Mourinho dạy ta điều gì?
Dư luận vẫn thường nói về Mourinho như là kẻ phản diện bậc nhất của bóng đá hiện đại. Tuy nhiên, người đáng ghét nhất đôi khi lại là người cho chúng ta nhiều bài học nhất.
Chú trọng phòng ngự
Một người có thể đánh bại Barca “thần thánh” của Lionel Messi để vô địch UEFA Champions League, lật đổ “đế chế” MU của Sir Alex Ferguson để vô địch Premier League và vượt qua AC Milan “huyền thoại” của Carlo Ancelotti để lên đỉnh Serie A thì dứt khoát không thể là một người tầm thường.
Kỹ thuật cá nhân siêu đẳng của Messi cũng hay. Hệ thống chiến thuật tuyệt vời của Sir Alex cũng tốt. Mô hình “cây thông” đầy sáng tạo của Ancelotti cũng rất đáng khâm phục. Nhưng người chiến thắng cuối cùng phải là kẻ thực dụng nhất và đôi khi phải chơi bẩn khi cần thiết. Chelsea hay Inter Milan dưới thời của Mourinho không tấn công ồ ạt cũng không tạo ra những cảm xúc quá thăng hoa. Họ không cho phép đối phương tìm được các sai sót rồi kết liễu họ một cách từ từ, đau đớn.
Warren Buffett và George Soros là hai con người hoàn toàn đối lập nhau từ ngoại hình, tính cách đến triết lý đầu tư. Tuy nhiên, họ giống nhau đến kỳ lạ ở một điểm: “Không được phép để mất tiền”.
Mourinho vô địch Champions League cùng Inter Milan. Nguồn: Reuters
Đừng quá cầu toàn
Các cầu thủ đều có mặt tốt mặt xấu. Quan trọng là ta có thể tận dụng được các điểm mạnh của họ để phục vụ cho mục đích của mình. Các cổ phiếu cũng vậy. Chẳng có doanh nghiệp nào tốt toàn diện cả. Doanh nghiệp làm ăn tốt, tăng trưởng nhưng ngành xấu thì chưa chắc giá đã lên. Bài học từ cổ phiếu dầu khí giai đoạn 2014-2015 vẫn còn đó.
Ngành tốt và bản thân doanh nghiệp cũng tốt thì giá phải cao. Đấy là điều mà nhà đầu tư phải chấp nhận trong thực tế. Các trường hợp cổ phiếu hội tụ đủ tất cả yếu tố “ngon bổ rẻ” chắc sẽ khó có thể bắt gặp trên thị trường.
Vững vàng trước nghịch cảnh
Trong cuộc họp báo đầu tiên ngày 21/11/2019 trên cương vị HLV trưởng của Tottenham, một phóng viên đặt câu hỏi: “Ông có thể lý giải nguyên nhân thất bại của Tottenham trong trận chung kết Champions League mùa trước?”. Mourinho đã trả lời một cách thản nhiên: “Tôi không biết vì tôi chưa bao giờ thua trận chung kết Champions League nào cả”. Bạn phải tự tin khủng khiếp vào bản thân mới có thể thốt ra câu nói “chất” đến như vậy.
Sau bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu khó khăn thử thách, bản chất của ông vẫn không thay đổi. Vẫn luôn kiêu ngạo, luôn mạnh mẽ đối mặt với cuộc sống này cho dù có khắc nghiệt và nhiều thử thách đến đâu.
Nhà đầu tư luôn phải đối mặt với viễn cảnh thua lỗ y như các HLV phải đối mặt với nguy cơ thua cuộc hay sa thải vậy. Sợ hãi chỉ khiến nó đến nhanh hơn mà thôi. Thay vào đó, chúng ta cần phải kiểm soát nó. Sử dụng kỹ thuật Relative Strength của David Keller để chọn ra các cổ phiếu tăng nhiều nhất khi thị trường lên (bull market) và giảm ít nhất khi thị trường xuống (bear market) là một trong những phương pháp kinh điển.
Thị trường giảm không đáng sợ. Đáng sợ là các cổ phiếu chúng ta nắm có chất lượng không tốt và chúng giảm nhiều hơn so với thị trường chung. Nếu chúng kém đến mức phá sản luôn thì thật là thảm họa. Tuy nhiên, nếu chúng có khả năng “đề kháng” tốt, kinh doanh hiệu quả và tăng trưởng mạnh thì nhà đầu tư không có gì phải lo lắng. Sự sụt giảm chỉ là nhất thời và sau đó quá trình phục hồi sẽ tiếp tục diễn ra. Các ví dụ kinh điển có thể kể đến như GAS, FPT, VIC…
Nếu nhà đầu tư là huấn luyện viên thì cổ phiếu chính là cầu thủ. Sau khi đã nghiên cứu kỹ về mặt cơ bản và lựa chọn cổ phiếu thì việc còn lại là phải tin tưởng tuyệt đối cổ phiếu của mình cho đến ngày hái quả. Chính niềm tin sắt đá ấy đã tạo nên Irving Kahn, Benjamin Graham, Warren Buffett…
Đã có biết bao nhà đầu tư cắt lỗ đúng đáy vì tâm lý lo sợ được mất. Không phải cứ học nhiều, biết nhiều là tâm lý mạnh. Điều này cần phải được hun đúc theo năm tháng và rèn luyện theo thời gian. Các chim lợn, bìm bịp luôn biết cách hù dọa mọi người theo nhiều cách khác nhau. Điều nhà đầu tư cần làm là giữ vững tay chèo để vượt qua sóng gió bằng cách bám sát vào phương pháp phân tích của bản thân.
Trong quá trình đầu tư cũng như trong cuộc sống bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Đôi lúc, bạn sẽ thấy cuộc sống này thật ngột ngạt, mệt mỏi và quá nhiều sức ép. Những lúc ấy, bạn hãy nhớ đến Jose Mourinho và đừng bỏ cuộc!
Mourinho vô địch Premier League cùng Chelsea. Nguồn: Sky Sports
Hãy bóp chết sự mộng mơ
Các giải đấu như Champions League, Premier League… có thể là lễ hội đối với các cổ động viên, cũng có thể là lễ hội của các cầu thủ nhưng dứt khoát không phải là lễ hội của các huấn luyện viên. Bất kể anh đá hay thế nào, cống hiến ra sao thì tất cả những thứ đọng lại cuối cùng chỉ là chiếc cúp vàng vô địch.
Người ta có thể xuýt xoa trước một đội bóng luôn “chơi bóng đá đẹp” như Arsenal, có thể tiếc hận cho một anh hùng lỡ vận thường rời giải đấu trong tư thế “ngẩng cao đầu” kiểu Juventus… nhưng thiên hạ luôn phải cúi mình trước nhà vô địch như Real Madrid. Muốn vô địch, bạn phải bóp chết sự mộng mơ, phải thực dụng đến tàn nhẫn và đôi khi phải chấp nhận những lời chửi rủa trong quá trình đi đến vinh quang cuối cùng. Mourinho hiểu rằng chiến thắng là tất cả. Ông không cần phải làm đẹp lòng một cá nhân nào. Chức vô địch mới chính là chân lý!
Nếu bạn là một nhà thơ, bạn có thể mơ mộng. Nếu bạn chuẩn bị bắt đầu một startup, bạn cũng có thể mơ mộng về việc hóa “kỳ lân”. Nhưng nếu bạn là một nhà đầu tư tài chính thì hãy bóp chết nó ngay lập tức. Đầu tư không lãng mạn như làm thơ, không thăng hoa như viết nhạc mà “cực kỳ nhàm chán” giống như lời George Soros đã từng nói.
Đầu tư là sự tính toán tranh đấu liên tục không thôi. Thay vì ngồi mơ mộng về những khoản lãi khủng trong tương lai, nhà đầu tư phải liên tục tự cảnh tỉnh chính mình, bịt kín các kẽ hở và rà soát các rủi ro có thể xảy ra để tiếp tục sống sót trên thị trường khắc nghiệt này!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận