Một phân khúc BĐS giảm giá đến 50% vẫn vắng bóng người mua
Trong quý II/2024, thị trường bất động sản nhìn chung ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực ở phân khúc căn hộ, nhà phố… Song, phân khúc nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục đà sụt giảm.
Theo báo Đầu Tư, số liệu báo cáo của DKRA Group về thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận cho thấy, trong quý II/2024, thị trường bất động sản ghi nhận sự cải thiện đáng kể về nguồn cung sơ cấp và sức tiêu thụ trong các phân khúc chủ đạo. Phần lớn giao dịch tập trung ở những dự án hoàn thiện hạ tầng, pháp lý, được triển khai bởi các chủ đầu tư có uy tín trên thị trường… Nhiều chính sách ưu đãi được áp dụng rộng rãi nhằm gia tăng thanh khoản trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi “vùng tối”. Cụ thể, ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp giảm 5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nguồn cung mới cũng liên tục sụt giảm khi chỉ chiếm khoảng 6% tổng nguồn cung cả nước. Sức cầu cũng ở mức thấp, lượng tiêu thụ giảm 69% so với cùng kỳ.
Theo DKRA Group, lượng tiêu thụ trên là mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua. Hơn nữa, mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang. Thị trường thứ cấp ghi nhận mức giá giảm trung bình 15% - 20% so với giá hợp đồng, cục bộ có những dự án giảm sâu đến 40% - 50% nhưng vẫn gặp khó khăn trong thanh khoản.
Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng cũng không khá hơn khi nguồn cung tiếp tục sụt giảm. Hơn 97% nguồn cung sơ cấp trong quý đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ. Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động và tiếp tục xu hướng đi ngang.
“Thị trường tiếp tục gặp nhiều khó khăn về thanh khoản lẫn khả năng tăng giá khi niềm tin của nhà đầu tư, cũng như động thái phục hồi của phân khúc này vẫn còn rất thấp”, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án, DKRA Group chia sẻ.
Tiếp đến là phân khúc condotel, nguồn cung sơ cấp quý II/2024 tăng 51% so với cùng kỳ. Phần lớn nguồn cung đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án cũ (chiếm hơn 66%).
Đáng chú ý, nguồn cung mới cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, mức tăng hơn 25 lần so với cùng kỳ nhưng chỉ tập trung cục bộ tại một dự án ở Khánh Hòa. Theo đó, lượng tiêu thụ cũng tăng đột biến so với cùng kỳ (tăng 6,8 lần).
Tuy nhiên giao dịch chỉ tập trung chủ yếu tại một dự án ở Khánh Hòa, riêng những dự án cũ hầu hết đều có tình hình bán hàng chậm hoặc đóng giỏ hàng không ghi nhận phát sinh giao dịch. Giao dịch tập trung chủ yếu ở những dự án quy mô lớn với mức giá bán dưới 3 tỷ đồng/căn.
Dự báo về nguồn cung trong quý III/2024, đại diện DKRA Group cho biết, nguồn cung condotel sẽ giảm đáng kể so với quý trước. Nguồn cung tập trung phần lớn tại Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh.
Trong khi đó, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng không có nhiều biến động so với quý II. Sức cầu chung thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp, đà giảm dự kiến kéo dài đến hết năm 2024. Mặt bằng giá sơ cấp duy trì ổn định và khó có những biến động rõ nét trong ngắn hạn.
Trong dài hạn, các thành viên thị trường cho rằng, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã điều chỉnh và bổ sung các quy định mới liên quan đến thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Có thể kể đến như điều tiết nguồn vốn, thẩm định giấy phép, và phân loại rõ ràng các loại hình nhà ở như condotel, officetel trong Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, Luật cũng nghiêm ngặt về điều kiện kinh doanh bất động sản, năng lực của các chủ đầu tư, cũng như vấn đề đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này giúp giảm thiểu các vấn đề phát sinh khi các dự án được triển khai kinh doanh. Vì vậy, nguồn cung sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng dự kiến sẽ cải thiện khoảng 20% so với năm 2023 khi Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận