Mua cổ phiếu ưu đãi tránh bị "lùa"
Cổ phiếu ưu đãi là một loại chứng khoán vừa có những đặc điểm giống cổ phiếu thường, vừa giống trái phiếu. Cũng giống như cổ phiếu thường, người mua cổ phiếu ưu đãi được xem là cổ đông trong công ty. Tuy nhiên, khác với cổ phiếu thường, cổ phiếu ưu đãi trả một lượng cổ tức nhất định cho cổ đông nắm giữ.
Có 2 loại cổ phiếu ưu đãi:
+ Cổ phiếu ưu đãi được phân loại là vốn chủ sở hữu nếu người phát hành không có nghĩa vụ phải mua lại cổ phiếu ưu đãi đó.
+ Cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả nếu bắt buộc người phát hành phải mua lại cổ phiếu ưu đãi đó tại một thời điểm đã được xác định trong tương lai và nghĩa vụ mua lại cổ phiếu phải được ghi rõ ngay trong hồ sơ phát hành tại thời điểm phát hành cổ phiếu.
Trên đây là quy định của Thông tư 200 - Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam.
Thực ra, cổ phiếu ưu đãi cổ tức có nghĩa vụ mua lại của bên phát hành là một công cụ tài chính Nợ (tức là đi vay) rất phổ biến trên thị trường tài chính, được nhiều công ty áp dụng. Tiếng Anh dịch là Redeemable Preference Shares/Stocks.
Tại sao tôi lại chia sẻ nội dung này bởi điều quan trọng là khi chúng ta làm gì thì việc hiểu rõ các thông tin để đánh giá là rất quan trọng. Lý do thứ hai là trong quá khứ không ít các trường hợp lợi dụng sự không hiểu rõ này để nhiều thành phần trên thị trường có những hành vi “lùa”.
Một ví dụ điển hình là cách đây 3 năm, có một công ty lớn trên sàn đã phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức và cam kết mua lại sau 6,5 năm phát hành, giá phát hành là 40K trong khi thị giá cổ phiếu phổ thông giao động khoảng 17-18K. Tôi còn nhớ rằng rất nhiều người đã hô hào về con số chênh lệch giữa 40K vs. 18K để kêu gọi mua vào cổ phiếu này. Và vài năm sau thị giá cổ phiếu này chưa bao giờ tiệm cận đến con số 25K chứ chưa nói đến 40K.
Chúng ta cần hiểu rõ rằng khi phát hành chứng khoán Nợ như cổ phiếu ưu đãi cổ tức có cam kết mua lại thì giá phát hành không phản ánh giá trị cổ phiếu thường. Và như thế thì cần phải có đánh giá độc lập khi ra quyết định thay vì theo lời hô hào của một số thành phần trên thị trường. Việc thị giá cổ phiếu thường tăng/giảm là do các yếu tố khác bên ngoài giá phát hành của cổ phiếu ưu đãi. Nhưng như thế thì là thị trường phát triển. Thị trường ở dạng weak form như Việt Nam thì việc tác động là không tránh khỏi.
Tiền nào cũng là tiền
Dưới góc độ doanh nghiệp, cá nhân tôi cũng chia sẻ nhiều lần, doanh nghiệp có 2 nguồn lấy tiền (1) Thị trường kinh doanh, (2) Thị trường tài chính. Chỉ có dòng tiền đầu tư thường phải chi ra, trong khi tiền có thể thu về từ dòng tiền kinh doanh và dòng tiền tài chính.
Việc phát hành cổ phiếu ưu đãi để thu tiền về, cho dù là dạng đi vay, thì cũng tạo ra dòng tiền vào cho doanh nghiệp và tác động đến định giá doanh nghiệp/cổ phiếu. Nếu tính theo DCF, thì tiền vào đi vay cũng được cộng vào khi tính FCFE khi định giá cổ phiếu.
Câu chuyện với thị trường là sẽ phải đánh giá, tiền thu về có đủ cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp tái cấu trúc, đặc biệt với những doanh nghiệp mất cân đối tài chính nghiêm trọng, nghĩa là có tạo động lực để tạo ra dòng tiền kinh doanh dương hay không? Hay là tiếp tục phải kiếm tiền từ Dòng tiền tài chính? Nếu liên tục kiếm tiền từ Dòng tiền tài chính thì cơ chế gần như Ponzi.
Ở thời điểm khó khăn, một đồng thu về cũng là quý giá. Nếu chúng ta đầu tư thứ cấp, chúng ta sẽ không quan tâm đến cấu trúc, nhưng nếu đầu tư mua cổ phiếu phát hành từ doanh nghiệp thì việc tìm hiểu và phân tích kỹ thông tin giúp giảm rủi ro và nâng cao khả năng sinh lợi.
Thực tế, cổ phiếu ưu đãi cổ tức hay được mập mờ về câu chữ để ghi nhận sang Vốn chủ thay vì Nợ. Nhất là yếu tố cam kết mua lại. Trước đây VPB đã mua lại 73 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức, trước khi mua lại đã ghi vào vốn chủ. Đó cũng là cách lách để BCTC đẹp hơn và làm việc với các bên có lợi ích liên quan.
Vì thế, với tư cách làm chủ hay quản lý doanh nghiệp mà hành động nào tốt nhất cho doanh nghiệp thì sẽ làm. Thị trường sẽ đánh giá, giá cổ phiếu trong dài hạn sẽ phản ánh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận