24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Chín
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Một liều vaccine ngừa COVID-19 đáng giá bao nhiêu?

Cuộc chiến của các hãng dược toàn cầu nhằm đảm bảo nguồn cung đang làm dấy lên những lo ngại xoay quanh sự công bằng trong khả năng tiếp cận vaccine.

MODERNA

Các hãng dược phẩm và một loạt các trung tâm nghiên cứu trên toàn cầu vẫn đang nỗ lực tạo ra một loại vaccine an toàn và hiệu quả để đặt dấu chấm cho đại dịch COVID-19 - thứ đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,3 triệu người trên thế giới.

Việc Tập đoàn Dược phẩm Pfizer mới đây công bố vaccine COVID-19 của họ có hiệu quả đến 95%, an toàn và bảo vệ những người lớn tuổi có nguy cơ tử vong cao nhất, đang tạo ra sự lạc quan cho nước Mỹ và châu Âu – trong bối cảnh hệ thống y tế tại những quốc gia này, một lần nữa, bị đẩy lên đỉnh điểm khi làn sóng COVID-19 lần thứ hai bùng phát.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trước khi vaccine COVID-19 có thể chính thức được sử dụng rộng rãi trên thị trường. Cuộc chiến của các hãng dược phẩm toàn cầu nhằm đảm bảo nguồn cung đang làm dấy lên những lo ngại xoay quanh sự công bằng trong khả năng tiếp cận vaccine, khi mà các công ty dược phẩm nắm trong tay quyền quyết định đối tượng và thời gian được mua vaccine. Quá trình phân phối, bảo quản, đặc biệt là chi phí vaccine ngừa COVID-19, vẫn đang là bài toán lớn.

Công ty Công nghệ sinh học Moderna của Mỹ mới đây tuyên bố vaccine ngừa COVID-19 của họ có hiệu quả hơn 94% trong việc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2, bao gồm hai liều tiêm cách nhau một tháng. Thông báo này được đưa ra chỉ một tuần sau khi Pfizer và BioNTech nghiên cứu thành công một loại vaccine có độ hiệu quả tương tự, sản xuất bởi công nghệ hoàn toàn mới RNA - sử dụng một đoạn mã di truyền của virus SARS-CoV-2 để kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Moderna cho biết vaccine sẽ được bảo quản ổn định từ 36 đến 46 độ F trong tối đa 30 ngày, hoặc tối đa 6 tháng ở âm 4 độ F. Hồi tháng 8, Moderna cho biết họ sẽ bán vaccine với giá từ 32 đến 37 USD mỗi liều cho một số đối tượng khách hàng cụ thể. Trong đó, những đơn đặt hàng số lượng lớn sẽ được tính phí mỗi liều thấp hơn.

Mặc dù vậy, mức giá này vẫn được cho là khá cao so với những loại vaccine của các hãng dược khác. Chương trình Phân bổ vaccine công bằng COVAX của Liên Hợp Quốc cho biết sẽ hỗ trợ quá trình triển khai vaccine tại những quốc gia có thu nhập thấp. Tuy nhiên, với mức giá vừa được công bố, nhiều người vẫn sẽ không đủ khả năng chi trả.

Moderna dự kiến sẽ cung cấp khoảng 20 triệu liều vaccine cho người dân Mỹ vào cuối năm nay, đồng thời tham vọng sản xuất thành công từ 500 triệu đến 1 tỷ liều vaccine cho toàn cầu vào năm 2021. Theo dữ liệu từ Đại học Duke, Canada hiện đã đặt trước 56 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, Vương quốc Anh đã mua 50 triệu liều và Thụy Sĩ mua 4,5 triệu liều.

PFIZER-BIONTECH

Theo tờ Wall Street Journal, hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) mới đây tuyên bố vaccine của họ đạt hiệu quả tới 95% trong việc ngăn ngừa nhiễm virus SARS-CoV-2, với hai liều cách nhau 21 ngày. Thông báo này được đưa ra chỉ sau một tuần khi hãng dược phẩm này tiết lộ kết quả thử nghiệm đầy hứa hẹn cho hiệu quả hơn 90%.

Không giống như Moderna, vaccine của Pfizer và BioNTech cần nhiệt độ bảo quản là âm 94 độ F thông qua những thiết bị đặc biệt. Điều này có thể sẽ khiến một số quốc gia gặp khó khăn trong quá trình phân phối vaccine. Vaccine có thể được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ tiêu chuẩn thông thường trong vòng 5 ngày.

Hai chục chiếc container dự kiến sẽ vận chuyển khoảng 7,6 triệu liều vaccine mỗi ngày, phân phối từ Kalamazoo, Michigan và Puurs (Bỉ) tới các sân bay lân cận.

Pfizer cũng cho biết hãng đã chọn 4 bang của Mỹ là Rhode Island, Texas, New Mexico và Tennessee cho chương trình thử nghiệm vận chuyển vaccine do sự khác nhau về diện tích bang, mật độ dân số và cơ sở hạ tầng hỗ trợ tiêm chủng. Mục tiêu sau cùng là giải quyết được những vướng mắc liên quan đến quá trình vận chuyển vaccine về các kho lạnh.

Pfizer tính phí 20 USD cho mỗi liều vaccine, thấp hơn rất nhiều so với Moderna. Pfizer và BioNTech hiện đã đạt thỏa thuận với một số quốc gia. Trong đó, Liên minh châu Âu tính đến ngày 11/11 đã đặt trước 300 triệu liều vaccine, Nhật Bản đồng ý mua 120 triệu liều và Mỹ mua 100 triệu liều. Anh, Canada, Australia và Chile đều đã đặt mua ít nhất 10 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm này.

Hiện vaccine vẫn đang trong quá trình chờ được cấp phép bởi Cục Quản lý Thực và Dược phẩm Mỹ (FDA).

ASTRAZENECA-OXFORD

AstraZeneca - hãng dược phẩm lớn của Vương quốc Anh cũng đang hợp tác cùng Đại học Oxford nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19. AstraZeneca cho biết vaccine của họ đã tạo ra phản ứng miễn dịch tương tự ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Những tác dụng phụ trước đây đối với người cao tuổi cũng được ghi nhận với tỷ lệ thấp hơn nhiều.

Theo hãng tin Reuters, AstraZeneca dự kiến ​​sẽ bổ sung những thành phần cuối cùng vào công thức vaccine của mình để chúng có thể được bảo quản ở nhiệt độ lạnh thông thường. Mỹ và Ấn Độ hiện đã đồng ý mua 500 triệu liều từ AstraZeneca, EU cam kết mua 400 triệu liều, trong khi COVAX đặt trước 300 triệu liều. Vương quốc Anh, Nhật Bản, Indonesia, Brazil và Mỹ Latinh, ngoại trừ Brazil, đều đã xác nhận sẽ mua ít nhất 100 triệu liều.

Theo tờ Financial Times, vaccine của AstraZeneca-Oxford có giá khoảng 3-4USD. Công ty cho biết sẽ bán vaccine với giá không lợi nhuận, "miễn là tất cả các đơn đặt hàng này được giao đến tay người nhận trong vài tuần, hay vài tháng tới".

Dù trước đó cam kết không thu lợi nhuận từ vaccine ngừa COVID-19, hãng dược phẩm lớn của xứ sở sương mù này mới đây lại tuyên bố sẽ tính giá cao hơn ngay từ tháng 7 năm sau.

Giám đốc điều hành của AstraZeneca, ông Pascal Soriot, cho biết: Công ty sẽ "coi việc phát triển vaccine như một cách để cải thiện sức khỏe cộng đồng, chứ không phải một cơ hội thương mại". "Chúng tôi cam kết cung cấp vaccine không lợi nhuận trong suốt thời gian đại dịch. Điều đó đồng nghĩa với việc mọi thoả thuận mua bán vaccine sẽ được ký kết dựa trên quy tắc này" - ông Soriot nói.

JOHNSON&JOHNSON

Hãng dược phẩm Johnson & Johnson của Mỹ mới đây đã được Cơ quan Dược phẩm Tây Ban Nha (AEMPS) cấp phép triển khai thử nghiệm giai đoạn cuối đối với vaccine ngừa COVID-19.

Vaccine tiêm 2 liều do Johnson & Johnson sản xuất sẽ được thực hiện tại 9 bệnh viện tại Tây Ban Nha với sự tham gia của các tình nguyện viên, những người có bệnh nền lẫn những người chưa có tiền sử bệnh lý. Theo đó, họ sẽ được tiêm mũi đầu tiên là giả dược hoặc một liều vaccine thử nghiệm có tên gọi Ad26COV2.

Việc nghiên cứu vaccine tiêm 2 liều sẽ được tiến hành song song với thử nghiệm vaccine tiêm 1 liều. Kết luận sẽ được đưa ra dựa trên những dữ liệu ghi nhận được trong lần thử nghiệm cuối.

Vaccine của Johnson & Johnson có giá khoảng 10 USD một liều. EU hiện đã đặt mua 200 triệu liều vaccine, Mỹ 100 triệu liều, Canada 38 triệu liều và Vương quốc Anh là 30 triệu cho người dân tại những quốc gia này.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả