Mùa đại hội 2020, vết sai cũ lộ diện
Hạn chế cổ đông dự đại hội là vi phạm Luật Doanh nghiệp, lỗi này đã được chỉ ra từ nhiều năm trước, nhưng năm nay, vẫn có doanh nghiệp mắc phải. Dù lý do là tổ chức đại hội trong bối cảnh đặc biệt của dịch bệnh, nhưng luật không cho phép doanh nghiệp được bỏ qua một cổ đông nào…
Từ chuyện SGR yêu cầu có trên 2.000 cổ phiếu mới được dự đại hội…
Tuần trước, HĐQT CTCP Địa ốc Sài Gòn - SaigonRES (mã chứng khoán SGR) đã có một nghị quyết về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) gây nhiều tranh cãi.
Cụ thể, nghị quyết cho rằng, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, HĐQT chỉ mời các cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 2.000 cổ phần trở lên tham dự đại hội.
Các cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 2.000 cổ phần nếu có ý kiến đóng góp về các vấn đề trong chương trình họp, gửi thư đến Văn phòng Công ty hoặc gửi email trước ngày 6/6. HĐQT sẽ tập hợp các ý kiến đóng góp và đưa vào chương trình thảo luận tại đại hội.
Nói cách khác, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu dưới 2.000 cổ phiếu sẽ không được tham dự ĐHCĐ trực tiếp.
Điều đáng nói là từ năm 2014, Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ, cổ đông có quyền tham dự và phát biểu trong các ĐHCĐ và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định.
Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết. Cũng trong Luật Doanh nghiệp 2014 thì “Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần”.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, Luật Doanh nghiệp đã quy định, 1 cổ phần cũng là cổ đông của công ty, mà đã là cổ đông thì phải có sự bình đẳng giữa các cổ đông.
Tức là cách SGR dự định tổ chức như trên với lý do là vì dịch Covid nên hạn chế số người tham dự là không đúng luật.
Trong trường hợp này, các cổ đông có thể khởi kiện lên toà án, thậm chí yêu cầu huỷ bỏ nghị quyết ĐHCĐ hoặc một phần nghị quyết ĐHCĐ do trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHCĐ không thực hiện đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Với một doanh nghiệp niêm yết, tuân thủ luật là yêu cầu bắt buộc, bên cạnh việc cần tự nâng cấp chất lượng quản trị bằng việc tuân thủ các thông lệ quản trị tốt.
Cẩm nang hướng dẫn tổ chức ĐHCĐ do Sở GKDCK TP.HCM (HOSE) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phát hành ghi rõ: “Theo thông lệ quản trị tốt thì quyền tham dự ĐHCĐ là một quyền cơ bản của cổ đông. Các quy trình và thủ tục tổ chức họp ĐHCĐ phải đảm bảo việc đối xử công bằng với tất cả các cổ đông theo các nguyên tắc Quản trị công ty của OECD. Do đó, danh sách cổ đông cần bao gồm tất cả các cổ đông đã được đăng ký tại ngày đăng ký cuối cùng”.
Với nghị quyết trên, HĐQT SGR vừa làm trái với quy định trong Luật Doanh nghiệp, vừa chưa áp dụng theo thông lệ quản trị tốt.
Điều đáng nói là trong HĐQT SGR có bà Nguyễn Thị Mai Thanh, giữ vị trí Phó chủ tịch HĐQT đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh (REE) - một doanh nghiệp được các nhà đầu tư tổ chức ưa thích vì nền tảng doanh nghiệp tốt, tính minh bạch và quản trị công ty tốt trên thị trường.
Sau khi các phương tiện truyền thông phản ánh, HĐQT SGR đã ra nghị quyết mới, thay thế cho nghị quyết đã ban hành trước đó, trong đó đã bỏ quy định chỉ mời cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu trên 2.000 cổ phần trở lên dự đại hội.
… Đến việc tổ chức kiểu "siêu tốc "tại IDJ
Một trường hợp rất đáng quan tâm khác là CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán IDJ).
Theo Nghị quyết ĐHCĐ diễn ra ngày 2/5/2020 của IDJ, tính đến 8h30, có 70 cổ đông tham dự đại hội, tổng số cổ phần tham dự là 12,9 triệu cổ phần, tương ứng 39,56% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trong khi quy định tối thiểu là 51% tổng số phiếu biểu quyết dự họp. Như vậy, ĐHCĐ thường niên năm 2020 lần 1 của IDJ bất thành vì không đủ điều kiện tiến hành.
Tuy nhiên, thay vì lùi ngày tổ chức sang một thời điểm khác, IDJ tiến hành ngay ĐHCĐ lần 2. Cách tổ chức “siêu tốc” này đã gây tranh cãi. Cụ thể, ngay sau khi ĐHCĐ lần 1 không thành, IDJ đã gửi thư mời họp lần 2 qua email.
Nhờ đó, tỷ lệ tham dự đại hội tuy vẫn giữ nguyên 39,56% vào lúc 9h15 phút cùng ngày, nhưng đã vượt qua tỷ lệ tối thiểu 33% số cổ phần có quyền biểu quyết dự họp cho lần ĐHCĐ lần 2. Tức là đại hội lần 2 này đủ điều kiện tiến hành.
Luật Doanh nghiệp quy định, trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành thì doanh nghiệp được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, nếu Điều lệ công ty không quy định khác.
Cuộc họp của ĐHCĐ triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 33% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
Điều thú vị là Luật Doanh nghiệp không quy định cụ thể về thời gian tối thiểu kể từ ĐHCĐ lần 1 bất thành là bao lâu thì ĐHCĐ lần 2 được tổ chức.
Tuy nhiên, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng, doanh nghiệp không thể tổ chức ĐHCĐ lần thứ 2 chỉ sau một vài giờ khi lần một tổ chức bất thành, cho dù Điều lệ công ty có quy định gửi thông báo họp bằng email, tức là có thể thông tin ngay lập tức đến cổ đông.
Mặt khác, việc chuẩn bị thu xếp để họp và di chuyển của cổ đông tới địa điểm họp thì không thể giới hạn trong bao nhiêu phút hay vài tiếng với cổ đông.
“Theo quan điểm của tôi, khi ĐHCĐ lần 1 bất thành, việc doanh nghiệp tổ chức ĐHCĐ lần 2 ngay sau đó là không hợp lý. Nếu doanh nghiệp viện lý do Luật không quy định, nhưng Điều lệ công ty có đề cập nên cứ tiến thành thì cổ đông có quyền khởi kiện ra tòa án để phán xử vấn đề này có hợp lý hay không. Với kinh nghiệm của mình, tôi tin rằng, tòa sẽ quyết định việc họp như vậy là không hợp lý và từ không hợp lý có thể dẫn đến không hợp lệ”, luật sư Nghiêm nêu quan điểm.
Luật Doanh nghiệp có quy định: “Người triệu tập họp ĐHCĐ phải gửi thông báo mời họp đến tất cả các cổ đông trong danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn”.
Trong khi đó, thư mời của IDJ ghi sẵn thời gian tổ chức ĐHCĐ lần 2, lần 3. Việc các lần trước bất thành với thời gian chỉ cách nhau 30 phút trong cùng một ngày dự định tổ chức ĐHCĐ là không hợp lệ.
Bởi nếu lần 1 bất thành thì phải triệu tập lại ĐHCĐ lần 2 vào một dịp khác để các cổ đông có thời gian chuẩn bị.
Vượt qua giới hạn của Luật, doanh nghiệp phải chịu rủi ro bị hủy Nghị quyết
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO
Để đánh giá cụ thể chuyện ĐHCĐ của doanh nghiệp, cần nhìn vào 2 khía cạnh. Thứ nhất là từ doanh nghiệp, luật định như hiện nay khiến nhiều công ty cũng gặp khó khăn vì khi triệu tập ĐHCĐ, họ thấy rõ không đủ tỷ lệ để tiến hành lần 1.
Mỗi lần tổ chức lại tốn kém cho chính doanh nghiệp, cho chính cổ đông, nên doan nghiệp thường phải nghĩ ra một cách nào đó để vượt qua giới hạn của luật (hay còn gọi là “lách luật” - PV).
Thứ hai, nếu doanh nghiệp áp dụng theo cách vượt qua giới hạn của luật mà cổ đông không bất mãn thì cũng hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề có thể phát sinh, trong trường hợp tranh chấp, thì sự hợp lý đó chuyển thành bất hợp lý. Khi tranh chấp, các cổ đông khác đòi hỏi một trình tự tổ chức ĐHCĐ triển khai đúng Luật. Chỉ cần 1 cổ đông không đồng ý thì cơ sở để cổ đông đó yêu cầu huỷ nghị quyết ĐHCĐ là có.
Chỉ cần căn cứ vào trình tự tổ chức ĐHCĐ, việc chưa tổ chức phiên họp lần 1 mà đã có thông báo, triệu tập luôn phiên họp lần 2 thì không thể xem đó là kết quả, mà chỉ là đối phó. Vậy nếu căn cứ vào cái lý dựa trên bản chất này, toà án hoàn toàn có thể bác nghị quyết của doanh nghiệp.
Do vậy, nếu doanh nghiệp vẫn thực hiện như trên, khi xảy ra tranh chấp thì sẽ chịu rủi ro huỷ nghị quyết ĐHCĐ.
Khi nào cổ đông có quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội?
Điều 147 - Luật Doanh nghiệp quy đinh, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp ĐHCĐ hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến đại hội, cổ đông, nhóm cổ đông có quyền yêu cầu tòa án hoặc trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết trong các trường hợp sau đây:
1. Trình tự và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định củad đại hội không thực hiện đúng theo quy định của luật này và Điều lệ công ty, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 148 của luật này.
2. Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.
Theo thông lệ quản trị tốt, thông báo mời họp ĐHCĐ cần:
- Được gửi tới tất cả các cổ đông;
- Cho phép cổ đông có đủ thời gian để chuẩn bị cho cuộc họp;
- Cho phép cổ đông có đủ thời gian để liên lạc với các cổ đông khác;
Các công ty có thông lệ quản trị tốt thường gửi thông báo mời họp tới cổ đông trước ngày khai mạc ít nhất 30 ngày.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận