menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Dương Khôi Pro

Một vài điểm nhấn về tình hình thương mại thế giới năm 2023

1. Cuộc chiến chống lạm phát bước bước đầu thành công Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, các ngân hàng trung ương lớn đã triển khai chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát đang leo thang. Tăng lãi suất liên tục đã giúp kiểm soát tốc độ tăng giá cả. Sau khi lạm phát giảm nhiệt, có dấu hiệu giãn cách độ tăng lãi suất, và thị trường tài chính bắt đầu nảy sinh tin đồn về khả năng giảm lãi suất trong năm 2024.

Đến cuộc họp cuối cùng của năm 2023, Fed đã tăng lãi suất 11 lần, tổng cộng 5,25 điểm phần trăm. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất với tổng cộng tăng lên lần lượt là 4,5 điểm phần trăm và 5,15 điểm phần trăm.

Trong tháng 11/2023, chỉ số PCE lõi của Mỹ tăng 3,2%, là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 4/2021. Chỉ số CPI của Eurozone tăng 2,4% trong tháng này, giảm từ mức đỉnh hơn 10% trong năm 2022. CPI của Anh tăng 3,9%, cũng là mức tăng thấp nhất trong 2 năm, giảm từ mức đỉnh hơn 11% trong năm 2022.

2. Căng thẳng địa chính trị đe dọa toàn cầu

Trong khi cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine bước sang năm thứ ba, một cuộc chiến tranh khác bất ngờ bùng lên vào tháng 10/2023 ở dải Gaza giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine. Không chỉ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, các cuộc chiến này còn gây biến động thị trường tài chính và giá hàng hóa toàn cầu như năng lượng và lương thực. Điều này đặt ra rủi ro đối với tăng trưởng và lạm phát, bổ sung một biến số khó lường vào bài toán khó giải đối với các nhà hoạch định chính sách.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc tiếp tục giảm sút dù hai bên đã có những nỗ lực cải thiện tình hình. Một vấn đề gai góc trong quan hệ Mỹ - Trung năm vừa qua là cuộc chiến công nghệ căng thẳng, khi hai bên chạy đua quyết liệt để giành vị trí thống trị ở những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, ô tô điện và năng lượng sạch. Nhiều biện pháp hạn chế thương mại đã được mỗi bên đưa ra nhằm cản bước tiến của đối phương trong các lĩnh vực này.

Trong dự báo đưa ra tháng 10/2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2023, giảm từ mức 3,5% đạt được trong năm 2022.

3. Khủng hoảng ngân hàng khu vực ở Mỹ

Mùa xuân năm 2023, thị trường tài chính thế giới rúng động khi cuộc khủng hoảng của các ngân hàng khu vực ở Mỹ bất ngờ bùng nổ. Với ngân hàng đầu tiên sụp đổ là Silicon Valley Bank (SVB), giới đầu tư và chuyên gia lo ngại hiệu ứng domino sẽ xuất hiện và kéo sập hàng loạt nhà băng khác. Hiện tượng rút tiền ồ ạt và bán tháo cổ phiếu tiếp tục xảy ra tại một mắt xích yếu tiếp theo, dẫn tới sự sụp đổ của Signature Bank và First Republic Bank, thậm chí khiến nhà băng hàng trăm tuổi Credit Suisse của Thụy Sỹ cũng chao đảo và rốt cục bị đối thủ đồng hương UBS mua lại.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của Mỹ, gồm Fed, Bộ Tài chính và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC), đã hành động quyết liệt và kịp thời, giữ cho hệ thống ngân hàng Mỹ đứng vững.

4. Kinh tế Trung Trung Quốc gây thất vọng sau đại dịch COVID-19

Cuối năm 2022, khi Bắc Kinh bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp chống Covid-19 hà khắc, thế giới đã khấp khởi hy vọng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ và giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023. Nhưng chỉ sau một giai đoạn bùng nổ ngắn vào đầu năm, kinh tế Trung Quốc bắt đầu mất đà phục hồi và ngày càng đuối. Nhu cầu trong nước yếu, nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu giảm sút, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, chính quyền các địa phương nợ chồng chất. Tất cả những yếu tố này đều gây áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được cho là vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cả năm mà Chính phủ nước này đề ra.

5. Sự vững vàng đánh ngạc nhiên của kinh tế Mỹ

Nền kinh tế lớn nhất thế giới bước vào năm 2023 với những dự báo ảm đạm, nhiều chuyên gia cho rằng suy thoái sẽ xảy ra như một hệ quả tất yếu của chiến dịch tăng lãi suất dồn dập để chống lạm phát. Tuy nhiên, dự báo này đã không trở thành hiện thực. Trong ba quý đầu năm 2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm lần lượt là 2,2%; 2,1%; 4,9%. Công ty nghiên cứu kinh tế Conference Board mới đây dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3,2% trong cả năm 2023.

Các nút thắt nguồn cung trong đại dịch Covid-19 được giải tỏa và lượng tiền tiết kiệm dồi dào của người tiêu dùng Mỹ được cho là hai nhân tố quan trọng giúp Fed tiến tới đạt được mục tiêu đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm”: lạm phát giảm mà nền kinh tế không sụt tốc và tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh.

6. Một năm buồn của kinh tế Châu Âu

Trái với bức tranh kinh tế Mỹ, châu Âu đã trải qua một năm kinh tế ảm đạm. Cuộc chiến chống lạm phát của ECB đã bước đầu mang lại kết quả như mong muốn, nhưng kèm theo đó là tình trạng trì trệ của tăng trưởng. Số liệu mới nhất từ cơ quan thống kê Eurostat cho thấy khu vực Eurozone chứng kiến GDP giảm 0,1% trong quý 3 so với quý 2 và chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Các con số tăng trưởng dương èo uột 0,1% của kinh tế Pháp; 0,3% của Tây Ban Nha; 0,5% của Bỉ… so với quý trước không đủ để bù lại cú giảm 0,1% của kinh tế Đức; tăng trưởng bằng 0 ở Italy và tăng trưởng âm ở một loạt nền kinh tế khác trong khối như: Áo, Bồ Đào Nha, Ireland, Estonia và Lithuania.

Gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế Eurozone năm qua là lạm phát cao trong phần lớn thời gian của năm, lãi suất cao kỷ lục và chính sách tài khóa dần thắt lại. Tháng 10/2023, IMF dự báo GDP của Eurozone chỉ tăng 0,7% trong năm 2023.

7. Thế giới đối mặt nguy cơ khủng hoảng nợ

Nợ nần là một chủ đề không thể không nhắc đến của kinh tế thế giới trong năm 2023, từ nợ doanh nghiệp cho tới nợ công. Trong nửa đầu năm 2023, khối nợ toàn cầu đã tăng thêm 10 nghìn tỷ USD, lên mức kỷ lục 307 nghìn tỷ USD, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF). Tỷ trọng so với GDP của nợ toàn cầu đã lên tới 336%.

Môi trường lãi suất cao và tăng trưởng kinh tế giảm tốc đã dẫn tới một làn sóng doanh nghiệp vỡ nợ, phá sản ở nhiều quốc gia như: Đức, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản… Ở Trung Quốc, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn, điển hình là Country Garden và một số công ty dịch vụ tài chính như ngân hàng ngầm Zhongzhi Enterprise Group lâm vào tình cảnh tương tự.

Đối với các chính phủ, chi phí chống dịch và khắc phục hậu quả của đại dịch đã để lại những món nợ khổng lồ. Theo số liệu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), các nước đang phát triển phải chi số tiền kỷ lục 443,5 tỷ USD để trả lãi nợ công nợ công trong năm 2022, tăng 5% so với năm 2021. Bộ Tài chính Mỹ cho biết Chính phủ nước này chi 659 tỷ USD để trả lãi ròng nợ công trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 30/9/2023, tăng 39% so với năm tài khóa trước và tăng gần gấp đôi so với năm tài khóa 2020.

Đáng chú ý, cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc gần đây đều bị hạ triển vọng tín nhiệm vì nợ nhiều. Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service vào đầu tháng 12/2023 hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, cho rằng việc Chính phủ nước này hỗ trợ, có thể giải cứu các chính quyền địa phương và doanh nghiệp quốc doanh rơi vào cảnh căng thẳng nợ nần sẽ làm suy giảm sức mạnh tài khóa, kinh tế và thể chế của quốc gia.

8. Đồng Yên Nhật Bản đương đầu với áp lực mất giá do trái chiều chính chính sách tiền tệ

Biến động tỷ giá đồng Yên Nhật đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư toàn cầu trong năm qua, khi sự trái chiều chính sách tiền tệ giữa Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) với các ngân hàng trung ương lớn khác như Fed, ECB và BOE gây áp lực mất giá mạnh lên đồng Yên. Với mức giảm khoảng 8% so với đồng USD kể từ đầu năm, Yên Nhật là một trong những đồng tiền lớn mất giá mạnh nhất thế giới năm 2023. Thị trường tài chính đã phấp phỏng chờ đợi một cuộc can thiệp từ nhà chức trách Nhật để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ, nhưng không có động thái can thiệp nào diễn ra. Tuy nhiên, về cuối năm 2023, đồng Yên đã phục hồi sau những tín hiệu từ BOJ cho thấy Nhật Bản có thể sẽ sớm chấm dứt chính sách lãi suất âm trong năm 2024. Trong tháng 12/2023, đồng Yên đã tăng khoảng 4% so với USD.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Nguyễn Dương Khôi Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả