24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Duyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Một năm "ba chìm bảy nổi" đầy biến động của giá vàng 2022

Cùng nhìn lại một năm đầy biến động của giá vàng trong năm 2022

Nhìn lại một năm nắm giữ, giá vàng đang cùng lúc chịu sự chi phối của nhiều yếu tố; vàng trong nước bình quân tăng 5,74% trong năm 2022.

Trải qua một năm nhiều thăng trầm, giá vàng thế giới đang dao động bình quân ở mức 1.804,19 USD/ounce, tăng 4,18% so với tháng 11/2022.

Trở về lại 6 tháng đầu năm, thị trường vàng biến động không ngừng, trong bối cảnh liên tục chịu ảnh hưởng từ kinh tế từ bên ngoài cũng như sự thay đổi về chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia nhằm giảm áp lực lạm phát.

Một năm "ba chìm bảy nổi" đầy biến động của giá vàng 2022

Giá vàng tăng mạnh nhất trong khoảng đầu tháng 3 đến cuối tháng 4, khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine gây lên nhiều lo ngại về bất ổn kinh tế, nhưng giá kim loại quý lại bắt đầu suy thoái từ đầu tháng 5/2022.

Giới đầu tư toàn cầu mỗi lần nhìn giá vàng tăng cao quá, “đi” lệnh short đều bị đà tăng phi mã của giá vàng xô ngã. Lúc này, nhiều nhận định cho rằng vàng sẽ giữ mức giá cao rất lâu, cao mãi và là hầm trú ẩn lạm phát, là “chỗ chứa” tài sản khi mọi thứ khác trở nên mong manh.

Tại thời điểm đó, các chuyên gia nhận định "bao trùm trong năm tới sẽ là vấn đề lạm phát và chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)".

Nhưng, giá vàng dường như đã đi xa ngoài tầm dự đoán của tất cả mọi người. Kết thúc phiên giao dịch tuần cuối tháng 9/2022, vàng chính thức "rơi khỏi tầm với". Đúng như dự đoán của các ngân hàng lớn đều đưa ra, giá vàng giảm mạnh về dưới mốc 1.800 USD và xuống vùng giá quanh 1.600 USD/ounce tương đương giảm 22% chỉ trong vài tháng.

Về cuối năm 2022, gvàng thế giới đang cùng lúc chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, gồm diễn biến tỷ giá đồng USD, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và tình hình ở Trung Quốc sau khi nước này tiếp tục nới lỏng các hạn chế chống Covid-19...

Sự giằng co của các yếu tố này khiến giá vàng bị ghìm quanh ngưỡng 1.800 USD/oz thời gian gần đây, gần như “về mo” nếu so với mức giá của thời điểm đầu năm.

FED đã tăng lãi suất 7 lần

Một năm "ba chìm bảy nổi" đầy biến động của giá vàng 2022

Tính từ đầu năm đến nay, FED đã tăng lãi suất 7 lần trong nỗ lực giảm bớt nhu cầu và kiềm chế lạm phát leo thang, với các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như nhà ở đã "lao đao" vì chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng này.

Cuối 2021, họ dự định tăng lãi suất 3 lần năm 2022, đưa lãi suất lên 0,9%. Nhưng thực tế là họ gần như sẽ kết thúc năm nay với 7 lần tăng, đưa lãi suất cơ bản lên 4,25-4,5%. Lý do được đưa ra là lạm phát cao bất ngờ, cuộc chiến ở Ukraine và thị trường lao động thắt chặt đáng kể.

Cứ sau vài tháng, Fed lại điều chỉnh mạnh dự báo về hướng đi của nền kinh tế, đồng thời hạ thấp kỳ vọng về các chỉ số quan trọng như lạm phát, tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động.Trong bài phát biểu tại Viện Brookings tháng trước, ông Powell thừa nhận Fed "không có kinh nghiệm" dự báo sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã góp phần thúc đẩy lạm phát như thế nào.

Điều này có nghĩa Fed sẽ phải đánh giá toàn diện hơn những gì đang xảy ra trong nền kinh tế và xác định chính xác các điều kiện cần thiết để giảm lạm phát, thay vì chỉ dựa vào các mô hình sẵn có trước đây. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra các dự báo, nhưng sẽ phải thận trọng và hoài nghi về các dự báo trong một thời gian. Điều đó đòi hỏi tăng cường quản trị rủi ro", ông Powell nói.

Trong những thời điểm bình thường - không có đại dịch hay chiến tranh - các dự báo sẽ không thay đổi nhiều. Nhưng 2022 không phải là thời gian bình thường.

Một năm "ba chìm bảy nổi" đầy biến động của giá vàng 2022

Những dự báo đầu tiên của năm được công bố vào tháng 3, khi Fed bắt đầu tăng lãi suất lần đầu kể từ đại dịch, thêm 25 điểm cơ bản. Vào thời điểm đó, họ cho rằng năm 2022 sẽ cần 7 lần tăng lãi suất, tăng so với 3 lần tuyên bố vài tháng trước. Lạm phát sẽ lên 4,3%, còn kinh tế sẽ tăng trưởng 2,8%.

Đến tháng 6, khủng hoảng Ukraine giáng đòn mạnh vào thị trường năng lượng toàn cầu và lạm phát vẫn đi lên. Fed tăng cường cuộc chiến chống lạm phát và cho biết lãi suất có thể tăng lên 3,4%, điều chỉnh dự báo lạm phát lên 5,2%. Tăng trưởng giảm xuống còn 1,7% và tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm nhẹ.

Sang tháng 9, khi vẫn buộc phải tăng lãi, Fed dự kiến có suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và tăng trưởng kinh tế chỉ còn 0,2%. Họ cũng ra tín hiệu lãi suất sẽ vượt 4% và tiếp tục tăng trong năm tới. Đây là thay đổi lớn trong cách hoạch định chính sách của Fed.

Năm qua, nền kinh tế đã không đi theo cách mà Fed mong đợi. Nhưng thông điệp của Powell từ cuối năm 2021 vẫn đúng, và có thể vẫn là dự đoán cho năm 2023, thậm chí xa hơn. Fed dự kiến sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong cả năm 2023 và chỉ bắt đầu giảm vào năm 2024. Fed dự báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng lên mức 5,1%, tương ứng với khoảng giới hạn 5-5,25%.

Fed đã kỳ vọng thông qua công cụ lãi suất để giúp cho nền kinh tế “hạ cánh mềm” - tức là giảm được lạm phát, nhưng vẫn tạo ra nhiều việc làm, thu nhập. Như vậy, nền kinh tế thế giới sẽ không bị tác động mạnh bởi những đợt tăng mạnh lãi suất của Fed và có thể đạt tăng trưởng trở lại với với mức tăng nhẹ.

"Cá mập" liên tục thao túng thị trường vàng

Một năm "ba chìm bảy nổi" đầy biến động của giá vàng 2022

Trong vòng sáu tháng từ tháng 3/2020, SPDR Gold Trust thu mua lượng lớn vàng, đưa lượng sở hữu tăng lên mức cao nhất một năm qua là 1.073,44 tấn.

Đến ngày 17/5, SPDR Gold Trust - sau khi liên tục bán ròng từ cuối tháng 4 với 45,34 tấn vàng thì 19/5 quỹ này quay lại mua ròng gần 7 tấn.

Từ đầu tháng 6/2022, quỹ đầu tư vàng ETF lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã có 4 phiên bán ròng liên tục với số lượng 14,5 tấn vàng. Điều này đưa lượng vàng đang sở hữu tại SPDR Gold Trust xuống còn 1.061,94 tấn và là mức thấp nhất từ đầu tháng 6.

Sau khi bán ròng gần 10 tấn vàng trong tháng 7/2022, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust lại bán ròng liên tiếp trong liên tiếp đưa mức nắm giữ về 984,4 tấn vàng.

Tháng 9/2022, quỹ bán 1,5 tấn vàng, giảm nắm giữ còn 939,7 tấn vàng. Trong nửa tháng, quỹ đã bán hơn 20 tấn vàng.

Đến 10/12 quỹ này tiếp tục mua ròng hơn 2 tấn vàng, nâng mức nắm giữ lên 910,4 tấn. Trong 3 ngày tiếp đó quỹ “cá mập” này gom khoảng 2,7 tấn vàng, nâng mức nắm giữ lên 912,7 tấn vàng.

Cho đến nay, SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm 0,1% xuống 913,01 tấn.

Sự gia tăng trong trữ lượng vàng cũng khẳng định sức ảnh hưởng ngày càng lớn của SPDR Gold Trust tới thị trường vàng thế giới. Rủi ro các kênh đầu tư cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 giúp vàng trở nên hấp dẫn.

Trước bối cảnh kinh tế bị đe dọa bởi lạm phát và chiến tranh giữa Nga – Ukraine, vàng một lần nữa trở thành điểm trú ẩn của nhà đầu tư. Bắt đầu từ cuối tháng Hai năm nay, SPDR Gold Trust lặp lại luồng quay tích trữ, giá vàng cũng lên cao xấp xỉ kỷ lục của năm 2020.

Dữ liệu được tổng hợp bởi Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, nhu cầu đối với kim loại quý trong năm 2022 là lớn nhất trong 55 năm qua. Các ước tính mua vàng của tháng 11 cũng lớn hơn nhiều so với số liệu được báo cáo chính thức của các ngân hàng trung ương, làm dấy lên suy đoán trong ngành về danh tính của người mua và động cơ của họ.

WCG ước tính các tổ chức tài chính chính thức của thế giới đã mua vào 673 tấn vàng trong 9 tháng đầu năm. Và chỉ riêng trong quý ba, các ngân hàng trung ương đã mua gần 400 tấn vàng, mức mua ròng lớn nhất trong ba tháng kể từ khi kỷ lục hàng quý được thiết lập kể từ năm 2000.

Các ước tính thận trọng từ WGC vượt xa lượng mua được báo cáo của IMF và của các ngân hàng trung ương riêng lẻ, ở mức 333 tấn trong 9 tháng đầu năm 2022.

Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu lượng mua vào trong quý 3 với 31 tấn, chiếm khoảng 29% tổng dự trữ. Uzbekistan theo sau với 26 tấn. Trong khi đó, vào tháng 7, Qatar đã nhập khẩu lượng vàng nhiều nhất kể từ năm 1967.

Đầu tháng 12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo vào tháng 11, họ đã tăng dự trữ 32 tấn, trị giá khoảng 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, những người trong ngành vàng cho biết sức mua thực sự của Trung Quốc chắc chắn cao hơn.

Theo ngân hàng tư nhân Julius Baer ở Thụy Sĩ, nước này đã giảm lượng nắm giữ Trái phiếu Kho bạc Mỹ xuống chỉ còn 2 tỷ USD từ hơn 150 tỷ USD của năm 2012, đồng thời tăng dự trữ vàng thêm 1.350 tấn, trị giá gần 80 tỷ USD theo giá hiện hành.

Giá vàng trong nước chênh lệch so với thế giới

Trong năm 2022, hầu như giá vàng trong nước diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới. Từ đầu năm, giá vàng trong nước bắt đầu leo thang và đạt đỉnh vào phiên 09/03 sau khi vàng thế giới vượt mốc 2,000 USD/oz, với giá mua vào/bán ra tương đương 70.5 - 72.32 triệu đồng/lượng.

Sau đó, giá vàng trong nước đổ đèo về mức giá 67.3 - 69.02 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào/ bán ra vào phiên 15/03. Suốt thời gian sau đó, dù giá vàng thế giới có lao dốc, giá vàng trong nước vẫn duy trì đi ngang.

Tính đến sáng 30/12/2022, giá vàng miếng SJC tại Eximbank mua vào - bán ra với giá 66.0 - 66.7 triệu đồng/lượng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào - bán ra với giá 65.9 - 66.7 triệu đồng/lượng.

Một năm "ba chìm bảy nổi" đầy biến động của giá vàng 2022

Biểu đồ giá vàng SJC trong nước từ đầu năm đến phiên 30/12/2022

Giá vàng miếng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 13 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, chênh lệch giá mua vào - bán ra giữ ở mức khoảng 1 triệu đồng/lượng, khiến vàng trong nước bớt hấp dẫn nhà đầu tư.

Người dân cũng không phải "gà", họ nhìn thấy sự chênh vênh vô lý giữa giá vàng trong nước, quốc tế, nhìn thấy vàng đã chênh vênh giá cao lại còn không được trả lãi suất như gửi tiết kiệm nên đương nhiên, từ nửa năm trước cho đến nay, tiệm vàng vắng bóng người mua! Nếu mua cao, họ có thể bị lỗ ngay lập tức khi mua và con đường về bờ xa vời.

Những ngày gần đây, giá vàng miếng trong nước nhìn chung không theo sát diễn biến của giá vàng thế giới, thậm chí nhiều lúc “lệch pha” với giá quốc tế. Giới kinh doanh vàng nói rằng đó là do tình hình nhu cầu vàng trong nước cuối năm biến động nhiều hơn.

Giải thích cho việc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới đã không còn lạ từ nhiều năm nay. Theo các chuyên gia lý giải, dựa vào Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị được Chính phủ giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.

Đồng thời, chỉ có Nhà nước mới được xuất - nhập khẩu vàng nguyên liệu, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp. NHNN hiện chỉ cấp phép nhập khẩu cho một vài doanh nghiệp, vì thế nguồn cung vàng trong nước bị hạn chế. Thêm vào đó, tình trạng lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia và sản xuất đình trệ, vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền của các nhà đầu tư.

Về phía NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN cho biết, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp. Ngoài ra, Nghị định 24 góp phần ổn định tâm lý của người dân, duy trì giá trị VNĐ thông qua việc kiểm soát chặt lạm phát nên người dân chuyển hóa một lượng lớn vàng vật chất sang tiền VNĐ và dùng nó để tạo ra nguồn lực đầu tư, tái đầu tư cho nền kinh tế.

Robert Kiyosaki, tác giả cuốn "Cha giàu cha nghèo", cho rằng khi thị trường chuẩn bị kết thúc một năm đầy biến động, đây có thể là cơ hội cuối cùng để mua vàng giá thấp.

Một năm "ba chìm bảy nổi" đầy biến động của giá vàng 2022

Vì là một loại hàng hoá nên giá vàng cũng bị ảnh hưởng, tác động bởi các đồng tiền nội tệ và ngoại tệ mua nó mà ở đây chủ yếu là đồng USD. Chính vì thế, việc biến động đồng USD cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giá vàng.

Thị trường kim loại quý được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã giảm trượt mốc 104 điểm.

Tuy vàng được coi là sự đặt cược an toàn trong thời kỳ kinh tế bất ổn và có dấu hiệu suy thoái, nhưng lãi suất USD cao hơn sẽ là lựa chọn của traders trong việc nắm giữ tài sản đang tăng phi mã hay tài sản là hầm trú.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng mạnh lãi suất với nỗ lực kìm hãm lạm phát, nhất là sau khi xung đột giữa Nga - Ukraine khiến giá cả thực phẩm và năng lượng leo thang. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 sau phiên họp 17/03 để kiềm chế lạm phát.

Những động thái này đã đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong 2 thập niên, khiến đồng USD trở thành kênh trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư đang tìm cách phòng tránh suy thoái. Khi giá trị đồng bạc xanh tăng lên, cũng ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chứng khoán và vàng - những thị trường được định giá bằng USD.

Sau khi tạo đáy, giá vàng thế giới bắt đầu chu kỳ hồi phục khi căng thẳng giữa Nga - Ukraine hạ nhiệt, làm giảm sức hấp dẫn của đồng USD. Hiển nhiên khi đồng USD suy yếu, vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài.

Cùng với rủi ro nền kinh tế tăng, thì trong thời gian qua các ngân hàng trung ương đã đẩy mạnh dự trữ vàng thay vì dự trữ đồng USD. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương đã mua vào gần 400 tấn vàng trong quý III/2022, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tính trong 9 tháng 2022, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng mức dự trữ vàng lên 673 tấn, cao nhất kể từ năm 1967.Do đó, theo dự báo của chuyên gia, năm 2023 giá vàng vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ. Trong đó, kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, dẫn đến nhu cầu mua vàng tăng cao.

Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu trong quý III năm nay đạt 1.181 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu tăng mạnh đã đưa tổng số vàng tiêu thụ từ đầu năm đến nay lên mức cao tương đương trước đại dịch Covid-19.

Theo WGC, tại thị trường Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ vàng đạt 12 tấn trong quý III/2022, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhu cầu vàng thỏi và xu vàng đạt 8,5 tấn (so với 2,4 tấn quý III/2021), số vàng còn lại chủ yếu vàng trang sức. Lượng vàng trang sức tiêu thụ tính ra là 3,5 tấn so với cùng kỳ năm ngoái (0,9 tấn).

Chuyên gia nghiên cứu thị trường cấp cao tại WGC đánh giá, bất chấp nền kinh tế vĩ mô không ổn định, nhu cầu tiêu thụ trong năm nay cho thấy, vàng vẫn giữ vị thế là một tài sản trú ẩn an toàn.

"Nhu cầu vàng của các nhà đầu tư đã yếu đi trong hầu hết năm 2022 khi Fed bắt đầu chu kỳ thắt chặt mạnh mẽ nhất trong 40 năm nhằm nỗ lực hạ nhiệt lạm phát, đạt mức cao nhất trong 40 năm. Tuy nhiên, thị trường vàng đã thay đổi mối quan tâm của nhà đầu tư khi dường như Fed sắp kết thúc chính sách tiền tệ mạnh mẽ của mình. Các ngân hàng trung ương sẽ xoay trục trong việc tăng lãi suất và trở nên ôn hòa hơn trong năm 2023. Điều này sẽ kích hoạt một động thái bùng nổ đối với vàng trong nhiều năm tới."

Một năm "ba chìm bảy nổi" đầy biến động của giá vàng 2022
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả