24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
LS Lương Văn Trung Pro
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Một số góp ý về chi phí cách ly và điều trị liên quan covid-19

Trước hết, chúng ta nên ghi nhận những nỗ lực của chính quyền trung ương và địa phương tại Việt Nam trong quá trình phòng chống dịch covd-19. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thấy rằng chi phí cách ly và chữa bệnh ở Việt Nam đang khá “hào phóng”...

Sau đây, tôi xin nêu một số suy nghĩ và nhìn nhận chủ quan về vấn đề chi phí cách ly và chữa bệnh do Coronavirus như sau.

1. DỊCH CORONAVIRUS: SỰ THIỆT THÒI KHÔNG CỦA RIÊNG AI

(a) Trước hết, chúng ta nên thừa nhận rằng không chỉ những người có rủi ro nhiểm virus, đã và sẽ bị nhiễm virus mới là người không may mắn và đáng thương. Đây là đại dịch đang ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của toàn bộ mọi thành viên của xâ hội. Tác hại của đại dịch này chắc không cần nhắc đến.

(b) Vì lẽ đó, những người phải bị cách ly tập trung (tại cơ sở cách ly, tại khu phố, chung cư hay làng, xã) chỉ nên được coi là những người kém may mắn hơn những người không phải cách ly hay tự cách ly một phần nào đó mà thôi.

Chúng ta cũng nên đánh giá thêm về nhóm những người từ nước ngoài về để chủ động được hay bị cách ly để xem sự kém may mắn của họ đến đâu và họ nên trả chi phí thế nào.

2. CÁC NHÓM BỊ CÁCH LY: BỊ ĐỘNG VÀ CHỦ ĐỘNG

(a) Trước hết, ta hãy xác định nhóm bị cách ly bị động: đó là những người vô tình tiếp xúc với F0, F1, F2 (từ F3 trở xuống) như (chung công ty, tòa nhà, cùng làng, xã, vô tình có mặt cùng một địa điểm nào đó như quán, xe, tàu, máy bay, sự kiện…) hay người không còn lựa chọn là phải về Việt Nam. Nhóm này (có thể) bao gồm những nhóm nhỏ sau đây:

(i) Những người đang ở Việt Nam hay đang vô tình đi về Việt Nam cùng chuyến bay có người nhiểm bệnh;

(ii) Những lao động ở nước ngoài theo hợp đồng bắt buộc phải về Việt Nam do bị chấm dứt hợp đồng lao động hay mất việc làm do dịch mà không được hay có thể ở lại do điều kiện kinh tế (thu nhập) hay pháp lý.

(b) Thứ hai là những người chủ động được hay bị cách ly: đó là những người ở nước ngoài về hay vào Việt Nam dù đã biết rõ khi đến cửa khẩu Việt Nam, họ sẽ được đưa đi cách ly. Nhóm này (có thể) bao gồm những nhóm nhỏ sau đây:

(i) Những người có quốc tịch nước ngoài, bao gồm Việt Kiều, người Việt Nam có thẻ cư trú tại nước ngoài được hưởng các quyền lợi kinh tế và y tế theo pháp luật nước đó;

(ii) Những người Việt Nam đang có visa dài hạn ở nước ngoài và đang có công việc kinh doanh, tài sản ở nước ngoài và có bảo hiểm y tế ở nước đó về có thể được khám chữa bệnh miễn phí tại nước đó hoặc có khả năng chi trả chi phí khám, chữa bệnh tại nước đó;

(iii) Những người Việt Nam đi du học ở nước ngoài và có bảo hiểm y tế ở nước đó và có thể được khám chữa bệnh miễn phí tại nước đó.

(iv) Những người Việt Nam ở nước ngoài không có bảo hiểm y tế, không có thu nhập ở nước đó do dịch bệnh và cũng không có khả năng chi trả chi phí khám chữa bệnh ở nước đó.

3. NHỮNG AI NÊN CHI TRẢ CHI PHÍ CÁCH LY

(a) Ai cũng cần trả chi phí cho nhu cầu cơ bản của mình trên giả định họ không bị cách ly thì họ cũng phải sử dụng nhu cầu cơ bản đó, bao gồm: thức ăn, nước uống, nước sinh hoạt, chi phí điện thoại, internet, kem đánh răng, dầu gội, xà phòng…

(b) Tuy nhiên, có lẽ cần tính đến khả năng chi trả theo cách tiếp cận là theo khả năng và nhu cầu của từng nhóm người, ví dụ:

(i) Những người nghèo khổ không may bị cách ly: họ phải trả chi phí trên giả định họ phải chi trả như không đi cách ly. Do đó, ví dụ mỗi suất ăn tại khu cách ly là 20 ngàn đồng, họ có thể chỉ phải chi trả 10 ngàn đồng.

(ii) Những người có thu nhập đạt mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân phải trả đủ mọi chi phí cho nhu cầu cơ bản đó. Lý do khá đơn giản là họ có thu nhập đạt mức chịu thuế, tức họ đã có thu nhập tối thiểu 9 triệu đồng/tháng, như vậy, việc chi 3 triệu mỗi tháng cho các nhu cầu cơ bản đó là hợp lý;

(iii) Những người thuộc nhóm 2(b)(i), (ii) và (iii) ở trên phải trả đủ mọi chi phí cho nhu cầu cơ bản đó. Lý do khá đơn giản là những người này hoàn toàn đủ khả năng chi trả các chi phí đó và họ đã lựa chọn để được hoặc bị cách ly;

(iv) Với nhóm 2(b)(iv): việc họ có thể ở nước ngoài cho đến khi đại dịch xảy ro họ mới lựa chọn việc đi về thì cũng được coi là có khả năng chi trả cho các nhu cầu cơ bản đó.

(c) Không nên cung cấp thức ăn miễn phí cho những người bị cách ly theo khu vực, nhất là những khu vực có đời sống kinh tế khá giả như chung cư, khu phố giàu có (như Trúc Bạch) ngoại trừ những gia đình sống nhờ thu nhập hàng ngày như xe ôm, tài xế taxi, bán vé số hay những người bị mất việc làm dẫn đến mất thu nhập do bị cách ly. Tuy nhiên, nhóm khó khăn này cũng cần nhận được hỗ trợ 1 phần chứ không phải toàn bộ.

4. NHỮNG AI NÊN CHI TRẢ CHI PHÍ CHỮA BỆNH

(a) Những người thuộc nhóm 2(b)(i), (ii) và (iii) ở trên phải trả đủ mọi chi phí chữa bệnh do việc về Việt Nam như là 1 sự lựa chọn về dịch vụ chữa bệnh rẻ tiền mà an tâm hơn;

(b) Những người Việt Nam khác có thu nhập từ 9 triệu đồng trở lên cũng phải trả chi phí vì họ đã khai thuế tức họ có thu nhập thường xuyên và họ đã có bảo hiểm y tế hoặc đã có thể mua bảo hiểm y tế tự nguyện;

(c) Những người sở hữu nhà hay căn hộ trên 1 tỷ đồng cũng là những người có khả năng và nên chi trả chi phí chữa bệnh (họ có thể thuộc nhóm thu nhập từ 9 triêu đồng / tháng trở lên có hoặc không khai báo thu nhập và nộp thuế thu nhập cá nhân);

(d) Với những người có điều kiện kinh tế khó khăn, việc miễn và giảm chi phí chữa bệnh sẽ dựa trên các tiêu chí hợp lý (như xác nhận của địa phương về điều kiện kinh tế khó khăn, bảng lương, đặc thù nghề nghiệp, gia cảnh).

5. PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ CÁCH LY TỰ NGUYỆN

Với những nhóm người có điều kiện kinh tế khá hoặc nhóm 2(b)(i), (ii) và (iii) nêu trên, trong phạm vi có thể, cần để cho họ lựa chọn các dịch vụ cao hơn như: tiêu chuẩn suất ăn, loại vật dụng đắt tiền, nơi cách ly (khách sạn, resort), lựa chọn số người ở chung 1 phòng (nếu số phòng cho phép). Giá dịch vụ cũng cần được tính sao cho tối thiểu bù đắp được toàn bộ chi phí cách ly (chi phí cơ sở vật chất, nhân sự, điện nước và các chi phí khác). Cách làm này nhằm giảm tải cho các khu cách ly bắt buộc thuộc cơ sở vật chất của nhà nước để ưu tiên cho những người có điều kiện kinh tế khó khăn hơn. Việc giảm tải cũng sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Đồng thời, cách này cũng giảm hoặc loại trừ được chi phí từ ngân sách.

6. LỜI KẾT

(a) Đại dịch Coronavirus là một thảm họa hay bất hạnh cho cả 1 đất nước và mọi người dân. Do đó, ai cũng bị thiệt thòi trực tiếp hay gián tiếp, trước mắt và cả lâu dài. Do vậy, không nên chỉ coi người bị cách ly hay người nhiễm bệnh là những người bị tác động bởi đại dịch này.

(b) Đất nước ta còn nghèo, cơ sở vật chất còn rất kém. Bao nhiêu chiến sỹ phải nhường chỗ cho người bị cách ly và ăn ở tạm bợ, khó khăn nơi khác. Ngoài ra, một trong những thiết bị tối cần thiết để giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh là máy thở. Do đó, cần tập trung nguồn lực đầu tư vào số máy thở để không phải lựa chọn ai sẽ được dùng máy thở khi thiếu máy. Hơn nữa, các vật tư phòng chống dịch như áo bảo hộ, găng tay, mặt nạ, hóa chất diệt khuẩn cũng hết sức tốn kém.

(c) Dù thái độ “chống dịch như chống giặc” của Chính phủ là rõ ràng và đã phát huy hiệu quả, không ai dám chắc số lượng người bị nhiễm bệnh chỉ dừng lại dưới 500 hay 1000. Càng không có ai có thể dám chắc đại dịch này sẽ kéo dài đến bao giờ và mức thiệt hại về kinh tế đến bao nhiêu vì không ai dám chắc đến khi nào có và có đủ vaccin để chống lại coronavirus như vaccin bại liệt, viêm não Nhật Bản…

(d) Thay cho lời kết, Giám đốc Viện Dịch bệnh Dị ứng và Lây nhiễm của Mỹ nói rằng: để đầy đường đồ thị lây lan dịch xuống sâu là khó và rất tốn kém. Nếu có giảm thì nó sẽ đi ngang, có nghĩa là nguy cơ bùng phát sẽ còn tồn tại và sự lo sợ sẽ dai dẳng cho đến khi có và có đủ vaccin để chống lại coronavirus. Như vậy, việc phòng và chống dịch (bao gồm cách ly) sẽ còn dai dẳng và tốn kém. Nếu Chính phủ Việt Nam không quyết tâm đưa ra một chính sách kinh tế hợp lý cho công việc này, nhiều hệ lụy lớn sẽ khó mà tránh khỏi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

LS Lương Văn Trung Pro

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả