'Mua bánh mì 20.000 đồng nhưng chờ chuyển khoản mất 5 phút'
'Bơm có cái lốp xe hết 5.000 đồng nhưng nhiều bạn trẻ vẫn lôi điện thoại ra, hỏi xin wifi, quét mã QR, chờ chuyển khoản mãi không xong'.
'Mua bánh mì 20.000 đồng nhưng chờ chuyển khoản mất 5 phút'"Xin wifi để chuyển khoản không phải chuyện hiếm gặp hiện nay. Tôi từng chứng kiến nhiều bạn trẻ đứng loay hoay chuyển khoản cho người bán. 'Nhập pass sao không được, anh nhập giùm em. Rồi em chuyển khoản anh một triệu, rồi anh trả lại em 950.000 đồng tiền mặt nhé'. Nghe cuộc trao đổi giữa bạn trẻ mua hàng và người chủ quán, tôi chỉ biết ngao ngán. Nhiều bạn trẻ bây giờ xem hàng quán như cây ATM để rút tiền, đổi tiền vậy.
Có bạn chuyển khoản xong lại hối ngược lại chủ quán: 'Tiền qua chưa ạ? Em thấy mình bị trừ tiền rồi nè? Mà em đang gấp nên đi trước nhé, chắc xíu nó qua đó'. Cá biệt hơn, có người đang quét mã QR thì điện thoại báo cạn pin. Thế là bạn quay qua hỏi người bán: 'Cho em mượn cục sạc sạc xíu cho lên vài phần trăm pin rồi em chuyển khoản tiếp'.
Đó là lý do mà nhiều người bán không muốn nhận chuyển khoản, chỉ muốn khách trả bằng tiền mặt. Theo tôi, tất cả là do ý thức của mỗi người mà thôi. Nhiều khách hàng luôn nghĩ mình là 'thượng đế', chỉ biết lợi cho bản thân mà không quan tâm đến những bất tiện, phiền phức mình gây ra cho người khác.
Đó là quan điểm của độc giả Nguyenhaitung về những tranh cãi chuyện 'quán không nhận chuyển khoản'. Người Việt ngày càng chuộng thanh toán không tiền mặt. Hầu hết các cơ sở kinh doanh trên cả nước đều đã chấp nhận chuyển khoản qua mã QR, số tài khoản hoặc thanh toán thẻ. Thậm chí người bán rau, hàng rong, quán vỉa hè nhận giao dịch từ vài nghìn đồng.
Tuy nhiên, đây cũng lúc nhiều bất cập phát sinh. Tại TP HCM, Hà Nội và tỉnh thành khác có một số cửa hàng, quán ăn, cây xăng không nhận chuyển khoản. Một số nơi dán biển thông báo nhưng cũng có nơi chỉ trả lời nếu khách hỏi. Lý do là bởi họ sợ bị lừa đảo, tài khoản lỗi không thể nhận tiền hoặc chủ quán thấy phiền phức vì bị hỏi mật khẩu wifi để giao dịch, mất thời gian kiểm tra giao dịch thành công, chưa kể một số trường hợp chuyển nhầm lại phải chuyển trả gây phiền phức.
Đồng cảm với những bức xúc của người bán hàng với khách chuyển khoản, bạn đọc Jincrush bình luận: Tôi thấy lạ là nhiều người không mang theo mình vài trăm ngàn đồng tiền lẻ để phòng thân. Họ mua mấy thứ giá trị nhỏ nhưng vẫn đứng quét QR rồi đòi hỏi đủ thứ. Thậm chí, có người mua ổ bánh mì 20.000 đồng hay bơm cái lốp xe hết 5.000 đồng nhưng không đưa tiền mặt cho nhanh, cứ mang điện thoại ra, hỏi wifi, chờ quét mã QR, đợi chuyển khoản... Vậy là một giao dịch lẽ ra chỉ mất 5 giây nay thành 5 phút".
"Tôi từng chứng kiến một trường hợp như sau tại quán quen gần nhà: Hôm đó là sáng chủ nhật, quán đang đông khách, chủ quán và chồng bận túi bụi để phục vụ. Một bạn nữ vào mua bịch bún riêu đem về và đứng chờ tới khi chủ quán làm xong, trao tới tận tay, mới hỏi xin pass wifi để quét mã chuyển khoản. Chị chủ quán nói quán nhỏ, thuê mặt bằng nên không có wifi.
Sau đó, chị phải kêu chồng dùng 4G để phát wifi cho cô nàng công nghệ kia thanh toán. Mấy người đứng sau lưng cô gái ai cũng lắc đầu ngao ngán. Tôi tự hỏi tại sao nhiều người thích chuyển khoản nhưng lại không đăng ký gói data để sử dụng khi ra khỏi nhà mà cứ thích làm phiền người khác vậy?", độc giả Hdngan nói thêm.
Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt hiện là ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mục đích của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là để hạn chế việc lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế, giảm được các chi phí cần thiết phục vụ cho lưu thông tiền mặt. Từ đó làm giảm thiểu chi phí xã hội và giúp tiết kiệm thời gian.
Ủng hộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên, bạn đọc Kinru.nguyen cho rằng người dùng cần sử dụng công nghệ một cách thông minh và linh hoạt: "Chuyển khoản là phương thức thanh toán hiện đại, nên được sử dụng rộng rãi. Thế nhưng, nó cần được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ. Mỗi người phải luôn mang theo một ít tiền mặt để đề phòng trường hợp khẩn cấp chứ không nên phụ thuộc hoàn toàn vào thanh toán điện tử.
Chẳng lẽ, khi xe thủng lốp và phải vá lại với giá 10.000 đồng nhưng bạn cũng đòi phải được chuyển khoản cho người sửa xe dạo? Có nhiều người còn kỳ cục hơn nữa khi thích thanh toán bằng phương thức chuyển khoản nhưng điện thoại lại không có 3G, 4G, đi đâu cũng phải xin wifi. Như vậy khác gì bảo tôi có tiền để trong ví và bỏ quên ở nhà?".
"Hội nhập, tân tiến hay gì đi nữa thì ra đường cũng nên mang theo một ít tiền mặt phòng thân. Bỏ qua vấn đề một số cửa hàng, cơ sở kinh doanh không chấp nhận thanh toán online, bạn cũng phải phòng trường hợp ngân hàng, ví điện tử bảo trì hoặc gặp lỗi không thanh toán được. Thực tế này vẫn diễn ra thường xuyên, nhiều lúc, tôi vào siêu thị mua một đống đồ, đến khi thanh toán thẻ thì ngân hàng bảo trì, ví điện tử lỗi đăng nhập, lỗi thanh toán. Cũng may, lúc đó tôi có thủ sẵn tiền mặt nên không bị mất thời gian, không gây phiền phức cho bản thân, thu ngân, những khách hàng khác", độc giả Thinhndn bổ sung.
Độc giả Nguyenhaitung với câu chuyện thanh toán chuyển khoản phía trên kết lại: "Thực ra, thanh toán không tiền mặt rất tiện và là xu thế chung của cả thế giới. Nó giúp con người không phải lo đi đổi tiền lẻ để thối lại, không sợ tiền giả, không sợ trộm cắp, móc túi. Nhưng sử dụng công nghệ thế nào cho hiệu quả lại tùy vào chính mỗi người".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận