Một nền kinh tế toàn cầu “rất khác” sau đại dịch
COVID-19 đang làm thay đổi căn bản thế giới mà nhân loại từng biết, với sự phát triển của những xu hướng mới chẳng hạn như kinh tế “không tiếp xúc” hay kinh tế “thuê bao”.
Lối sống, cách làm việc và cả thói quen hay cách thức mua sắm, tiêu dùng hay giải trí của người dân đang có sự biến đổi lớn, trong khi các nhà bán lẻ và chuỗi cung ứng nhanh chóng đổi mới mô hình kinh doanh và thanh toán để thích ứng trong giai đoạn “bình thường mới”.
Trên thực tế, những xu hướng nói trên đã xuất hiện từ trước đại dịch. Và đại dịch COVID-19 được ví như "cú hích" cho việc đẩy nhanh các xu hướng kinh tế mới và định hình lại nền kinh tế; công nghệ hay các nền tảng kỹ thuật số là yếu tố cơ bản dẫn dắt những thay đổi này.
COVID-19 có lẽ là điểm ngoặt quyết định cho sự trỗi dậy của cái gọi là nền kinh tế “không tiếp xúc”, trong đó tập trung vào ba điểm chính là thương mại kỹ thuật số, chăm sóc sức khỏe từ xa (telemedicine) và tự động hóa với vai trò của robot một lần nữa lại được nhấn mạnh.
Nếu còn bất kỳ nghi ngờ nào về sự cần thiết của việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kỹ thuật số và vai trò của nền tảng kỹ thuật số trong sự vận hành của các doanh nghiệp hay hoạt động của người dân, thì đại dịch COVID-19 đã “dập tắt” những ý kiến đó.
Kết quả cuộc khảo sát hồi tháng Năm của hãng McKinsey cho hay số 75% người tiêu dùng lần đầu dùng các kênh kỹ thuật số, từ mua sắm, giải trí đến dịch vụ học và làm trực tuyến cho biết, họ vẫn sẽ tiếp tục sử dụng khi tình hình trở lại bình thường.
Môi trường làm việc và kinh doanh “không cần tiếp xúc”: Đại dịch COVID-19 đang mang lại những thay đổi chưa từng có đối với môi trường cũng như thói quen làm việc và lao động.
Các nhân viên được khuyến khích làm việc tại nhà và sau đó gửi các văn bản hay dự án của họ thông qua dịch vụ đám mây. Tính hiệu quả về công việc và tiết kiệm chi phí khiến một số công ty như Twitter thậm chí còn tuyên bố rằng nhân viên có thể làm việc tại nhà vô thời hạn.
Một loạt hoạt động khác cũng được chuyển lên môi trường trực tuyến như hội nghị, phỏng vấn tuyển dụng nhân viên mới, tư vấn khách hàng, marketing và giới thiệu sản phẩm qua hình thức video phát trực tiếp.
Nhu cầu về các công cụ họp trực tuyến như Zoom và Slack đều tăng trưởng mạnh chưa từng có, trong khi các công cụ chuyên về công việc văn phòng truyền thống hơn như Microsoft 365 ghi nhận nhu cầu tăng cao.
Điểm chung là những công cụ này đều dựa trên nền tảng đám mây. Công ty nghiên cứu thị trường MarketsandMarkets chỉ ra rằng trong hai năm tới, ngành công nghiệp điện toán đám mây sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 12,5%.
Hàn Quốc là một trong những nước châu Á đang đi đầu trong việc thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế “không tiếp xúc”, trái ngược với khái niệm nền kinh tế “tiếp xúc”. Đây cũng là một cột trụ chính trong gói kích thích kinh tế trị giá nhiều tỷ USD Hàn Quốc.
Nhân viên phục vụ trong các quán cà phê hay dọn dẹp tại các siêu thị là robot, khám bệnh từ xa hay xe tự hành đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, nhờ tỷ lệ truy cập Internet tại Hàn Quốc hiện ở mức cao nhất châu Á.
Khi cụm từ “đi khám bác sỹ” ngày ít được sử dụng: “Anh đã được kê thuốc điều trị rối loạn lipid máu dyslipidemia liều dùng trong 30 ngày, bây giờ anh cảm thấy thế nào?”, dược sỹ tại một cửa hàng thuốc ở Tokyo hỏi, bệnh nhân là một người đàn ông 40 tuổi. Tuy nhiên, cuộc trao đổi này không diễn ra ở quầy thuốc mà qua màn hình iPad.
Dịch COVID-19 là “cú hích” cho ngành y tế thích nghi với giai đoạn bình thường mới. Theo nghiên cứu của Forrester Research, khoảng 1 tỷ lượt thăm khám bác sỹ trực tuyến dự báo sẽ diễn ra trong năm nay riêng tại Mỹ, cao hơn 28 lần con số dự báo trước khi COVID-19 bùng phát.
Teladoc Health, một trong những nhà cung cấp dịch vụ y tế ảo hàng đầu của Mỹ, tính phí khám chữa bệnh từ 49 USD cho mỗi lần và nhà cung cấp này hiện có khoảng 43 triệu người sử dụng. KRY International của Thụy Điển, một trong những nhà cung cấp dịch vụ telemedicine lớn nhất châu Âu, đã ghi nhận lượng đăng ký tăng tới 200%.
Với những bệnh cần sự thăm khám của bác sỹ không nằm trong nhóm bệnh nguy hiểm, thì khám bệnh trực tuyến là lựa chọn lý tưởng. “Telemedicine” hứa hẹn sẽ tiếp tục “nở rộ” trong tương lai, bởi đây là giải pháp hữu hiệu để giảm tải cho bệnh viện khi tỷ lệ bác sỹ trên 10.000 người dân chỉ là 19 tại Trung Quốc, 26 tại Mỹ và 24 tại Nhật Bản, đồng thời rút ngắn thời gian đi lại và chờ đợi cho người dân.
Sự thay đổi mãi mãi thói quen và hình thức mua sắm, tiêu dùng? Các doanh nghiệp đang nhanh chóng lên các kế hoạch kinh doanh phù hợp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong giai đoạn bình thường mới. Hành vi của người tiêu dùng đang có sự biến đổi lớn và các doanh nghiệp cần nắm bắt được việc người tiêu dùng có được thông tin từ nguồn nào, họ mua những sản phẩm và dịch vụ gì và ở đâu, hay họ trải nghiệm hoạt động mua sắm như thế nào.
Việc hạn chế tới các cửa hàng để lựa chọn hàng hóa khiến xu hướng mua sắm dựa trên công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) được ưa chuộng. Số người tiêu dùng tìm đến các thiết bị AR và VR để thử kính mắt, quần áo và cả đồ nội thất đang tăng lên. Theo một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Coresight, chi tiêu tiêu dùng cho các công nghệ thực tế ảo dự kiến sẽ đạt con số 7 tỷ USD trong năm 2020.
Xu hướng giải trí mới và “nền kinh tế thuê bao” có thống trị trong tương lai? Trong một xã hội mà người dân dần quen với việc hạn chế ra ngoài và dành nhiều thời gian ở trong nhà, thì nhu cầu về các dịch vụ bán lẻ và dịch vụ giải trí trực tuyến có sự gia tăng mạnh mẽ.
Các dịch vụ giải trí theo dạng thuê bao như nền tảng xem phim trực tuyến Netflix, dịch vụ nghe nhạc Spotify hay các nền tảng chơi game như Steam đã có số lượng đăng ký mới nở rộ chưa từng có trong mùa dịch.
Báo cáo của công ty chuyên về phần mềm quản lý cho các doanh nghiệp thuê bao Zuora cho biết, lượng đăng ký mới của các dịch vụ xem phim trực tuyến tính tới hết quý I/2020 đã tăng gấp 7 lần so với 12 tháng trước đó, trong khi số thuê bao mới của nhóm dịch vụ tin tức trực tuyến, học tập trực tuyến cùng các phương tiện truyền thông khác tăng gấp 3 lần.
Các phương thức thanh toán ngày càng nhanh-gọn-tiện và “ít tiếp xúc”: Khi nỗi lo lây nhiễm dịch qua tiền mặt gia tăng cùng sự hạn chế đi lại của người dân, lượng sử dụng máy ATM để rút tiền giảm mạnh.
Các nước sử dụng nhiều tiền mặt như Đức và Nhật Bản lên các chương trình khuyến khích người dân sử dụng các phương thức thanh toán “không tiếp xúc” hay cân nhắc chiến lược thúc đẩy văn hóa không sử dụng tiền mặt.
Trong khi đó, các loại “ví ảo” như Apple Pay và Paypal có sự khởi sắc rõ rệt. Fintech Neobank (ngân hàng kỹ thuật số trực tuyến) tiếp tục mở rộng cơ sở người dùng, còn đồng tiền kỹ thuật số Libra của Facebook đang “chờ” cơ hội “cất cánh”.
Trong khi đó, siêu thị không quầy thanh toán không chỉ là tham vọng của Amazon mà hứa hẹn sẽ là mô hình được phổ biến trong tương lai. Tất cả việc bạn cần làm là quẹt mã QR tại cửa quay vào khu mua hàng, chọn hàng cho vào túi, và đi ra khỏi cửa hàng khi mua xong.
Mọi thao tác diễn ra nhanh chóng: Không mất thời gian xếp hàng tại quầy thanh toán và không cần tiền mặt. Khi bạn nhặt hàng vào giỏ, các mặt hàng này sẽ được tự động được nhập vào giỏ hàng ảo trên ứng dụng của Amazon.
Và nếu bạn để lại kệ bán hàng bất kỳ sản phẩm nào thì sản phẩm đó sẽ được tự động loại khỏi giỏ hàng ảo. Tài khoản Amazon của bạn sẽ bị tự động trừ tiền. Hình thức mua hàng không cần qua quầy thanh toán Amazon Go ban đầu được sử dụng tại các cửa hàng tiện lợi và hiện đang đưa vào thử nghiệm tại một số siêu thị của Amazon tại Mỹ.
* Cung ứng hàng hóa vận hành theo cách thức mới
Kể cả sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều khả năng các trung tâm logistics cấp khu vực sẽ còn trở nên phổ biến hơn. Để tránh phụ thuộc vào một nguồn duy nhất cũng như thiết lập chuỗi cung ứng linh hoạt có khả năng thích ứng cao, các nhà chế tạo, nhà hỗ trợ hệ thống thứ cấp và những công ty cung cấp linh phụ kiện sẽ sản xuất, lắp ráp và giao hàng từ ngay chính nhà xưởng của họ.
Xu hướng khu vực hóa đã bắt đầu từ vài năm trước khi chi phí nhân công lao động tại Trung Quốc gia tăng. Tuy nhiên, hoạt động chuyển dịch diễn ra khá khó khăn do một phần lớn chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đặt tại Trung Quốc và chi phí cho quá trình này khá cao. Dù vậy, rủi ro nguồn cung bị đứt chuỗi như trong giai đoạn đầu dịch COVID-19 bùng phát cho thấy những chi phí này là đáng giá.
Với COVID-19, mô hình kinh doanh toàn cầu theo hướng phân tán, tối ưu hóa để giảm chi phí xuống mức tối thiểu đã chấm dứt. Khi khối lượng hàng hóa gia tăng mạnh mẽ, chuỗi cung ứng phải trở nên thích ứng hơn, đặc biệt là khi xảy ra thiên tai (hỏa hoạn, lũ lụt, sóng thần), đại dịch, bất ổn xã hội.
Những thay đổi lớn và bất ngờ về khối lượng hàng hóa khiến các mô hình thống kê không xử lý nổi. Mặc dù các nhà cung ứng vẫn cần những tầm nhìn được tính toán kỹ lưỡng để có thể đưa ra quyết định, song các quyết định quan trọng vẫn nên được thực hiện một cách thủ công. Nói cách khác, yếu tố con người sẽ vẫn là chìa khóa trong việc tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu trong cuộc khủng hoảng này, thậm chí còn xa hơn nữa.
Cùng với những sự đổi khác về cách thức làm việc, phương thức mua sắm tiêu dùng, giải trí…, các logic giao dịch trên thị trường tài chính giờ cũng khác trước và các nhà đầu tư từ nay sẽ phải thay đổi tư duy để nắm bắt các xu hướng giao dịch mới trên thị trường.
Xu hướng phổ biến nhất là “đa dạng hóa danh mục đầu tư”. Giới đầu tư đang và sẽ bán ra những nhóm cổ phiếu thuộc các lĩnh vực dễ bị tổn thương như bán lẻ, hàng không, khách sạn hoặc du lịch.
Song song với đó, thị trường có xu hướng chuyển sang “ủng hộ” các ngành và doanh nghiệp có khả năng chống chịu trước các yếu tố bất lợi. Trong giai đoạn tới, nhà đầu tư sẽ ưu tiên chuyển sang nhóm cổ phiếu thuộc các lĩnh vực công nghệ như công nghệ y tế, công nghệ thực phẩm và công nghệ tiêu dùng.
Một câu hỏi lớn cho các nhà đầu tư trên toàn cầu là đầu tư vào đâu là an toàn nhất. Rất đơn giản, mua theo các tài sản tài chính mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) đã mua.
Báo cáo hồi tháng Năm cho thấy Fed không chỉ mua trái phiếu của các công ty đang gặp khó khăn do đại dịch mà còn của một số công ty lớn như Microsoft, Visa và Home Depot và của nhiều công ty khác, bao gồm các tên tuổi lớn như Apple và Goldman Sachs, một cách gián tiếp thông qua các quỹ ETF.
Giới đầu tư cũng“né tránh” đầu tư vào các cổ phiếu có yếu tố bất ổn, chẳng hạn như các cổ phiếu liên quan tới Liên minh châu Âu (EU), thị trường mới nổi, năng lượng và tài chính do những yếu tố bất ổn tiềm ẩn của nhóm này.
Thị trường tín dụng châu Á đang nổi lên như là một địa chỉ đáng tin cậy và hấp dẫn đối với những nhà đầu tư đang muốn tìm kiếm lợi nhuận một cách chắc chắn. Các nền kinh tế châu Á được đánh giá là ổn định hơn so với các đối tác của họ ở các khu vực khác trên thế giới, phần lớn là do sức mạnh kinh tế tiềm ẩn cũng như sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ và sự phối hợp của các chính phủ.
Bên cạnh đó, đại dịch cũng tạo đà cho xu hướng đầu tư có trách nhiệm gia tăng. Nhà đầu tư cân nhắc những nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội, đồng thời tăng cường quản trị công ty của một doanh nghiệp được gọi là đầu tư ESG (ESG Investing). Cách tiếp cận đầu tư này đã dần phổ biến hơn và đang tiếp tục mở rộng ảnh hưởng.
Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp trên quy mô toàn cầu và chắc chắn sẽ còn mang tới nhiều thử thách cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, đây cũng là thời điểm để người dân, doanh nghiệp và cách chính phủ điều chỉnh hoạt động để hướng tới một tương lai mới bền vững hơn trong một bức tranh kinh tế toàn cầu đang thay đổi./.
>>Bài 4: Nhận định chuyên gia: Kinh tế “mềm dẻo” để thích ứng với trật tự mới
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận