MSB “nhúng tay”, nhà băng nào cho PG Bank vay nợ nửa nghìn tỷ không cần đảm bảo?
PG Bank vừa phát hành thành công lô trái phiếu 500 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo, trong đó, MSB chính là đơn vị đăng ký, lưu ký.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 15/9 đã công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank).
Theo đó, ngày 10/9 vừa qua, PG Bank đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm. Mục đích phát hành là tăng quy mô vốn hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài hạn.
Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và không phải nợ thứ cấp của tổ chức phát hành. Lãi suất phát hành thực tế là 4,3%/năm.
Đáng chú ý, trái chủ của lô trái phiếu này là một ngân hàng trong nước, không được tiết lộ cụ thể và Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect là tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) là tổ chức đăng ký, lưu ký, nhà băng này cũng là đơn vị thu xếp cho nhiều doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái TNG Holdings huy động vốn qua kênh trái phiếu.
Một nhà đầu tư là tổ chức tín dụng đã mua trọn lô trái phiếu 500 tỷ đồng của PG Bank
Theo tìm hiểu của phóng viên, tin đồn về mối liên hệ giữa MSB và PG Bank đã xuất hiện từ lâu. Trong khi đó, lãnh đạo các bên cũng đều đã lên tiếng phủ nhận các câu chuyện sáp nhập, thâu tóm.
Đáng nói, sau khi thương vụ về chung một nhà giữa HDBank và PG Bank đổ bể lại trùng với thời điểm trong bộ máy điều hành của PG Bank lần lượt có nhiều người của MSB đến tham gia và nắm những chức vụ quan trọng khiến nhiều người đặt dấu hỏi.
Hồi trung tuần tháng 5/2020, một "tướng" của MSB là ông Hoàng Xuân Hiệp sang đầu quân cho PG Bank và hiện là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ. Tiếp đến, vào đầu tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng - nguyên Phó Tổng Giám đốc MSB cũng được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc và hiện nay là Tổng Giám đốc PG Bank.
Về vấn đề này, tại Đại hội đồng cổ đông của MSB diễn ra ngày 24/3/2021, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc MSB cho biết, các nhân sự này chuyển sang PG Bank thì đã chấm dứt hợp đồng lao động tại MSB do không còn phù hợp với kế hoạch kinh doanh ngân hàng, đặc biệt với kế hoạch thoái vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM).
“Quả thật có một số lãnh đạo cũ của MSB đang làm sếp tại PG Bank nhưng việc PG Bank và MSB về một nhà là điều chắc chắn không thể xảy ra”, ông Linh thừa nhận.
MSB và PG Bank có mối liên hệ gì với nhau?
Ông Linh khẳng định như vậy thì rõ ràng là không có chuyện PG Bank sẽ sáp nhập vào MSB. Tuy nhiên, giới đầu tư cũng có cơ sở đặt dấu hỏi về việc tại sao hàng loạt người cũ của MSB lại rời ngân hàng để sang nắm giữ các chức vụ quan trọng tại PG Bank?
Bởi, tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 diễn ra hồi tháng 3/2021 vừa qua, cổ đông PG Bank cũng đã thông qua bầu bổ sung một thành viên Hội đồng quản trị và một thành viên Ban kiểm soát, cả hai nhân sự mới của PG Bank đều là lãnh đạo cũ của MSB.
Cụ thể, ông Nilesh RatilalBanglorewala được bầu vào Hội đồng quản trị PG Bank nhiệm kỳ 2020-2025. Theo lý lịch trích ngang, ông Nilesh có 33 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, từng làm việc hơn 10 năm tại MSB. Vị trí gần nhất là Giám đốc khối quản lý tài chính kiêm kế toán trưởng MSB (giai đoạn 2015-2020).
Bên cạnh đó, bà Dương Ánh Tuyết cũng được bầu vào Ban Kiểm soát PG Bank. Bà Tuyết công tác tại MSB từ năm 2011, vị trí gần nhất bà này nắm giữ là thành viên Ủy ban nhân sự MSB, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM, công ty thành viên của MSB).
Một cơ sở khác để giới tài chính đặt dấu hỏi về mối liên hệ giữa MSB và PG Bank là vợ chồng ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch MSB (vợ là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam).
Theo tìm hiểu của phóng viên, TNG Holdings Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với PGBank, được giới thiệu là đơn vị liên kết, tương tự MSB. Trên website của TNG Holdings Việt Nam giới thiệu công ty và PG Bank là hệ sinh thái liên kết.
Mặt khác, theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó, MSB đã từng là cổ đông lớn tại PG Bank. Sau đó, MSB đã từng bước rút vốn và đến nay đã không còn sở hữu cổ phần nào tại PG Bank.
Vì sao lại như vậy, vì theo Khoản 3, Điều 2, Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định: a) Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá hai tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng thương mại đó; b) Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó.
Trong khi đó, MSB lại nắm giữ 3,33% vốn Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVComBank) và 1,31% vốn Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank). Vì vậy, việc MSB rút vốn tại PG Bank là bắt buộc, không thì sẽ phải rút vốn một trong hai ngân hàng trên.
Trở lại với PG Bank, năm 2021, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 310 tỷ đồng, tăng khoảng 46% so với năm 2020; tổng tài sản đến 31/12/2021 đạt 37.349 tỷ đồng tăng 3,3%; tổng huy động đạt 32.518 tỷ đồng, tăng 3%; dư nợ cho vay khách hàng đạt 27.640 tỷ đồng, tăng trưởng 7,7%.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, PG Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 175 tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 56,4% kế hoạch cả năm. Quy mô tổng tài sản của ngân hàng đạt 37.226 tỷ đồng, tăng 2,97% so với thời điểm cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 2,44% lên mức 2,67%.
Về cơ cấu cổ đông, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hiện vẫn là cổ đông lớn nhất, chiếm 40% vốn PG Bank. Tại Đại hồi đồng cổ đông thường niên năm 2021, Petrolimex đã thông qua kế hoạch hoàn thành thoái vốn khỏi nhà băng này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận