Mua bán hàng qua Ebay, Amazon có cần cơ chế quản lý riêng?
Người tiêu dùng trong nước, nhất là ở các thành phố lớn, hiện không còn xa lạ với việc đặt mua hàng từ các sàn giao dịch thương mại điện trên thế giới như Ebay, Amazon… Nhưng do Việt Nam hiện chưa có chính sách quản lý riêng về thuế, thông quan đối với loại hàng này nên cơ quan quản lý vẫn áp cách thức quản lý xuất nhập khẩu như hàng hóa kiểu truyền thống.
Người tiêu dùng Việt không còn xa lạ với thói quen đặt mua hàng qua mạng Internet, đi kèm là ở trong nước, khá nhiều sàn TMĐT mọc lên và “ăn nên làm ra” như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi... Còn thói quen mua hàng từ các sàn giao dịch TMĐT trên thế giới như Ebay, Amazon… cũng không còn hiếm trong một bộ phần người tiêu dùng.Theo công bố của Hãng nghiên cứu thị trường Statista của Đức, năm ngoái doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam gần 2,3 tỉ đô la Mỹ và nằm trong nhóm 6 quốc gia có nền TMĐT phát triển nhất năm 2018. Còn đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam trong Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI) năm 2018 thì tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam từ 25% đến 30%. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan.
Mua hàng 5 triệu đồng qua Amazon được kiểm tra như 1 container
Do Việt Nam chưa có chính sách quản lý riêng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được giao dịch qua TMĐT mà quản lý theo kiểu xuất nhập khẩu hàng hóa truyền thống. Việc quản lý chuyên ngành còn nhiều thủ tục phức tạp, trong một số trường hợp còn không thể thực hiện được nếu hàng hóa được nhập khẩu, xuất khẩu là hàng hóa của cá nhân với số lượng nhỏ.
Do không có thủ tục riêng đối với hàng hóa được giao dịch qua TMĐT nên người mua, người bán khi thực hiện thủ tục đối với cơ quan quản lý nhà nước thì thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau dưới dạng hàng quà biếu, quà tặng, hàng hóa không có chứng từ thương mại... Vì vậy, cơ quan quản lý gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, thống kê số liệu, thu thập thông tin phục vụ việc quản lý rủi ro hay giám sát việc lợi dụng chính sách để gian lận thương mại.
Điển hình nhất là quy định kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu với phương thức kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên; phương thức kiểm tra thông thường là phương pháp chỉ kiểm tra hồ sơ của lô hàng nhập khẩu; phương thức kiểm tra chặt là phương pháp kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm. Cả 3 cách này không thể thực hiện với người mua với số lượng nhỏ qua sàn không nhằm mục đích kinh doanh.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 lĩnh vực mà Nhà nước quy định bắt buộc phải có kiểm tra chuyên ngành gồm an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, văn hóa phẩm, bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật thì không có lĩnh vực nào có quy định riêng cho giao dịch TMĐT xuyên biên giới.
Người đâu kiểm tra cho xuể?
Theo phân tích của Bộ Tài chính, cái khó của cơ quan hải quan là số lượng các lô hàng nhỏ, giá trị thấp, lượng mua qua mạng xuyên biên giới tăng nhanh, do vậy cần nguồn lực phù hợp để đảm bảo thời gian xử lý nhưng vẫn phải đảm bảo tốc độ thông quan nhanh của hàng hóa.
Số lượng người tham gia giao dịch rất lớn, đa số là cá nhân nên thông tin, khai báo thiếu hoặc không chính xác, không có hồ sơ tuân thủ của người mua do người mua là các đối tượng không thường xuyên dẫn đến khó ngăn chặn các lô hàng cấm, hàng hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu, hàng buôn lậu do số lượng hàng hoá gửi nhỏ lẻ; kiểm soát, chống gian lận về phân loại và xuất xứ hàng hóa để được hưởng các mức thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Đặc biệt, sự tham gia trong chuỗi cung ứng của các sàn giao dịch là cái mà trong luật pháp của Việt Nam chưa ghi nhận.
Trong khi đó, Bộ Công Thương, cơ quan quản lý hoạt động TMĐT cũng gặp không ít khó khăn. Đó là số lượng các sàn giao dịch TMĐT, các website TMĐT bán hàng tăng nhanh, việc kiểm soát thông tin về hàng hóa trên các sàn giao dịch và thực tế là rất khó. Vì vậy, có thể có hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái nhưng cơ quan nhà nước không thể kiểm soát được.
Quản lý bằng… phần mềm đầu mối
Trong đề xuất của mình, Bộ Tài chính chia làm 2 loại hàng hóa. Đối với TMĐT mà người mua thực hiện đặt hàng sau đó hàng hóa mới được vận chuyển về Việt Nam hoặc ra khỏi Việt Nam thì khi phát sinh giao dịch TMĐT, các đơn vị liên quan gửi dữ liệu liên quan của giao dịch đến Hệ thống quản lý hoạt động TMĐT gồm sàn giao dịch TMĐT, website bán hàng; đơn vị vận chuyển của sàn giao dịch, website bán hàng.
Hệ thống quản lý hoạt động TMĐT thực hiện xử lý dữ liệu, phản hồi dữ liệu đến người gửi dữ liệu, đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan (các bộ quản lý chuyên ngành, các đơn vị hải quan cửa khẩu, ...). Khi nhận được phản hồi của Hệ thống, đơn vị làm thủ tục hải quan, các cơ quan chức năng chủ động thực hiện các thủ tục liên quan đến việc nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa.
Các cơ quan chức năng gửi thông tin về giấy phép, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa đến Hệ thống quản lý hoạt động TMĐT hoặc Hệ thống một cửa quốc gia để thực hiện thông quan hàng hóa. Thủ tục thông quan được thực hiện nhanh do đã có dữ liệu được xử lý trước, việc kết nối giữa hệ thống quản lý hoạt động TMĐT với các Hệ thống xử lý dữ liệu Hải quan nên việc khai báo và xử lý dữ liệu được nhanh chóng thuận lợi.
Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh TMĐT thực hiện vận chuyển hàng về Việt Nam hoặc ra khỏi Việt Nam trước khi người mua hàng thực hiện đặt hàng trên các trang TMĐT thì khi hàng hóa về Việt Nam được lưu giữ tại kho ngoại quan đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan. Hàng hóa chưa hoàn thành thủ tục hải quan (chưa thực hiện nghĩa vụ về thuế, cấp phép, kiểm tra chuyên ngành). Khi phát sinh các đơn hàng, chủ hàng hóa gửi kho ngoại quan thực hiện thủ tục nhập khẩu (đối với người mua tại Việt Nam) và thực hiện thủ tục xuất khẩu (đối với người mua ở nước ngoài) để giao hàng cho khách mua.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp có nhu cầu đưa hàng hóa về Việt Nam trước khi có giao dịch TMĐT và số hàng này có thể thực hiện giao cho người mua tại Việt Nam hoặc nước ngoài. Theo quy định thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục nhập khẩu và xuất khẩu như hàng hóa thông thường, khi đó doanh nghiệp phải thực hiện nộp thuế, xin giấy phép, giấy kiểm tra chuyên ngành như đối với hàng hóa thông thường làm tăng chi phí, thời gian thủ tục hành chính của các doanh nghiệp. Đồng thời trong thực tế một số hàng hóa đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu nhưng doanh nghiệp có đơn đặt hàng của người mua tại nước ngoài nên phải thực hiện các thủ tục xuất khẩu hàng hóa, hoàn thuế...
Đây là trở ngại lớn khiến các doanh nghiệp khó tham gia mô hình này mặc dù Việt Nam có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương hàng hóa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận