Mua bán vàng: Cương quyết phải có hóa đơn điện tử
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhằm thực hiện công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh; căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại công văn số 3669/NHNN-QLNH ngày 03/5/2024, NHNN TP.HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức và thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ.
Giá vàng liên tục nhảy vọt khiến xuất hiện tình trạng hạn chế số lượng giao dịch mua bán ở một số tiệm vàng trên địa bàn TP. HCM trong thời gian gần đây. Cùng với đó là vẫn còn tình trạng không đủ hóa đơn, chứng từ... theo giao dịch. (Ảnh minh họa)
Thứ nhất, thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh mua bán vàng miếng theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 (Nghị định 24). Đồng thời, chấp hành nghiêm các quy định khác về quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại Nghị định số Nghị định 24 của Chính phủ, các thông tư hướng dẫn Nghị định 24, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
Chấp hành nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính; Tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Thứ hai, thường xuyên nắm bắt thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến hoạt động mua, bán vàng miếng tại các địa điểm kinh doanh mua bán vàng miếng của Quý đơn vị, để đảm bảo chấp hành đúng quy định. Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng;
Thứ ba, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Trong đó kịp thời báo cáo về NHNN TP.HCM những khó khăn vướng mắc và đề xuất kiến nghị (nếu có) liên đến hoạt động kinh doanh vàng miếng; phản ánh kịp thời biến động thị trường để phục vụ công tác quản lý, công tác phối hợp và xử lý, báo cáo và tham mưu NHNN Việt Nam và UBND TP.Hồ Chí Minh.
Thứ tư, yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt trong những thời điểm giá vàng thế giới và trong nước biến động, cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn hướng dẫn khách hàng, người dân nhằm hạn chế và tránh yếu tố tâm lý tác động gây ảnh hưởng đến thị trường.
"Trong quá trình này, trao đổi và cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến thị trường, về tình hình giá cả và cung cầu thị trường về NHNN TP.HCM để phối hợp làm tốt công tác truyền thông", đại diện NHNN chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc, nêu trong văn bản.
Đi kèm các yêu cầu với trọng tâm nội dung siết hóa đơn, chứng từ mua bán vàng miếng, nhà điều hành quản lý tiền tệ, ngoại hối tại thị trường TP. HCM cũng cung cấp công khai địa chỉ, số điện thoại và đầu mối tiếp nhận điện thoại, email để thông tin báo cáo, trao đổi, phản ánh... về thị trường theo các nội dung trên.
Biến động giá vàng miếng SJC 2 chiều mua vào bán ra
Động thái siết chặt hoạt động mua bán, giao dịch vàng miếng của NHNN chi nhánh TP HCM diễn ra trong bối cảnh giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh và đã chạm mốc 87,5 triệu đồng/ lượng (với vàng miếng SJC), và vàng nhẫn dao động quanh 75 triệu đồng/ lượng. Cùng với đó, trong ngày 8/5, NHNN đã tổ chức đấu thầu vàng và 3 có tổ chức thành viên trúng thầu với giá cao nhất ngang giá thấp nhất 86,05 triệu đồng/ lượng.
Trước đó, liên quan đến quản lý thị trường vàng và thanh toán giao dịch mua bán vàng miếng, tại Thông báo số 160/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng, nhất là việc cương quyết phải có hóa đơn điện tử (HĐĐT) trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Xử lý thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.
Theo thông tin của Tổng cục Thuế, sau hơn một năm triển khai quy định tại Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc hội về việc khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT để giao cho người mua trên toàn quốc, đến nay đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1.065 triệu HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.
Để tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực này, ngoài các giải pháp đã triển khai, ngành Thuế kiến nghị NHNN nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.
Đồng thời, kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan ban ngành, địa phương triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh vàng bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua và tổ chức việc giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền.
Tuy nhiên, song song với bối cảnh về diễn biến giá vàng liên tục tăng nóng, tình trạng mua bán vàng đủ hóa đơn, chứng từ, thiếu tính minh bạch, chênh lệch giá trong nước và thế giới cao... hiện vẫn đang diễn ra.
Đối với đề xuất nghiên cứu quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng của ngành Thuế, thì đây cũng là một trong những đề xuất mà NHNN chi nhánh TP. HCM đã kiến nghị trước đó. Tuy nhiên, đề xuất này gặp không ít phản đối với các ý kiến cho rằng nhu cầu giao dịch, sở hữu vàng tài sản là quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Cùng với đó, thực tế tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế còn chưa cao, chúng ta vẫn chỉ mới đang tích cực, quyết tâm thúc đẩy kinh tế và khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, nhiều đối tượng mua vàng để tích lũy, bảo toàn tài sản như người cao tuổi hoặc phục vụ cho các nhu cầu lễ, lạt cưới hỏi..., không phải ai cũng sử dụng các phương thức thanh toán phi tiền mặt.
Song đối với các giao dịch vàng miếng trị giá lớn, giới chuyên môn cho rằng cần quy định bắt buộc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt để đảm bảo mục tiêu phòng chống rửa tiền qua kênh vàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận