24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Tiến Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mua bán online mùa dịch, nhiều người nhẹ dạ dính "bẫy lừa”

Do thực hiện lệnh giãn cách xã hội, rất nhiều người dân mua sắm online qua các website bán hàng và các hội nhóm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để kẻ gian trà trộn lừa đảo bằng đủ các chiêu trò tinh vi.

Trong thời gian giãn cách xã hội, lượng khách hàng là các chị em tham gia mua sắm thực phẩm, đồ dùng gia dụng,… tăng đột biến. Do tin người và tham gia các trang web không được kiểm chứng nên trong những ngày gần đây rất nhiều người đã đăng thông tin tố bị kẻ gian lừa bằng các chiêu trò tinh vi.

Mua bán online mùa dịch, nhiều người nhẹ dạ dính "bẫy lừa”
Kẻ xấu giả làm người bán hàng, nhận cọc của khách rồi chặn tương tác

Mặc dù đã được quản trị viên cảnh báo trước đó, nhưng tài khoản Nguyễn Duy Ph. (Hà Nội) đã tố bị lừa sau khi tham gia mua đồ tại một nhóm “thanh lý đồ dùng”.

Theo thông tin tài khoản Nguyễn Duy Ph. chia sẻ, được biết anh đã thương lượng mua lại bộ sofa với giá 4 triệu đồng từ một người trong nhóm. Do tin tưởng người bán nên anh đặt cọc trước 300 nghìn đồng, hẹn ngày hôm sau khi vận chuyển sẽ thanh toán nốt. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền chuyển khoản thì người bán đã chặn tương tác khiến anh Ph. không thể liên lạc được.

“Có ai biết bạn này không? Mình thỏa thuận mua món đồ thanh lý, bạn ý bảo mình chuyển khoản đặt cọc đồ, nhưng khi mình chuyển khoản xong thì không thấy bạn ý phản hồi gì nữa. Vào facebook bạn ý thì trắng trơn thế này. Như vậy là sao hả mọi người? Có phải mình bị bạn ý lừa rồi không???” – anh Ph. đã chia sẻ trên nhóm.

Sau khi thông tin anh Ph chia sẻ đã có 70 tương tác, đa số mọi người cho rằng anh đã bị lừa, một số khác thì đưa ra lời khuyên: “Tốt nhất các bạn không nên cọc khi mua bất cứ đồ gì, nếu người bán hàng uy tín họ sẽ giữ đồ như đã hẹn” – tài khoản Hoa Mai nói.

Tài khoản Nguyen Tung thì có kinh nghiệm hơn, thẳng thắn cho rằng: “Chủ add đã cảnh báo nhiều lần rồi, sao mọi người dễ tin thế nhỉ. Mua hàng online cứ thấy hàng thì trả tiền không vội gì phải chuyển khoản trước. Nhọc lắm”…

Tưởng rằng chuyện lừa đảo chỉ một số người mua đồ, có thể ít khi giao dịch nên dễ dính “bẫy lừa”, nhưng mấy ngày gần đây rất nhiều người là người bán hàng cũng đồng loạt tố mình bị lừa.

Mua bán online mùa dịch, nhiều người nhẹ dạ dính "bẫy lừa”
Hàng loạt các mánh khóe, chiêu trò lừa đảo bị người dùng "bóc phốt" và cảnh báo

Cụ thể, tài khoản Ngoc Nguyen mới đây cũng đăng loạt thông tin trong một nhóm bán hàng gia dụng, kèm lời cảnh báo: “Mọi người cẩn thận với facebook có tên Vy Phuong này kẻo mất tiền oan nhé, là nick lừa đảo đấy. Rất may mình tỉnh nên đã kịp dừng lại”.

Theo thông tin tài khoản Ngoc Nguyen, chị chuyên bán đồ gia dụng nên hàng ngày trao đổi với rất nhiều khách hàng, người hỏi để mua cũng nhiều và kẻ xấu cũng không ít.

Ngày hôm qua chị có một khách hàng đặt mua nồi áp suất của chị, khách hàng nói đang ở nước ngoài cần mua giúp cho người nhà ở Hà Nội. Khách sẽ chuyển khoản đặt cọc trước làm tin, sau đó xin địa chỉ để người nhà qua lấy đồ. Tuy nhiên, theo lời chị Ngọc, người này hỏi mua đồ nhưng mục đích chính lại muốn hack số tài khoản ngân hàng của chị. Dù chị không yêu cầu đặt cọc nhưng khách nói đã lỡ chuyển khoản, và liên tục nhắc chị click vào link (có tên nước ngoài) khách gửi để xác nhận… Rất may, chị Ngọc tỉnh táo không làm theo yêu cầu trên.

“Vị khách này tưởng mình là gà, yêu cầu mình click vào đường link có chữ nước ngoài và nói đó là dịch vụ của ngân hàng nước ngoài. Nếu mình làm theo, tài khoản ngân hàng của mình sẽ bị hack và số tiền trong tài khoản sẽ tự bốc hơi. Mọi người lưu ý và cẩn trọng nhé”- chị Ngọc đã chia sẻ.

Sau khi thông tin trên được đăng tải, nhiều người bán hàng khác cũng cho biết đã gặp tình huống tương tự.

“Cứ gặp khách nào nói ở nước người nên tránh luôn chị ạ, toàn bọn lừa đảo. Nếu mình mà ấn vào link nó gửi là mình bị trừ hết tiền trong tài khoản luôn” – tài khoản có tên Vân ốc bình luận.

Tài khoản có tên Đặng Phúc cũng bình luận: “Mình cũng mới gặp khách như vậy. Bây giờ đăng bán gì là nó vào hỏi mua ngay ko cần xem hàng, chuyển tiền trước khi nhận hàng luôn”…

Các ngân hàng đưa ra lời cảnh báo, thời gian gần đây các đối tượng xấu còn tấn công vào hệ thống gửi tin nhắn của ngân hàng để lừa đảo. Đầu tháng 4/2021, anh Dương Văn K đến chi nhánh ngân hàng V. nộp vào tài khoản của mình 2 triệu đồng và được tin nhắn thông báo biến động số dư của ngân hàng V. thông báo tài khoản có thêm 2 triệu đồng.

Tuy nhiên, trên đường về nhà, anh nhận thêm một tin nhắn với nội dung: “V. tran trong thong bao, tai khoan cua quy khach hien tai da bi khoa. Dang nhap www.v...com de xac thuc ngay hom nay”. Đáng chú ý tin nhắn này nằm trong thông báo biến động số dư của ngân hàng V...

Ngỡ rằng mình đang có nguy cơ bị chiếm đoạt tài khoản, anh K. đã nhấp vào đường link. Tại đường link này có logo của ngân hàng V. và anh K. đã thao tác theo các bước họ yêu cầu rồi mã OTP báo về điện thoại. Mã OTP cũng nằm trong sms banking, thông báo biến động số dư của ngân hàng V. nên anh K. vững dạ chuyển đi. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, tài khoản của anh đã bị rút hàng chục triệu đồng. Anh K. rất hoang mang, đã phản hồi lại ngân hàng V. đề nghị giải thích về việc tin nhắn lừa đảo lại nằm cùng với những tin nhắn mà trước đó ngân hàng gửi cho anh.

Mua bán online mùa dịch, nhiều người nhẹ dạ dính "bẫy lừa”
Cơ quan chức năng cảnh báo, thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao của các đối tượng ngày càng tinh vi

Thực tế cho thấy, thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao của các đối tượng ngày càng tinh vi. Nhiều người cả tin đã nhanh chóng làm theo chỉ dẫn, truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn và sẵn sàng cung cấp thông tin như số điện thoại, mật khẩu. Khi nhập các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản ngân hàng của người dân. Bằng phương thức, thủ đoạn này, nhiều người đã bị chiếm đoạt số tiền rất lớn trong tài khoản.

Đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết các tin nhắn mạo danh này không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo. Đây là các thiết bị có nguồn gốc từ nước ngoài, được các đối tượng mua bán, sử dụng trái phép nhằm mục đích thực hiện các cuộc tấn công phát tán tin nhắn rác lừa đảo người dùng, đặc biệt là người dùng tại các khu vực đô thị.

Vì thế, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi tiến hành giao dịch online cần nâng cao cảnh giác. Khi phát hiện thấy tài khoản có sự bất thường hoặc chuyển nhầm, nhận nhầm thì liên hệ trực tiếp với ngân hàng để giải quyết, không nên mang lên mạng để hỏi han, đồng thời không gửi mật khẩu OTP cho bất kỳ cá nhân nào yêu cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả