Một tuần sau Chỉ thị 16, thế giới ngạc nhiên với sự thần kỳ của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19
Nhiều nước ca ngợi Việt Nam là hình mẫu lý tưởng chống chọi với đại dịch Covid-19.
Dịch bệnh Covid-19, khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ những ngày cuối năm 2019 đến nay đã lan rộng ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hai canhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện vào ngày 23/1, ngày 30/1 (mồng 5 Tết) tăng lên 5 ca. Đến những ngày cuối tháng 3, đã có hơn 200 người nhiễm bệnh ở trên 10 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu toàn dân thực hiện nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh ít nhất trong vòng 15 ngày để tránh lây nhiễm.
Một tuần trôi qua, các hoạt động của trường học, cơ quan công quyền, các dịch vụ thiết yếu của cuộc sống vẫn diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Có được những điều này là nhờ các hệ thống dịch vụ viễn thông, công nghệ điện tử khá tốt ở nước ta.
Kết nối, mang bài học đến với học sinh, sinh viên
Ngay khi cho học sinh, sinh viên nghỉ học ở nhà, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và giới thiệu các phần mềm, công cụ hỗ trợ trực tuyến nhằm giúp cho giáo viên các nhà trường kết nối và mang bài học đến cho học sinh, đảm bảo học sinh không bị "mất bài" trong thời gian nghỉ phòng chống dịch.
Các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông như VNPT, Vinaphone, Mobilephone, Viettel… và cung cấp dịch vụ công nghệ trực tuyến như: Microsoft Vietnam, Olm.vn, Toliha.vn, Chương trình 789.vn... cũng đã phối hợp, cung cấp đường truyền và tài liệu miễn phí cho giáo viên, học sinh khai thác, sử dụng trực tuyến.
Đài truyền hình trung ương, truyền hình các địa phương cũng vào cuộc đưa những chương trình dạy học trên truyền hình đến với học sinh.
Các nhà xuất bản tài liệu, ấn phẩm giáo dục cũng lập tức vào cuộc, sẵn sàng mở các kho học liệu trực tuyến cho giáo viên, sinh viên, học sinh truy cập sử dụng miễn phí.
Hệ thống hành chính, dịch vụ hoạt động hiệu quả
Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương, ủy ban nhân dân các cấp đã triển khai có hiệu quả "chính phủ điện tử" trong công việc hàng ngày như ban hành, gửi nhận văn bản, chế độ báo cáo, xử lý các thủ tục hành chính. Chỉ vài năm trước đây thôi, khái niệm "chính phủ điện tử", "chữ ký số" còn xa lạ đối với phần lớn công chức ở các địa phương thì nay đã là hiện thực.
Ngành tài chính, ngân hàng triển khai dịch vụ "thanh toán di động", "ngân hàng di động" và "ví điện tử" rất tiện lợi trong mua bán, thanh toán online. Chỉ cần với chiếc điện thoại thông minh, người dân có thể mua hàng trên mạng mà không cần dùng tiền mặt, không cần đi ra ngoài. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm qua các giao tiếp xã hội hàng ngày.
Ngay sau khi Chỉ thị 16 ban hành, gần 10 triệu cán bộ, công chức, viên chức cả nước đã tự tin, yên tâm thực hiện các nhiệm vụ công sở tại nhà. Lãnh đạo các cơ quan sử dụng các phần mềm hội nghị trực tuyến để chỉ đạo, hội họp, giao ban… với cán bộ, công chức toàn cơ quan.
Truyền thông, minh bạch hóa dữ liệu dịch tễ hiệu quả
Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường của Bộ Y tế đã làm tốt công tác tuyên truyền các biện pháp phòng dịch với vũ điệu vui nhộn "Ghen Cô Vy". "Vũ điệu rửa tay" này được đài truyền hình Mỹ, Pháp và tạp chí ở Đức đưa tin, báo Iran đề nghị mua bản quyền chuyển ngữ ca khúc. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) chia sẻ bài hát rộng rãi trên mạng Youtube.
Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 xây dựng app NCOVI để cho người dân khai báo lịch sử dịch tễ nhằm khoanh vùng và phát hiện sớm nhất có thể các ca nghi lây nhiễm.
Công ty Google Việt Nam nhanh chóng cung cấp dữ liệu Google Maps đánh dấu những nơi có ca nhiễm Covid-19 để người dân biết và phòng tránh.
Sự nhanh nhạy của các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp giúp cho người dân nhận thức rõ về dịch bệnh; yên tâm, tin tưởng vào Chính phủ. Sự hoạt động hài hòa, nhịp nhàng của các cơ quan, các đơn vị cung cấp dịch vụ thiết yếu đã làm cho sự "sợ hãi cộng đồng" không xảy ra ở Việt Nam như ở các nước Âu, Mỹ hay Australia.
Báo chí quốc tế ngày 6/4 đồng loạt bày tỏ ngưỡng mộ và ngạc nhiên với sự thần kỳ của Việt Nam. Nhiều nước ca ngợi Việt Nam là hình mẫu lý tưởng chống chọi với đại dịch Covid-19 trong điều kiện của một nước đang phát triển, dân số đông, thu nhập bình quân đầu người thấp, điều kiện phục vụ của ngành y chưa được như các nước phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh, Việt Nam xếp thứ 42/129 quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, dẫn đầu nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp trong năm 2019. Đây là chỉ dấu tích cực cho sự phát triển các dịch vụ công nghệ điện tử ở Việt Nam.
Còn quá sớm để nói về sự thành công trong việc phòng chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam. Tuy nhiên, với sự hiệu quả của các dịch vụ công nghệ điện tử, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng việc chiến thắng đại dịch Covid-19 trên đất nước Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận