Mua 2.000m2 đất ở Đà Lạt, chàng trai dựng ngôi nhà "đi đâu cũng chạm hoa"
Quanh nhà, dọc lối đi và khắp khu vườn rộng, anh Khoa bố trí trồng hơn 400 giống hồng ngoại cùng nhiều loài hoa theo mùa khác để đứng ở bất kỳ góc nào cũng nhìn thấy hoa.
Tháng 6/2021, sau khi nghỉ việc ở một tập đoàn sản xuất ô tô, anh Trần Đăng Khoa (36 tuổi) quyết định "bỏ phố về rừng", một mình từ TPHCM thẳng tiến lên Đà Lạt, Lâm Đồng để hiện thực hóa giấc mơ về ngôi nhà tràn ngập hoa hồng.
Tại Đà Lạt, anh Khoa sở hữu một mảnh đất rộng 2.000m2 ở Cầu Đất, xã Xuân Trường. Mảnh đất này được anh mua từ trước, nằm gần khu vực săn mây nổi tiếng của thành phố ngàn hoa.
Ngôi nhà với những bức tường kính giúp anh Khoa có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh khu vườn và núi đồi bên ngoài (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Trên khu đất rộng, anh dành 70m2 xây nhà ở, thiết kế hai mặt kính trong suốt. Từ trong nhà, anh có thể mở rộng tầm mắt ngắm nhìn khung cảnh núi đồi lúc ban ngày hay chiêm ngưỡng bầu trời đầy sao khi về đêm.
Phần diện tích còn lại là vườn hồng quả có tuổi đời khoảng chục năm, gồm 30 gốc, ra quả vào mùa thu. Ở khu vực này, gia chủ trồng thêm một số loại rau và hoa, cây trái theo mùa như mai anh đào, cẩm tú cầu, lavender, hương thảo, cam canh, trà xanh cổ,…
Ở vườn hồng quả, gia chủ trồng nhiều loại hoa như hoa hồng, cẩm tú cầu,... tạo không gian xanh mát tràn ngập màu sắc (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Với không gian dành trồng hoa hồng, anh Khoa bố trí thành hai khu vực riêng biệt. Khu vực trồng quanh nhà, ưu tiên hồng Eden và một số giống từng trồng nhiều năm trước ở TPHCM.
Khu vực còn lại trồng dưới vườn, cạnh những gốc cây hồng quả. Anh tận dụng khoảng đất này để trồng các giống hoa hồng hiếm có hay mới được lai tạo ở nước ngoài.
Bụi hồng Eden 85 từng được anh Khoa trồng 7 năm ở Đồng Nai nhưng gần như không có hoa do thời tiết nắng nóng. Khi đem về Đà Lạt, cây nở rộ hoa, lúc nhiều nhất hơn 400 bông. Hiện bụi hồng này cũng được anh chăm sóc để nở hoa suốt 4 mùa thay vì chỉ 1-2 mùa như thường thấy (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Tùy từng không gian mà anh bố trí các loại hoa hồng khác nhau, đảm bảo tính thẩm mỹ mà vẫn thuận tiện chăm sóc. Ví dụ, giàn hồng Eden được trồng trước cửa sổ phòng bếp, làm điểm nhấn nổi bật cho ngôi nhà để khi anh mở cửa ra sẽ thấy hoa.
Hay bụi hồng Juliet kích thước "khủng" được đặt ở cửa ra vào để gia chủ thoải mái ngắm nhìn mỗi khi di chuyển qua lại. Bên hiên nhà là giàn Guardian Angel trắng tinh khôi, tràn ngập hương thơm.
Ở lối đi từ nhà xuống vườn là giàn hồng Abraham Darby, giúp không gian thêm ấn tượng, bắt mắt hơn.
Một số giống hoa hồng nhập ngoại độc lạ, hiếm có mà anh Khoa trồng thành công, lần lượt từ trái qua phải, từ trên xuống dưới như: Dolce Summer House, Emma woodhouse và Star Trek; Kengsington Garden, Yukihime và Sweet Diamond (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Anh Khoa tiết lộ, hiện trong vườn có hơn 400 giống hồng ngoại, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Mỹ và Thái Lan. Trong đó có nhiều giống hồng thuộc các bộ sưu tập khác nhau của những nhà lai tạo hoa hồng nổi tiếng như David Austin, Rosa Orentics, Wans, VIP hay Wabara.
Giàn hồng eden85 hơn 7 năm tuổi được anh Khoa chăm sóc kỳ công để ra hoa suốt 4 mùa trong năm. Mỗi lần hoa nở hơn 400 bông.
Ngôi nhà "đi đâu cũng chạm hoa" của anh Khoa thu hút nhiều người đến tham quan, chụp hình (Nguồn: Đăng Khoa).
Chủ nhân khu vườn cho biết, hoa hồng là giống cây khó trồng, cần nhiều dinh dưỡng để ra hoa và phục hồi sau mỗi đợt hoa nhưng cũng dễ bị sâu, trĩ, nhện đỏ, rệp, nấm lá, thối đen thân,… hơn những loại cây cảnh khác.
Mỗi sáng, anh phải dùng vòi áp suất xịt toàn bộ cây từ lá cho đến gốc để rửa lá và thổi bay côn trùng nấp dưới tán cây. Ngoài ra, anh kết hợp các loại thuốc dưỡng lá, thuốc côn trùng và thuốc nấm để phun xịt trị và phòng bệnh cho cây hàng tuần.
Từng gốc hồng đều được gia chủ chăm sóc tỉ mỉ, kỳ công để cây sống khỏe, nở hoa đẹp và bền (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Theo kinh nghiệm của anh, một yếu tố quan trọng khác để trồng hoa hồng hiệu quả là phải chuẩn bị giá thể thật tốt và sạch bệnh.
Nếu trồng chậu phải chọn loại chậu nhiều lỗ, thoát nước thật tốt, ưu tiên các loại chậu nhẹ dễ di chuyển. Nếu trồng đất thì phải xử lý đất xung quanh, tránh mầm bệnh, sâu đất, ấu trùng ve sầu,… Đến mùa mưa thì cần bổ sung nấm đối kháng và trị tuyến trùng để tránh tình trạng cây bị thối thân…
"Quan điểm của tôi khi chăm bón là đúng lúc, đúng thời điểm và đúng liều lượng. Ví dụ, cây nhỏ mà dùng lượng phân lớn sẽ gây sốc và chết cây. Cây đang ra hoa mà bón đạm nhiều sẽ gây thối hoa, cây vừa cắt tỉa mà bón phân hóa học sẽ gây chết rễ…", chủ nhân khu vườn chia sẻ một số điều cơ bản trong quá trình trồng và chăm sóc hoa hồng.
Giàn Abraham Darby được anh Khoa trồng nhiều năm trước để dựng ngôi nhà hoa hồng trong mơ. Khi mang lên Đà Lạt, anh uốn cây thành hình vòm, tạo dáng như chiếc cổng ở lối đi từ nhà xuống vườn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Mỗi tuần, anh Khoa tưới thêm đạm cá để cây duy trì dinh dưỡng. Đến giai đoạn cây cần cắt tỉa, ra đọt hay ra hoa thì anh dùng các loại phân bón riêng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây.
Theo chủ nhân khu vườn, đặc trưng thời tiết ở Đà Lạt cũng là rào cản trong quá trình chinh phục "nữ hoàng các loài hoa". Anh cho hay, Đà Lạt mưa nhiều, dễ xuất hiện mưa đá từ khoảng tháng 6 đến tháng 11. Còn giai đoạn tháng 5 đến tháng 8 thường xuất hiện dịch bọ hung.
"Khu vực tôi sinh sống có gió thổi rất mạnh. Nhiều đêm mưa to, tôi phải thức trắng đêm để di chuyển hàng trăm chậu hoa vào nơi an toàn. Chưa kể năm đầu tiên mới về, cả trăm cây đang ra nụ thì bị bọ hung tàn phá hết", anh kể lại.
Hoa hồng được trồng ở khắp nơi, từ cửa sổ bếp ra góc sân, khoảng vườn. Gia chủ đi mỗi bước lại nhìn thấy hoa (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Để có được không gian tràn ngập hoa hồng như hiện tại, anh Khoa thừa nhận phải trải qua khoảng thời gian vất vả từ lúc mua đất, dựng nhà cho đến quá trình chọn giống hoa, vận chuyển và chăm sóc.
Bên cạnh đó, trong quá trình sưu tầm các giống hồng ngoại, không ít lần cây bị hư hại khi vận chuyển từ nước ngoài về nên anh mất rất nhiều công sức chăm sóc cho cây hồi phục.
Anh cũng cẩn thận ghi lại thời điểm hạ thổ, kích rễ, tỉa cành, bón phân để có thể theo dõi tình trạng sức khỏe từng cây.
Ngôi nhà hoa hồng trở thành chốn "chữa lành" của anh Khoa sau khi bỏ phố về vườn. Thỉnh thoảng, anh cũng tiếp đón bạn bè, khách quý hay những người có chung đam mê trồng hoa hồng tới nhà chơi, tham quan (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Đến nay, sau 3 năm vun vén, anh Khoa đã thực hiện được giấc mơ xây dựng một ngôi nhà tràn ngập hoa hồng cho riêng mình.
"Không gian này đối với tôi có rất nhiều ý nghĩa vì nó chứa đựng niềm đam mê, nhiệt huyết và một phần tuổi trẻ của bản thân. Hiện tôi cũng đón tiếp khách quý tới chơi và sẵn sàng chia sẻ phòng với những bạn trẻ muốn trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của một người bỏ phố về vườn và tận hưởng cảm giác sống trong khu vườn đầy hoa hồng và cây ăn quả", anh bày tỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận