24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Văn Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 2: Phục hồi mạnh so với nền thấp của cùng kỳ

Mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) quí 2 đang dần khép lại khi hầu hết các doanh nghiệp lớn đều đã công bố KQKD.

Lợi nhuận tăng mạnh nhưng phân hóa

Theo cập nhật của Fiin Group, tính đến ngày 31-7-2021 đã có 674 trên tổng số 1.738 doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn HOSE, HNX và UpCom công bố kết quả kinh doanh chính thức hoặc ước tính cho quí 2-2021. Trong đó bao gồm 26 ngân hàng (chiếm 99,5% vốn hóa ngành) và 622 doanh nghiệp (chiếm 81,4% vốn hóa khối phi tài chính).

Theo đó, thu nhập từ hoạt động kinh doanh của khối ngân hàng duy trì tăng trưởng mạnh trong quí 2-2021 với mức tăng 44,2%, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng chậm lại do gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn của Nhà nước, bao gồm Vietcombank và VietinBank. Trong khi đó, khối phi tài chính ghi nhận tăng trưởng 32,2% về doanh thu và 86,4% về lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm trước.

Định giá P/E toàn thị trường bị chi phối bởi nhóm ngân hàng (hiện chiếm khoảng 40% tổng lợi nhuận toàn thị trường). Vì vậy, việc xem xét định giá trong tương quan với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của từng nhóm ngành hay cổ phiếu cụ thể là điều quan trọng với nhà đầu tư tại thời điểm này.

Sự phân hóa về tăng trưởng lợi nhuận giữa các nhóm ngành cũng diễn ra khá rõ nét. Cụ thể, có 15/17 ngành của khối phi tài chính đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Các ngành có lợi nhuận tăng tốc đặc biệt mạnh bao gồm: tài nguyên cơ bản (tăng 337,6%), hàng và dịch vụ công nghiệp (tăng 141%), dầu khí (tăng 257%), hàng cá nhân và gia dụng (tăng 111%) và bán lẻ (tăng 88,7%).

Hầu hết các ngành tăng trưởng mạnh đều mang tính chu kỳ, hưởng lợi lớn nhờ nhu cầu tiêu dùng hồi phục hoặc giá cả hàng hóa gia tăng. Ở chiều ngược lại, du lịch - giải trí, ô tô và phụ tùng là hai ngành có lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ năm 2020 (lần lượt giảm 102% và 2,3%).

Xét đến các phân ngành nhỏ hơn, nhóm cảng biển và bán lẻ đã có sự trở lại mạnh mẽ với doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng trong quí 2 cao hơn rất nhiều so với mức tăng của quí 1. Tại nhóm cảng biển, doanh thu của 20/45 doanh nghiệp (chiếm 62,5% vốn hóa ngành) tăng 70% so với cùng kỳ năm trước, hồi phục mạnh so với mức giảm 13,4% trong quí 1.

Nguyên nhân là nhờ hoạt động xuất nhập khẩu tích cực trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính hồi phục sau Covid-19. Trong đó, doanh nghiệp đầu ngành là Gemadept (GMD) ghi nhận tăng trưởng quí thứ 3 liên tiếp về doanh thu (+23,6%) và quí thứ 2 liên tiếp về lợi nhuận (39%). Với nhóm bán lẻ, lợi nhuận sau thuế của nhóm này tăng ấn tượng, lên tới 107% trong quí 2 nhờ doanh thu tăng và biên lợi nhuận cải thiện.

Tiêu biểu là Thế giới Di động (MWG) có biên cải thiện nhẹ 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Một doanh nghiệp khác là DGW cũng có câu chuyện tương tự. Nhờ cắt giảm chi phí bán hàng, biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) của DGW đã tăng 0,3 điểm phần trăm, giúp lợi nhuận sau thuế tăng 140% trên nền doanh thu tăng thấp hơn (63%).

Ngành bất động sản cũng duy trì tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao (tăng 91%) chủ yếu nhờ mức tăng trưởng vượt bậc từ ông lớn đầu ngành là Vinhomes (VHM) - chiếm 33% vốn hóa ngành. Tại nhóm bất động sản nhà ở, lợi nhuận sau thuế quí 2-2021 của 36/80 doanh nghiệp (chiếm 80% vốn hóa nhóm này) tăng 119% so với cùng kỳ, cho dù Vingroup (VIC) ghi nhận lợi nhuận giảm sâu 37% do hai mảng kinh doanh lớn là sản xuất ô tô và dịch vụ khách sạn du lịch tiếp tục lỗ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản có quy mô nhỏ và vừa ghi nhận lãi ròng tăng trưởng tốt nhờ đẩy mạnh bàn giao dự án trong quí 2, bao gồm PDR (tăng 107%), DXG (tăng 202%), HDC (tăng 78%). Tại nhóm bất động sản khu công nghiệp, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quí 2 mặc dù vẫn ở mức cao (+60%) nhưng đã có sự giảm tốc so với quí 1-2021 (+73%).

Trong lĩnh vực xăng dầu và khí đốt, động lực tăng trưởng đến từ PV Gas (GAS) và Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Với PV Gas, sản lượng sản xuất và tiêu thụ khí giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá LPG tăng đã giúp lợi nhuận sau thuế của PV Gas tăng 22,8%. Trong khi đó, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận lãi gần 1.500 tỉ đồng trong quí 2 (so với mức lỗ 1.900 tỉ đồng cùng kỳ năm 2020) nhờ giá dầu tăng (giúp tránh trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho) và tiêu thụ trong nước hồi phục.

Với ngành thép, doanh thu của 13/48 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính (chiếm 12,4% vốn hóa ngành) tăng 85% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế tăng mạnh hơn nhờ biên lợi nhuận tăng. Tuy nhiên, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng cho doanh nghiệp ngành thép hiện không còn mạnh mẽ như giai đoạn nửa đầu năm khi giá thép trong nước đã dần hạ nhiệt kể từ cuối tháng 5. Bên cạnh đó, sản lượng thép tiêu thụ thường giảm trong quí 3 do đây là quí thấp điểm đối với hoạt động xây dựng và dịch Covid-19 đang bùng phát trên diện rộng. Do vậy, triển vọng của nhóm ngành thép trong quí 3 có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nhóm ngành nào tiềm năng?

Cũng theo Fiin Group, nhờ mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ấn tượng, cộng với thị trường chứng khoán đang trải qua nhiều phiên điều chỉnh, định giá VN-Index đang về vùng khá hấp dẫn. P/E (giá/lợi nhuận một cổ phiếu) toàn thị trường hiện ở mức 16,8x, nằm trong vùng +/-1 lần độ lệch chuẩn so với mức trung bình ba năm. Tuy nhiên, định giá P/E toàn thị trường bị chi phối bởi nhóm ngân hàng (hiện chiếm khoảng 40% tổng lợi nhuận toàn thị trường). Vì vậy, việc xem xét định giá trong tương quan với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của từng nhóm ngành hay cổ phiếu cụ thể là điều quan trọng với nhà đầu tư tại thời điểm này.

Về các nhóm ngành hưởng lợi từ tái mở cửa nền kinh tế sau dịch Covid-19, dự báo sẽ là thủy sản, gỗ và cảng biển. Kết quả kinh doanh quí 2-2021 của các doanh nghiệp ngành này cũng khá tốt. Cụ thể, doanh thu của 11/41 doanh nghiệp thủy sản (chiếm 43,8% vốn hóa ngành) tăng 36,6% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu về tôm và cá tra phục hồi sau khi các thị trường xuất khẩu chủ lực (bao gồm Mỹ và châu Âu) tái mở cửa nền kinh tế sau dịch Covid-19, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng mạnh hơn (tăng 70%).

Riêng với ngành cảng biển, kết quả kinh doanh của 11 doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa (chiếm 20% vốn hóa ngành) cho thấy lợi nhuận nhóm này rất tích cực do được hỗ trợ bởi tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng hàng hóa qua các cảng và giá cước vận tải biển ở mức cao. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của 11 doanh nghiệp này tăng lần lượt là 82,7% và 11,5%, dẫn đầu là Cảng Quảng Ninh (CQN) với lợi nhuận sau thuế tăng 50,9% và Cảng Đồng Nai (PDN) với mức tăng 45,2%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả