24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Duyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Một năm từ đỉnh xuống vực sâu của tiền số

Thị trường tiền số mất hơn 2.000 tỷ USD giá trị sau khi Bitcoin đạt đỉnh 68.000 USD vào đúng tuần này của tháng 11/2021.

Tròn một năm trước, các chuyên gia và nhà đầu tư còn đang mô tả Bitcoin là tương lai tiền tệ, còn Ethereum là công cụ phát triển quan trọng nhất thế giới. NFT bùng nổ, trong khi các giao dịch trên Coinbase liên tục thiết lập kỷ lục.

12 tháng sau, hai loại tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã mất 3/4 giá trị. Ngành công nghiệp từng có giá trị 3.000 tỷ USD giờ chỉ còn khoảng 900 tỷ USD. Thay vì được coi là phương án đối phó lạm phát, Bitcoin trở thành tài sản đầu cơ bị thổi giá trong giai đoạn cao điểm và lao dốc không phanh khi các nhà đầu tư lo sợ.

Một năm từ đỉnh xuống vực sâu của tiền số
Các đồng xu minh họa một số loại tiền số phổ biến. Ảnh: Reuters

Chỉ trong vài ngày, sàn tiền số lớn thứ ba thế giới FTX, một trong những đế chế lớn mạnh nhất thị trường tiền mã với giá trị 32 tỷ USD, sụp đổ và phải nộp đơn phá sản Người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried từ tỷ phú giàu thứ hai thế giới tiền số đã trắng tay, thừa nhận mắc nhiều sai lầm và từ chức CEO.

"Khi nhìn lại, sự hào hứng và giá trị tài sản rõ ràng đã bị đẩy quá cao so với giá trị thực. Đà lao dốc quá nhanh, khiến nhiều người tuyên bố các tài sản kỹ thuật số đã chết", Katie Talati, Giám đốc nghiên cứu tại công ty đầu tư Arca, nhận xét.

Không ai có thể chắc chắn lĩnh vực tiền số sẽ phục hồi hay không, nhưng cú lao dốc kéo dài một năm qua đã phơi bày điểm yếu của lĩnh vực này, đồng thời nhắc nhở giới đầu tư về lý do nên tồn tại các quy định kiểm soát tài chính. Hàng loạt vụ phá sản đã xảy ra trong những tháng qua, từ Terra/Luna, Voyager Digital cho đến FTX, khiến người sở hữu tiền số không thể truy cập tài khoản, không có cách nào thu lại tiền đầu tư.

"Chúng tôi như đang mắc kẹt trong chuỗi quan hệ rối loạn với tiền số và muốn thoát ra. Đã đến lúc ngành này cần trưởng thành và đón nhận sự quản lý. Tương lai của ngành là tài sản được đăng ký và giao dịch trên những sàn có kiểm soát, nơi mọi người được bảo vệ", Michael Saylor, Chủ tịch MicroStrategy, công ty công nghệ đang sở hữu 130.000 Bitcoin, nói.

Giá trị Bitcoin rơi xuống mức thấp nhất hai năm qua, ở mức 15,7 nghìn USD. Ethereum và Solana rơi vào cảnh tương tự, trong khi những tài sản gắn liền với tiền số cũng mất giá. Sàn giao dịch Coinbase tuần trước thông báo giảm 50% doanh thu quý III/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, thiệt hại 545 triệu USD. Họ từng phải sa thải 18% nhân viên hồi tháng 6.

Đà suy giảm tiền số bắt đầu từ cuối năm 2021 khi tỷ lệ lạm phát tăng cao và mọi người tìm đến các tài sản an toàn hơn. Đợt bán tháo tiếp diễn từ tháng 1, khiến Bitcoin mất thêm 17% giá trị và Ethereum tụt 26%. David Marcus, cựu Giám đốc phụ trách tiền số tại Meta, nhận định ngày 24/1:"Trong mùa đông tiền số, những doanh nhân giỏi nhất sẽ xây dựng những công ty tốt hơn. Đây là lúc tập trung giải quyết vấn đề thực tế, thay vì bơm thổi token".

Nhưng mùa đông tiền số không diễn ra ngay, thị trường thậm chí ổn định trở lại. Phải đến tháng 5, cú sốc xảy ra khi UST và Luna mất giá trị, khiến người dùng hoảng loạn. Hơn 40 tỷ USD tài sản bị xóa sổ khi Luna sụp đổ, không ít người mất niềm tin vào tiền số.

Cú sập Luna khiến Bitcoin còn chưa đầy một nửa giá trị so với sáu tháng trước đó. Nền tảng Celsius đình chỉ rút tiền vì "tình trạng thị trường cực đoan". Sàn giao dịch Binance cũng ra quyết định tương tự, trong khi BlockFi cắt giảm 20% nhân lực. Bitcoin trải qua tháng tồi tệ khi mất 38% giá trị, còn Ethereum cũng lao dốc hơn 40%.

Tiếp đó là hàng loạt vụ phá sản.

3AC, một trong những quỹ đầu tư tiền điện tử lớn nhất thế giới và có giai đoạn quản lý 10 tỷ USD tài sản, đệ đơn phá sản lên tòa án liên bang Manhattan hôm 1/7 do không còn khả năng trả nợ vì đổ tiền vào Luna và UST. Động thái này trực tiếp tác động đến thị trường và khiến khủng hoảng tiền số càng lan rộng. Sau 3AC là đến lượt hãng môi giới tiền số Voyager Digital và Celsius.

Vào giai đoạn đó, Sam Bankman-Fried được xem là cứu tinh của ngành tiền số, khi quyết định bỏ hàng tỷ USD cứu các công ty trên đà suy giảm. Tuy nhiên, cú lao dốc của FTX cũng bắt đầu từ đây do các thương vụ được thực hiện thông qua công ty con Alameda Research đều thua lỗ.

Nhận thấy sự bất ổn và như một "bước quản lý rủi ro cần thiết", ngày 7/1, CEO Binance Changpeng Zhao xác nhận thanh lý toàn bộ token FTT của FTX. Điều này đã kích hoạt những đợt bán tháo lớn, đẩy giá token từ 22 USD xuống chỉ còn 3 USD sau một đêm.

Sau khi tuyên bố phá sản vào tối 11/11, Bankman-Fried từ vị cứu tinh trở thành tội đồ và đối mặt án tù. Ryan Gilbert, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Launchpad Capital, cho rằng thế giới tiền số đang trải qua khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng sau cú sốc FTX. Trong một thị trường không có ngân hàng trung ương và các biện pháp bảo đảm, niềm tin chính là yếu tố quan trọng nhất.

"Vấn đề là niềm tin với tiền số còn tồn tại trong giai đoạn này hay không. Khái niệm niềm tin đang sụp đổ giống như sự sụp đổ của hàng loạt công ty tiền số thời gian qua", ông nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả