MPC: Khó khăn vẫn hiện hữu
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc được hưởng các ưu đãi thuế là một con dao hai lưỡi. Mặt tốt là doanh nghiệp sẽ tăng sức cạnh tranh khi thuế suất về 0% nhưng bất lợi là công ty phải chứng minh được nguồn gốc sản phẩm đến từ nội địa.
Và Minh Phú là một doanh nghiệp như vậy khi được hưởng đãi ngộ về thuế suất nhưng gần đây lại bị Mỹ kế luận có những sai phạm liên quan đến xuất khẩu tôm nguồn gốc Ấn Độ. Ngay khi thông tin này được public rộng rãi trên các mặt báo, MPC đã ghi nhận những phiên giảm điểm mạnh mẽ từ đỉnh quanh giá 31 xuống đến vùng 26-27.000/cổ phiếu.
Từ trường hợp của Minh Phú, trong bài viết này chúng tôi sẽ khái quát một vài lưu ý với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm và được hưởng lợi từ ưu đãi thuế.
Vụ kiện của MPC và phía Mỹ
Những ngày cuối tháng 10, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đã kết luận cho thấy MSeafood – chi nhánh của MPC vi phạm luật thương mại của Mỹ khi sử dụng tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ trong giai đoạn 8/10/2018/ - 18/10/2019. Kết luận này được dựa trên những phản hồi không nhất quán của MPC trong những giai đoạn khác nhau và việc Công ty không hợp tác hoàn toàn trong quá trình điều tra. Như vậy, công ty sẽ phải chịu mức thuế tương tự Ấn Độ khi xuất khẩu tôm sang Mỹ.
Có thể thấy, Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của MPC khi tỷ trọng thường quanh mức 50%. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm nay, con số này đã hạ xuống một mức đáng kể, chỉ còn khoảng 40%. Đây là hệ lụy của việc các công ty tại Mỹ giảm hoặc ngưng mua hàng của công ty để tránh liên quan đến vụ kiện này. Bên cạnh đó, việc mức thuế chống bán phá giá về 0% cho 31 công ty tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã khiến cho MPC bị giảm sức cạnh tranh một cách đáng kể. Nhìn vào doanh thu của công ty trong Q2, cũng như việc khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm khoảng 17% so với cùng kỳ đã cho chúng ta thấy bức tranh không còn sáng sủa đối với thị trường Mỹ. Chúng tôi nhận định rẳng nhiều khả năng công ty sẽ phải tái cơ cấu lại các thị trường xuất khẩu của mình, ít nhất là đến cuối 2022 trong thời gian kháng nghị.
Vậy nếu không được hưởng ưu đãi thuế, thì mức chịu thuế của doanh nghiệp đang phải chịu là bao nhiêu? Hồi đầu năm 2020, CBP đã gửi thông báo đến MSeafood về việc chính thức điều tra việc bán phá giá, và đã yêu cầu công ty đặt cọc tạm thời 10,17% thuế suất cho các lô hàng nhập khẩu tính từ thời điểm đó kèm theo các hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, do thuế suất chống bán phá giá cuối cùng là 3,57% - thấp hơn mức 10.17% nên nhiều khả năng MPC sẽ được hoàn thuế 11,5 triệu đô cho giai đoạn điều tra vừa qua.
Nhiều khả năng MPC sẽ thực hiện quyền kháng cáo đối với quyết định của CBP. Phía công ty cũng nhấn mạnh, công ty đã hợp tác toàn diện, chứng minh rõ cách xử lý và tách biệt lô tôm của Việt Nam xuất đi Mỹ và lô tôm nhập khẩu từ Ấn Độ về. Tuy nhiên, CBP không sang Việt Nam và thực hiện thẩm tra thực địa nên những quyết định của CBP theo công ty là có phần chủ quan và phiến diện. Nhưng vì lí do nào đi chăng nữa thì đây cũng là những thông tin rất bất lợi đối với doanh nghiệp, và tất cả đã được phản ánh vào tình hình sản xuất kinh doanh 9T đầu năm.
2020 là một năm đầy kì vọng của MPC với việc công ty đặt kế hoạch năm lên đến 1.368 tỷ đồng LNST – cao gần gấp 3 lần so với thực hiện 2019, xuất nhập khẩu hợp nhất đạt 709 triệu đô (+10%). Tính đến thời điểm hiện tại, công ty chưa công bố báo cáo Q3/2020 nhưng công ty mẹ ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 183 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ nhờ ứng dụng công nghệ mới tại các vùng nuôi tôm. Tuy vậy, với con số 1.368 tỷ đồng vẫn là một con số khá xa vời, và chúng tôi nhận đinh rằng nhiều khả năng công ty sẽ không thể hoàn thành kế hoạch đề ra, nhất là khi vụ kiện cáo với phía Mỹ sẽ còn kéo dài như hiện nay.
Suy rộng ra khi EVFTA được đưa vào hoạt động
Khi EVFTA được đưa vào hoạt động, ngành thủy sản sẽ là một trong những điểm sáng khi được hưởng ưu đãi thuế khá hấp dẫn, tương tự như mức ưu đãi thuế tại Mỹ hiện nay. 9T đầu năm 2020, XK tôm đạt gần 385 triệu đô, tăng trên 25% so với tháng 9/2019, mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm nay theo số liệu của VASEP. Trong đó, XK tôm sang các thị trường chính đều tăng mạnh, trong đó Mỹ đạt 39,6%, Trung Quốc (+22,9%), EU (+35,4%). Đáng chú ý nhất là XK tôm sang EU đạt mức tăng cao kỷ lục từ đầu năm nhờ một phần tác động tích cực từ hiệp định EVFTA.
Ngoài MPC, chúng ta còn FMC, CMX, ABT,… đều là những doanh nghiệp trên sàn có xuất khẩu tôm đi các nhóm nước EU hoặc Mỹ. Một đặc điểm chung là các doanh nghiệp này đều không tự chủ hoàn toàn nguồn nguyên liệu đầu vào, nên nếu có kiện cáo như Minh Phú trong thời gian qua thì sẽ rất khó để chứng minh nguồn gốc sản phẩm đầu vào của mình bởi do đặc thù của ngành. Như trong case của Minh Phú, doanh nghiệp cho rằng do công ty không tuân theo các Phương pháp mà CBP yêu cầu, nên phía Mỹ đã áp dụng những điều kiện bất lợi sẵn và kết luận MPC vi phạm luật chống bán phá giá. Theo ý kiến của MPC, yêu cầu của Mỹ là vô lý và chưa từng có doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu tôm nào có hệ thống truy xuất như vậy, nên việc kiện cáo càng trở nên khó khăn hơn.
Hiện trong số những doanh nghiệp xuất khẩu tôm thì có CMX đang có vùng nuôi tôm sinh thái tại Cà Mau và Kiên Giang cùng vùng nuôi tôm sinh thái rộng gần 7.000ha, FMC với 30% nguyên liệu đầu vào là tự chủ nhưng những con số này vẫn khá ít ỏi so để tự chủ nguyên liệu đầu vào, nhất là khi chúng ta được hưởng những lợi thế vượt trội so với các vùng nuôi tôm như Ấn Độ. Cùng với hệ thống truy xuất thông tin chưa được hỗ trợ, theo chúng tôi rất nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh trong trường hợp kiện cáo xảy ra.
Tóm tắt lại, chúng tôi cho rằng các nghị định kí kết giảm/miễn thuế là một bước tiến lớn trong mối quan hệ của Việt Nam và các nước lớn. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển kinh tế lại là những điều kiện ngặt nghèo khác. Việc Minh Phú bị kiện vi phạm luật chống bán phá giá chỉ là một trong số vô vàn vấn đề có thể xảy ra khi chúng ta tham gia vào các sân chơi lớn và chuyên nghiệp. Nhà đầu tư cần theo dõi các vấn đề có liên quan đến để đưa ra các quyết định giải ngân đúng đắn, tránh cho rằng cứ EVFTA đi vào hoạt động là thủy sản lập tức có lợi.
Bài viết thể hiện nghiên cứu và quan điểm riêng của nhóm tác giả, 24H Money không chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà nhà đầu tư gặp phải khi sử dụng những thông tin trên trong hoạt động đầu tư. Để được tư vấn đầu tư, tìm hiểu thêm thông tin từ chuyên gia, vui lòng truy cập tại đây. |
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận