống các chi nhánh, phòng giao dịch.
Theo văn bản này, việc kiểm soát này áp dụng cho mọi khoản giải ngân mới, mua lại trái phiếu doanh nghiệp phát sinh từ ngày 25-6 đến hết 31-12, cho dù khoản giải ngân tham gia bất kỳ chương trình, sản phẩm nào, bao gồm cả những khoản giải ngân thấu chi, cầm cố sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi, giấy tờ có giá… để làm tài sản đảm bảo.
Trường hợp khoản giải ngân có giá trị lũy kế trong một ngày với một khách hàng từ 10 tỉ đồng trở lên, NH này yêu cầu khối kinh doanh phải gửi đăng ký cho trung tâm nguồn vốn của NH tối thiểu một ngày trước khi giải ngân.
NH này cũng yêu cầu giám đốc khối chịu trách nhiệm phê duyệt các khoản vay dưới 10 tỉ đồng, trường hợp khoản vay trên 10 tỉ tổng giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách các khối hỗ trợ phê duyệt.
NH chờ nới room
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP.HCM cũng xác nhận hiện NH này đã cạn room tín dụng và đang chờ NH Nhà nước cấp hạn mức mới. Trong lúc chờ đợi, hiện NH này chỉ cho vay cầm chừng dựa trên số thu nợ được nên khá "phập phù".
Chẳng hạn trước đây một doanh nghiệp được cấp hạn mức ví dụ 30-40 tỉ đồng thì về nguyên tắc doanh nghiệp rút lúc nào cũng được nhưng giờ NH phải xem xét dựa trên nhiều yếu tố, và thường NH chỉ giải quyết một phần nhu cầu chứ không phải đăng ký là được, nhất là ở cuối quý.
"Việc giới hạn này không phải NH không có vốn nhưng NH bị giới hạn bởi hạn mức tín dụng" - vị tổng giám đốc này nói.
Được biết, đầu năm nay NH Nhà nước đã giao chỉ tiêu tín dụng lần 1 cho các NH nhưng nhìn chung, mặt bằng room tín dụng được NH Nhà nước cấp năm nay thấp hơn năm trước.
Trong đó, nhóm 4 "ông lớn" gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp room năm nay 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Hạn mức của một số NH thương mại cổ phần như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5%; MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%.
Lý giải về việc phải giới hạn room tín dụng, ông Phạm Thanh Hà - vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NH Nhà nước - cho biết việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trong nhiều năm qua nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát và chất lượng tín dụng. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Theo lãnh đạo NH Nhà nước, ước đến cuối tháng 6, tín dụng đã tăng gần 6%, cao hơn gấp đôi mức tăng cùng kỳ năm 2020. Cả năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 12%. NH Nhà nước sẽ theo sát diễn biến tình hình thực tế, nhu cầu vay vốn để có thể mở rộng tín dụng hơn so với mục tiêu đã đề ra.
Chống lạm phát nhưng phải lưu ý nhu cầu vốn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng một số NH nhỏ được giao chỉ tiêu tín dụng cả năm 12-15%. Tuy nhiên do quy mô nhỏ nên số tiền tuyệt đối được cho vay ra khá hạn chế, đã được cho vay hết rồi. Do đó, hiện nay các NH này phải chờ NH Nhà nước cấp tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Để được cấp tín dụng, NH Nhà nước sẽ căn cứ vào khả năng tăng trưởng tín dụng, năng lực kiểm soát rủi ro… xem xét cấp tiếp room tín dụng.
Theo ông Lực, việc cơ quan quản lý siết tín dụng tăng trưởng nóng, thanh khoản của NH là cần thiết để kiểm soát rủi ro, an toàn hệ thống. Nhưng lâu dài NH Nhà nước nên có giải pháp quản lý khác thay vì công cụ hành chính, tình thế như đang áp dụng. NH Nhà nước nên quản lý hệ số an toàn vốn (CAR). Như thế, nó sẽ vừa đảm bảo an toàn vốn, vừa đảm bảo đáp ứng chuẩn Basel 2 và vừa theo thông lệ quốc tế.
Cách giải quyết nào cho những khách hàng đã ký hợp đồng vay vốn mà nay phải chờ đợi giải ngân? Ông Lực đề nghị NH Nhà nước cần xem xét và có cách xử lý các hợp đồng vay vốn mà tổ chức tín dụng đã ký hạn mức tín dụng cam kết với khách hàng từ trước.
"Vốn cần được đến kịp thời với khách vay để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân không bị ách tắc" - ông Lực kiến nghị.
Một số chuyên gia cũng cho rằng nếu siết room, nguồn cung hạn chế sẽ khó cho việc giảm lãi suất.
Một chuyên gia NH (đề nghị không nêu tên) cho rằng không nên cố thủ trong lô cốt chống lạm phát khiến dòng chảy tín dụng bị ảnh hưởng. Nhu cầu vay vốn của người dân còn sống sót lại trong đại dịch này là có thật. Các nền kinh tế ở nước ngoài dồn sức tập trung cho phục hồi kinh tế chứ không phải chỉ chăm chăm chống lạm phát.
Chúng ta lo ngại áp lực lạm phát do giá xăng dầu, giá sắt thép và một số mặt hàng khác tăng cao là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thế giới đang còn phải đối mặt với làn sóng đại dịch như Úc, Nhật Bản… Nên việc phục hồi nền kinh tế là vô cùng khó khăn, lạm phát của thế giới cũng như trong nước sẽ khó vượt quá tầm kiểm soát.
Ở nước ta, từ đầu năm đến nay, lạm phát chỉ hơn 1,5%. "Nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân đang cần vốn để sản xuất kinh doanh hơn bao giờ hết. Đừng để khách hàng đến mà NH nào đó phải trả lời là chờ thêm vì hết hạn mức tín dụng" - vị chuyên gia khuyến cáo.
"Công cụ điều hành quan trọng"
Trả lời câu hỏi về việc có nên bỏ hạn mức tín dụng vì hiện nhiều NH đã gần hết room tăng trưởng, tại buổi họp báo về hoạt động NH hôm 21-6, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc NH Nhà nước, nhấn mạnh việc đặt ra hạn mức tín dụng là cần thiết. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là giữ vững ổn định vĩ mô, ổn định nền kinh tế. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ của NH Nhà nước phải đảm bảo góp phần đạt được mục tiêu này.
Ông Tú khẳng định trần hạn mức tín dụng là công cụ điều hành quan trọng, góp phần quản lý chất lượng tín dụng. Vì NH Nhà nước sẽ căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng NH để giao hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp.
Với quy mô tín dụng đang chiếm trên 140% GDP hiện nay, tức nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc lớn vào vốn vay NH. Nếu bỏ trần hạn mức tín dụng thì sẽ gây ra nhiều bất ổn.
"Nếu không quản lý tốt việc tăng trưởng này một cách hài hòa, hợp lý thì nó sẽ tạo ra sự bất ổn với các NH thương mại. Cứ hình dung 1 năm tín dụng tăng vài chục phần trăm, ồ ạt đưa ra chất lượng tín dụng không đảm bảo, chỉ 1 - 2 năm, nợ xấu lại dâng lên thì bất ổn ngay, nên phải kiểm soát, vừa đảm bảo cung ứng vốn, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát", ông Tú nói.
Vận động giảm lãi suất cho vay trong tháng 7
Thông tin này được nêu ra tại cuộc họp trực tuyến để bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của đại dịch COVID-19 mới được Ngân hàng Nhà nước thông tin.
Tại cuộc họp, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng dịch bệnh kể từ khi bùng phát tới nay gần 18 tháng. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục và ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì thế, vẫn cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh mọi hoạt động của ngân hàng phải làm sao hài hòa song hành giữa 2 mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, song vẫn đảm bảo an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng tổ chức tín dụng nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn.
Theo ông Tú, thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để toàn ngành triển khai thực hiện; đồng thời ông giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7-2021 này.
Trước đó Hội Doanh nhân trẻ đã có văn bản đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất 1 năm; trong đó, đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%...A.HỒNG
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận