Mua bán điện trực tiếp: Nhiều 'ông lớn' vẫn ngóng chờ
Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) không những tạo động lực để thu hút nguồn vốn tư nhân trong đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, mà còn thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh. Do đó, việc đưa ra cơ chế DPPA phải gắn với việc sớm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành, đáp ứng yêu cầu phân cấp quản lý rõ ràng, minh bạch...
Khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, đang có khoảng 20 doanh nghiệp lớn mong muốn mua điện trực tiếp với tổng nhu cầu là gần 1.000 MW, trong đó nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tham gia cơ chế DPPA như Samsung, Nike...
Thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
Trong khi đó, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện qua cơ chế DPPA, 17 dự án có công suất 2.836 MW cân nhắc tham gia.
Dù giá cao nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, việc mua điện sạch trực tiếp giúp các doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, cũng như các mục tiêu phát triển xanh phù hợp xu hướng của thế giới.
Theo Bộ Công thương, nhiều DN lớn mong muốn mua điện trực tiếp với tổng nhu cầu là gần 1.000 MW.
Đây cũng là cơ chế để thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giúp nhà sản xuất tiết giảm chi phí khi mua điện trực tiếp trên thị trường điện.
Theo ông Stuart Livesey - đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam, việc ban hành Nghị định 80/2024/NĐ-CP là bước đi rất quan trọng, nhưng chỉ là khởi đầu. Còn nhiều vấn đề cần thảo luận, chẳng hạn như việc tính giá và phí nếu các bên sử dụng đường dây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
“Chúng tôi có thể hỗ trợ EVN xây dựng các đường truyền tải điện tái tạo để đảm bảo chi phí chuyển tải điện đến tay người dùng cuối cùng không quá cao”, ông Stuart Livesey bày tỏ.
Chia sẻ với VnBusiness về câu chuyện này, ông Đào Du Dương, Giám đốc Trung tâm Đầu tư và Phát triển Năng lượng Việt Nam cho rằng, những DN sản xuất điện tự sản, tự tiêu chỉ mong sớm có cơ chế chính sách minh bạch, rõ ràng và khách quan.
“Chúng tôi rất mong Chính phủ, các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ hơn về câu chuyện điện năng lượng tự sản tự tiêu. Cần làm rõ tác dụng và tầm quan trọng như thế nào, khả năng đáp ứng tới đâu và khi phát vào lưới điện có thể phát tối đa bao nhiêu; khả năng chuyền tải của lưới cũng như khả năng điều tiết của ngành điện lực đến đâu?
Hiện tại, nguồn điện năng lượng tái tạo ở Việt Nam tuy chiếm tỷ trọng chưa nhiều trong sơ đồ điện quốc gia, nhưng liệu chúng ta có thể điều tiết được hay không? Chúng tôi muốn biết, chi phí cân bằng lưới là bao nhiêu, để những DN phát triển điện năng lượng tái tạo nắm được, liệu rằng có thể trả những chi phí đó hay không? Từ đó, cùng đưa ra con số tương đối và phù hợp với tầm vóc và vị trí của điện năng lượng tái tạo” – ông Dương bày tỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng cho cho rằng, việc đẩy nhanh cơ chế DPPA giúp doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu có thể tiếp cận, sử dụng điện tái tạo sớm đạt chứng chỉ xanh gắn cho hàng hóa sớm hơn là điều tốt.
"Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã chuyển hướng từ nhanh sang bền vững. Doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đã triển khai, đưa vào sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái. Việc sử dụng năng lượng tái tạo trong các sản phẩm của mình sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu", ông Hòa nói.
Cần quy định cụ thể hơn
Vẫn biết, nhiều doanh nghiệp mong muốn triển khai thực hiện Nghị định 80/2024/NĐ-CP càng nhanh càng tốt để khách hàng và đơn vị phát điện sớm gặp nhau. Tuy nhiên, để có thể hiện thực chính sách, vẫn còn nhiều vấn đề về vận hành cần được hướng dẫn cụ thể.
Ông Trần Minh Tiến - Tổng giám đốc Tập đoàn Eastern Power, nhìn nhận, theo quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp có hai sự lựa chọn bán điện. Một là mua bán điện trực tiếp (qua đường dây kết nối riêng) của doanh nghiệp, hai là mua bán điện trực tiếp (qua lưới điện quốc gia).
Ông Tiến cho rằng, doanh nghiệp sẽ ưu tiên phương án hai. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được giải pháp này, cần phải có những quy định cụ thể hơn về giá cả dịch vụ của hạ tầng điện.
“Bởi vì nhà máy điện nằm ở một địa phương nhưng lại bán điện cho khách hàng ở địa phương khác. Không thể đi đường dây riêng được mà phải hoà vào lưới điện quốc gia. Thủ tục để mua bán với khách hàng nhưng thông qua hạ tầng của Nhà nước và Nhà nước cũng phải thu dịch vụ để phục vụ cho hai doanh nghiệp cũng là chuyện rất tỉ mỉ”, Tổng giám đốc Tập đoàn Eastern Power chia sẻ.
Góp ý thêm về câu chuyện này, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà sẽ tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định bán điện thông qua đường dây riêng hay thông qua lưới điện quốc gia.
“Nếu thỏa thuận được giá bán ở mức cao, ít nhất có thể bù đắp chi phí đầu tư đường dây nhánh để truyền tải điện, nhà đầu tư mới chọn phương án này. Còn nếu không thỏa thuận được giá tốt thì bán điện thông qua lưới điện quốc gia sẽ có lợi hơn. Điều này cũng có nghĩa là giá mua điện thông qua đường dây riêng có thể cao hơn mua qua EVN, người mua thấy không có lợi thì sẽ không tham gia”, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phân tích.
Bộ trưởng Bộ Công Thương - Ông Nguyễn Hồng Diên cũng nhìn nhận, đây là cơ chế đầu tiên cho phép các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo được lựa chọn bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện bên cạnh bán điện cho các tổng công ty điện lực.
Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn được thực hiện thông qua hai phương thức: Mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng, không kết nối và có kết nối với lưới điện quốc gia. Song, để đưa Nghị định sớm đi vào cuộc sống, việc triển khai cơ chế mua bán này còn đó những khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN và các đơn vị trực thuộc khẩn trương tính toán các chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện trong cơ chế DPPA. Đồng thời, xây dựng quy trình kinh doanh, quản lý và thanh toán hóa đơn cho khách hàng khi tham gia cơ chế này.
"Đây là cơ chế còn mới, chúng tôi đã dự báo trước tình hình và đề ra các giải pháp, đồng thời chúng tôi đã thành lập một tổ công tác để theo dõi kịp thời và phản ứng nhanh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định." - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận