menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Ngọc Mai

Mù chữ tài chính gặp giáo dục 'mua sỉ rẻ hơn lẻ'

Huy động vốn phụ huynh rồi miễn học phí, nhà trường lấy lãi ở đâu?

Khi theo dõi những tin tức dồn dập liên quan tới các công ty chuyên về giáo dục lâm vào cảnh khó khăn tài chính, tôi cảm thấy thực sự khó hiểu với những vấn đề tài chính mà các phụ huynh lâm vào.

Ở Mỹ có một khái niệm là "biết chữ tài chính" (financial literacy). Những người không có hiểu biết về tài chính thì bị gọi là "mù chữ tài chính", và báo chí truyền thông Mỹ dành rất nhiều thời gian để nói về vấn đề này, nhằm xóa nạn "mù chữ" này.

Suy cho cùng, có lẽ quá nhiều người bị mù chữ tài chính, nên ở Việt Nam mới có chuyện phụ huynh bị các công ty kinh doanh giáo dục lừa đảo, hay lâm vào cảnh trường đóng con phải nghỉ học bất đắc dĩ.

Hiểu biết về tài chính không phải chỉ là cần hiểu biết về tài chính cá nhân, mà còn phải hiểu biết về cách thức hoạt động về mặt tài chính của các tổ chức mà mình đưa tiền cho họ. Việc cho trường mượn tiền để đổi lại việc học miễn phí cho con là một bài toán tài chính mà đáp án là vô lý.

Khi bạn đưa tiền cho một người khác thì bạn phải nhận lại một cái gì đó. Trong một môi trường bình thường thì đưa tiền cho trường là học phí, bạn sẽ nhận được dịch vụ giáo dục. Đưa tiền cho trường để rồi nhận được cả dịch vụ lẫn món tiền trở lại là hết sức vô lý.

Để cho món tiền đó sinh ra lợi tức để trả lại cho phụ huynh bằng dịch vụ giáo dục thì chủ trường chỉ có một cách, đó là dùng tiền đi đầu tư ở chỗ khác. Nhưng đem tiền đó đi đầu tư chỗ khác thì tiền đâu để chi trả cho hoạt động hàng ngày của trường?

Vì vậy về mặt tài chính thì nhà trường thật ra là "đem tiền người sau trả cho người trước". Đây là định nghĩa của lối lừa đảo kinh điển có tên "Ponzi scheme", do một người tên là Ponzi đã làm từ hồi những năm 1900. Thẩm phán thụ lý vụ kiện này miêu tả các "quỹ đầu tư" của Ponzi là "đã phá sản ngay từ ngày được lập ra".

Có một số người cho rằng, chủ trường có thể dùng tiền mà phụ huynh cho mượn để ở ngân hàng rồi lấy lãi mà hoạt động. Để điều này có thực thì toàn bộ số tiền mà phụ huynh cho mượn phải được để trong ngân hàng, và lãi suất được lĩnh ra là toàn bộ nguồn tài chính mà nhà trường có được để hoạt động.

Các bậc phụ huynh ấy đã quyết định chấp nhận gói đầu tư này vì lãi còn hơn cả để vào ngân hàng, đại khái là lãi lên tới 12%, trong khi ngân hàng trả lãi có 8%. Nếu đúng là như vậy thì nhà trường lấy đâu ra tiền để bù vào cái 4% đấy?

Các cơ sở giáo dục nhận tiền vay kiểu này chỉ còn một cách nữa là đem tiền đi đầu tư ở những nơi khác có khả năng thu lãi về hơn 12%. Điều đó cũng có nghĩa là họ phải đầu tư ngoài giáo dục.

Vì vậy khi nhà trường cam kết là không đầu tư ngoài giáo dục và khoản vay được trả bằng dịch vụ giáo dục với lãi suất thực tế là 12%, cao hơn lãi suất ngân hàng, thì toàn bộ cấu trúc tài chính của trường cũng giống như cái Ponzi scheme mà thôi.

Đó là chưa kể tới việc "đóng học phí cả năm" thì rẻ hơn, hay là "đóng học phí cho tới khi con ban đậu IELTS 7.0", kèm lời giải thích "mua sỉ rẻ hơn mua lẻ". Khi bạn mua hàng thì mua sỉ quả là rẻ hơn, nhưng nó cũng có nghĩa là bạn trả tiền xong thì bạn sẽ đem toàn bộ số hàng đó về.

Giáo dục không như vậy, đóng học phí một năm thì một năm sau bạn mới học xong, tức là món hàng bạn nhận được thì tới cả năm sau mới tất toán được. Trong khoản thời gian đó, chuyện gì sẽ xảy ra?

Các cơ sở giáo dục cần phải kêu gọi những khoản học phí kiểu đó thật ra là vì họ không có vốn để hoạt động với những khoản học phí ngắn hạn, và họ không có nền tảng tài chính để đảm bảo là cả năm sau họ vẫn còn tồn tại.

Đây là một số điểm cơ bản trong việc "biết chữ tài chính". Đại khái là nếu bạn cho ai đó vay với một khoản lãi lớn hơn lãi ngân hàng, thì khả năng bạn mất trắng là rất cao. Mặt khác, khi bạn bỏ tiền ra mua cái gì đó, thì cái mà bạn nhận đựơc cần phải đựơc xét theo giá trị của thời gian. Hàng hôm nay thì tốt hơn hàng ngày mai, mà hàng cả năm sau mới nhận được thì giá trị ít hơn hàng hôm nay rất nhiều. Khả năng bạn không nhận được hàng trong tương lai khá cao, và cái tương lai càng xa thì khả năng đó càng cao hơn nữa.

Giáo dục là một mặt hàng mà cần phải có thời gian mới "giao hàng" được. Bạn không nên mua một thứ mà thời gian giao hàng quá xa so với lúc trả tiền. Các khóa học "đóng nguyên năm sẽ rẻ hơn" thật ra không rẻ chút nào.

Việc chi xài là một phần lớn của việc quản lý tài chính cá nhân. Điều đó có nghĩ là khi rút tiền ra khỏi túi thì mỗi người phải biết là mình sẽ nhận lại được những gì. Hiểu biết cơ chế hoạt động tài chính của các cơ sở giáo dục cũng là một phần trong việc "biết chữ tài chính" vậy.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
5 Yêu thích
3 Bình luận 2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại