Một góc nhìn khác về tình trạng lạm phát toàn cầu
Sự lây lan của biến thể Omicron vẫn đang khiến nhiều nền kinh tế chao đảo và có lẽ sẽ mất một thời gian nữa để các nhà quản lý xác định xem liệu Omicron có thể thực sự được kiểm soát hiệu quả hay không.
Theo The Conversation, để hiểu rõ hơn về điều này, hãy cùng nhìn lại cách đại dịch COVID-19 tác động đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Điểm mấu chốt nằm ở các quyết định được đưa ra sau làn sóng lây nhiễm đầu tiên hồi đầu vào năm 2020, khi các chính phủ quyết định đóng cửa phần lớn hoạt động nền kinh tế và sử dụng các gói hỗ trợ khổng lồ để bù đắp thu nhập bị mất cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế.
Đại dịch khiến người dân tiết kiệm nhiều hơn bình thường và chuyển hướng chi tiêu từ các dịch vụ như ăn uống, du lịch sang các hàng hóa gia đình - đặc biệt là thiết bị kỹ thuật số để làm việc hoặc giải trí từ xa.
Khi những hàng hóa này bắt đầu cạn kiệt và việc cung ứng bổ sung bị hạn chế do các chính sách bế quan toả cảng (vì COVID-19) gây ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, các kệ hàng trong những chuỗi siêu thị điện tử mất nhiều thời gian hơn để được chất đầy.
Hậu quả của tình trạng thiếu hụt này là áp lực lạm phát. Hiện tượng này cũng trở nên trầm trọng hơn do các yếu tố liên quan đến tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Kể từ khi một số quốc gia thay thế than bằng các loại nhiên liệu hóa thạch “xanh hơn” trong quá trình sản xuất điện, nhu cầu về khí tự nhiên đã tăng lên.
Ở nhiều nước công nghiệp tiên tiến, tỷ lệ lạm phát chính đã tăng mạnh vào cuối năm 2021 lên các mức cao nhất trong hai thập kỷ, với mức 7% ở Mỹ và 5% ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vào tháng 12/2021.
Trong khi đó, sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế thế giới vào đầu năm 2021 sau đợt lao dốc ban đầu của năm 2020 đã nhường chỗ cho tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Điều này phù hợp với xu hướng bình thường hoá hiện nay là các nền kinh tế lớn đã quay trở lại hoặc đang tiến gần đến mức sản lượng của thời điểm trước đại dịch.
Sự kết hợp giữa tốc độ tăng trưởng chậm lại và giá cả tăng cao - thường được gọi là "lạm phát đình trệ" - là rất nguy hiểm nếu tiếp tục kéo dài.
ở thời điểm này, việc tăng giá hàng hóa có thể được giải thích phần lớn là do các nhà cung cấp không thể cung ứng đủ hàng hóa để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ. Ngoài ra, một diễn biến quan trọng đã trở nên rõ ràng vào cuối năm 2021 là nguồn cung hàng hóa sản xuất đã phục hồi đủ để điều chỉnh sự mất cân bằng lạm phát này.
Nền kinh tế Trung Quốc và nhiều cường quốc sản xuất châu Á khác đã được kích hoạt. Trong tháng 11/2021, hàng tồn kho chế tạo của Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã ở mức cao hơn 20-30% so với tháng trước đó. Vào tháng 12/2021, sản lượng công nghiệp toàn cầu đã tăng đến hơn 12% so với một năm trước đó.
Điều này cho thấy không chỉ nguy cơ lạm phát đình trệ sẽ giảm bớt mà những lo ngại về "vòng xoáy tiền lương - giá cả" của bất kỳ đợt lạm phát nghiêm trọng nào sẽ ngày càng khó xảy ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận