Một số người Singapore quyết không đeo khẩu trang: “Nếu tôi chết, đó là chuyện của tôi”
Trên mạng xã hội ngày nào cũng có các clip ghi lại cảnh cãi nhau, chạy trốn, thậm chí là những thanh niên bị vật ra, quặt tay sau lưng và cảnh sát giải đi vì chống lại việc bắt buộc đeo khẩu trang...
Câu chuyện người dân Singapore thời dịch Covid-19 dưới góc nhìn của nhà báo Tri Anh, người từng có nhiều năm sống và làm việc tại đất nước này.
Chiều 21/4, Thủ tướng Lý Hiển Long lại xuất hiện trên truyền hình phát biểu bằng ba ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Bahasa và tiếng Hoa. Chính phủ Singapore xác nhận chỉ trong ngày 21/4 quốc đảo này đã có 1.111 ca nhiễm mới nâng tổng số ca nhiễm virus corona ở quốc đảo này từ 8.014 lên 9.125. Thủ tướng Lý Hiển Long đồng thời thông báo sẽ gia hạn việc giãn cách xã hội thêm đến 1/6 thay vì 4/5 như ban đầu.
Tuần đầu tiên tháng 4/2020, Singapore ghi nhận mỗi ngày số ca nhiễm virus Corona chỉ ở mức ba con số thì hai tuần sau con số này lên đều 4 con số/ngày. Singapore từ quốc gia từng được cho là kiểm soát tốt dịch bệnh đã trở thành quốc gia có số ca nhiễm Corona cao nhất Đông Nam Á.
“Nếu tôi chết, đó là chuyện của tôi”
Ở một nơi không khí không ô nhiễm, người dân không phải di chuyển bằng xe gắn máy như ở VN thì việc buộc phải đeo khẩu trang mỗi khi bước ra khỏi nhà chẳng là việc dễ dàng đối với dân Singapore. Ăn uống và sinh hoạt của người dân Singapore chủ yếu tập trung ở các khu hawker, một kiểu trung tâm ẩm thực truyền thống của người dân Singapore từ bao lâu nay.
Hawker thường nằm ở vị trí trung tâm kết nối của các toà nhà chung cư cao mười mấy tầng và chợ truyền thống. Giờ đây các khu hawker bị yêu cầu chỉ bán hàng mang đi, bàn ghế ngồi, chỗ để ngồi tán dóc, ăn uống….bị bọc lại và nhiều người đã không chấp nhận được sự thay đổi này.
Mạng xã hội và báo Lianhe Zaobao bản online (tờ báo tiếng Hoa ở Singapore) chia sẻ đoạn clip một phụ nữ lớn tuổi Singapore đã rất giận dữ và từ chối đeo khẩu trang khi bài này đi mua thức ăn trưa ở khu hawker gần People's center park. “Tôi có khẩu trang ở nhà và không muốn bị bắt buộc phải đeo khẩu trang" bà giận dữ trả lời khi đang nhận lại túi thức ăn và được nhân viên công quyền nhắc nhở rằng mọi người đều bị yêu cầu phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. “Tôi mặc kệ mọi người. Đừng so sánh tôi. Tôi không đeo. Nếu có chết, đó là chuyện của tôi". Đoạn video clip này có đến vài ngàn chia sẻ và vô cùng nhiều các bình luận lên án sự từ chối hợp tác phụ nữ kia.
Người dân Singapore giờ còn được khuyến khích chụp ảnh và báo cáo với chính quyền người vi phạm không đeo khẩu trang qua app (ứng dụng). Việc truy tìm và phạt còn lại là của cảnh sát và nhân viên công quyền.
Trên mạng xã hội ngày nào cũng có các clip ghi lại cảnh cãi nhau, chạy trốn, thậm chí là những thanh niên bị vật ra, quặt tay sau lưng và cảnh sát giải đi vì chống lại việc bắt buộc đeo khẩu trang...Thậm chí Cơ quan quản lý công viên quốc gia Singapore cũng chia sẻ đoạn clip ghi lại vào các đêm cuối tuần có 9 người đàn ông trong đó có 3 người ra ngoài cho heo rừng ăn mà không mang khẩu trang, 6 người còn lại bị phạt vì tội ra ngoài xem heo rừng và không mang khẩu trang.
Trên tài khoản mạng xã hội của mình, Bộ trưởng Bộ Môi trường và nguồn nước Singapore Masagos Zulkifli cho biết trung bình thì ngày nào cũng có người bị phạt vì vi phạm, có những ngày thứ bảy và chủ nhật cơ quan này đã phạt trung bình hơn 200 đến gần 400 trường hợp vi phạm không mang khẩu trang với mức phạt 300 SGD. “Chỉ riêng ngày chủ nhật 19/4, đã có hơn 10 người vi phạm không mang khẩu trang lần thứ hai với hình phạt 1.000 SGD (hơn 16 triệu đồng).
Giao nhận đắt hàng
Thủ tướng Lý Hiển Long trong lần phát biểu trên truyền hình lần trước đã nhắc nhở mọi người đại ý nên ở nhà, việc mua hàng hoá hãy để một phận chuyên giao nhận đảm nhiệm. Mấy ngày đầu có dịch Covid 19, hàng mua online từ siêu thị thậm chí phải chờ đến vài ngày mới có xe để giao, tôi còn nhớ có cô bạn đặt mua hàng mà 10 ngày sau mới nhận vì không có ai giao.
Thu nhập của người giao hàng ở một hãng chuyên giao thức ăn mấy hôm nay là chủ đề tranh cãi gây tốn giấy mực báo chí xứ này. Một tờ báo cho biết thu nhập của nhân viên giao đồ ăn trong tháng 3 đạt mức 7.095 SGD (hơn 116 triệu đồng) và cho biết lượng người đăng ký làm người giao nhận đồ ăn của hãng trong 3 tháng đầu năm đã đạt đến 5.000 đơn và họ chỉ nhận thêm 1.000 trong số đó. Tranh cãi vẫn diễn ra mấy ngày liền chưa kết thúc nhưng rõ ràng nhu cầu giao nhận khi người ta không ra ngoài mua sắm nữa.
Tôi cũng từng vất vả mấy ngày để tìm và đặt mua tủ đông dùng trong gia đình loại có dung tích 130L, để trữ đồ đông lạnh vì muốn hạn chế đi ra ngoài trong mùa dịch. Cứ tưởng mình thông minh ai dè, mấy ngày liên tục lên mạng tìm đặt mua hàng mà chẳng có, chỗ nào cũng “out of stock" (không còn hàng dự trữ). Lúc may mắn tìm được, tôi gọi điện thoại đặt ngay thì người nghe điện thoại từ chối nhận vì có quá nhiều đơn đặt hàng. Cuối cùng có chỗ có, họ hỏi có lấy luôn và trả thêm phí để họ chở đến luôn không, tôi gật đầu lia lịa.
Benjamin, ông bạn người Malaysia của tôi cực kỳ thích ăn hải sản. Ở Singapore hải sản tươi có thể mua ở chợ truyền thống Geylang Serai nơi nhiều người gốc Malaysia như Benjamin hay đến vì hàng hóa đa dạng và giá phải chăng.
Nhưng từ ngày buộc thực hiện gắt gao giãn cách xã hội Benjamin đã ngại đến chợ Geylang Serai hơn vì buộc phải tuân thủ việc giãn cách xã hội: đeo khẩu trang và xếp hàng cách nhau 1m khi mua hàng. Benjamin bảo phải mất hơn 30 phút chỉ đề đứng xếp hàng chờ để qua trạm kiểm soát khẩu trang ở cửa chợ Geylang Serai. “Tôi đi chợ Pek Kio, tuy ít lựa chọn, nhiều khi ra trễ chẳng còn hải sản nhưng đỡ mất công xếp hàng chờ".
Khu căn hộ nơi chúng tôi sinh sống, ban quản lý đã khoá hai trong tổng số ba cổng ra vào, bảo vệ cũng tăng cường thêm người để kiểm soát chặt việc không cho người lạ vào. Bảng thông báo dán khắp nơi, ban quản lý thì luôn tăng cường số lượng và cả dây rào xung quanh hồ bơi để cấm cư dân vi phạm, ai vi phạm tất nhiên cứ quy ra thóc.
Cơ quan quản lý xây dựng và toà nhà Singapore cho biết một khu căn hộ trên đường Irrawaddy lập biên bản một gia đình rủ nhau đánh tennis thời gian thực hiện CB, 4 người nộp 1.200 SGD, cũng có gia đình ở khu căn hộ trên đường Flora rủ nhau bơi cùng hai con, lại mất 1.200 SGD, một thanh niên ở căn hộ trên đường Amber thì bị phạt tới 1.000 SGD khi hai lần vi phạm việc chui vào phòng gym để rèn luyện sức khoẻ.
Quy định mới ở Singapore không cho phép dù là người thân nếu không ở cùng nhau cũng không được thăm viếng nhau. Với các gia đình có trẻ nhỏ, chính phủ chỉ cho phép và khuyến khích bố mẹ gửi con ở nhà ông bà luôn trong suốt thời gian thực hiện nghiêm túc việc giản cách xã hội chứ không sáng gửi đến rồi chiều đón về nữa.
Cô bạn Angie có đứa con chỉ mới hơn 1 tuổi. Lâu nay cô hay lái xe sang gửi con ở nhà bà ngoại tối đón về nhưng giờ không còn được quyền trợ giúp, cô và chồng làm việc ở nhà và chia nhau để chăm con. Dù toàn bộ học sinh ở quốc đảo này đều HBL như các con tôi nhưng vẫn có khoảng 4.000 trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo, học sinh tiểu học, trung học vẫn đến trường do phụ huynh là những người phải “ra tiền tuyến để chống dịch".
Trong rủi có may
Ở một khía cạnh nào đó thậm chí được coi là thành công lớn nhất của ngày làm việc ở nhà vì mùa dịch của chúng tôi đó chính là việc bà xã tôi đã huấn luyện được Soe Soe, cô giúp việc người Myanmar làm các món ăn Việt một cách thuần thục hơn trước.
Cô ấy đã biết đổ bánh cuốn, phi hành vàng, giòn rụm, xào mực với cần tây, hành tây, cà chua….chuẩn món Việt Nam nhưng quan trọng là càng làm cô ấy càng thích. Đã có ngày chúng tôi “tự tin” giao cho cô ấy nguyên cái bếp để trổ tài mà không ở bên cạnh hướng dẫn. Và hôm nay, nấu xong cô ấy chụp hình rồi gửi khoe bạn bè ở Miến Điện.
Từ ngày có dịch, MOM (Bộ Lao Động) khuyến cáo tất cả giúp việc không được đi ra khỏi nhà vào ngày phép. Mỗi tháng được nghỉ 1-4 ngày tùy nhu cầu và luật bắt buộc ít nhất phải có 1 ngày nghỉ/tháng và thường họ sẽ đi chơi cùng các đồng hương. Chúng tôi hỏi Soe Soe không đi ra ngoài có buồn lắm không? Cô ấy bảo “'Tôi vui. tôi thích ở nhà nấu ăn và ở nhà thì an toàn hơn.' Chiều nay chúng tôi thông báo CB sẽ kéo dài đến 1/6, Soe Soe cười “I am happy!”
Cậu con trai tôi sau khi nghe phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long lại nghĩ khác “vậy tụi con có được học ở nhà tiếp không?”. Hai tuần qua với cậu ấy là thiên đường khi không phải đi ngủ sớm, sáng có thể ngủ đến 8h vì đến 8h30 mới học online. Bài tập thì ít, lại còn có cơ hội thỉnh thoảng cũng có thể họp online cùng với bạn bè và cô giáo giống bố mẹ cũng hay họp hành online khi thực hiện làm việc tại nhà (Work From Home).
Chú thích ảnh:
Một nhà dân phơi các khẩu trang y tế để dùng lại.
Tầng hai của xe buýt hai tầng tuyến số 07 trống trơn vào giữa giờ trưa ngày 21/4.
Một trạm xe buýt vắng, người chờ đeo khẩu trang cẩn thận.
Con đường nổi tiếng mua sắm Orchard, thường ngày đông nghẹt xe và người đi bộ hai bên giờ thì trống trơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận