Một doanh nghiệp xin xây 300 nhà vệ sinh trên ‘đất vàng’
Một doanh nghiệp ở Bình Dương xin UBND tỉnh này giao hàng ngàn mét vuông đất công ở vị trí ‘vàng’ để xây dựng nhà vệ sinh. Do xin quỹ đất công quá lớn và chưa có kế hoạch sử dụng rõ ràng nên tỉnh Bình Dương chưa chấp thuận.
Vừa qua, dư luận tỉnh Bình Dương xôn xao về việc một công trình nhà vệ sinh công cộng do Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam tài trợ với giá 1,6 tỷ đồng tại chùa Bà Thiên Hậu bị đập bỏ chỉ sau 1 năm đưa vào sử dụng.
Trước việc nhà vệ sinh bị đập bỏ, ông Lê Văn Hiệp - Giám đốc Công ty Kim Hoàng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam bức xúc và cho rằng mọi thứ diễn ra đang “buộc chân” nhà đầu tư trong chính sách thực hiện xã hội hóa.
Nhà vệ sinh thông minh bị đập bỏ với lý do công trình thí điểm chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng (ảnh: nhà vệ sinh mới được xây dựng lại)
Ông Lê Văn Hiệp cho biết, thực hiện Đề án xã hội hóa về xây dựng nhà vệ sinh không lấy ngân sách, không thu phí và góp phần nâng cao ý thức xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn cho mọi người, Hiệp hội xin thí điểm tại TP Thủ Dầu Một và được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho phép xây dựng 3 nhà vệ sinh, sau đó mở rộng 300 nhà vệ sinh trên toàn tỉnh Bình Dương. Trong đó, nhà vệ sinh đầu tiên được xây dựng tại chùa Bà Bình Dương với diện tích hơn 120m2.
Thế nhưng, đề án xây loạt nhà vệ sinh trên địa bàn Bình Dương sau 3 năm trình vẫn chưa được chấp thuận. Mặt khác, nhà vệ sinh đầu tiên được xây dựng chỉ sau 1 năm hoạt động đã bị phá bỏ.
Liên quan đến đề án xây dựng hàng trăm nhà vệ sinh trên địa bàn Bình Dương mà ông Lê Văn Hiệp nói đã được UBND tỉnh chấp thuận, PV báo Tiền Phong đã vào cuộc tìm hiểu.
Theo đó, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Bình Dương cho hay đã nhận văn bản của Công ty Kim Hoàng Hiệp về kế hoạch triển khai dự án xây dựng 300 nhà vệ sinh trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Sở đã tham khảo một số mô hình nhà vệ sinh thông minh, trong đó có nhà vệ sinh thông minh do Công ty Kim Hoàng Hiệp giới thiệu.
Do dự án có quy mô lớn, sử dụng quỹ đất công với diện tích khá lớn, vị trí bố trí phải phù hợp và đặc biệt phải có hạ tầng kết nối đồng bộ nền cần phải lập dự án chi tiết. Đến nay, phía công ty vẫn chưa cung cấp đầy đủ các hồ sơ liên quan đến dự án nên Sở TNMT không có cơ sở để nghiên cứu, có ý kiến và phối hợp các ngành xem xét, giải quyết. Do đó, Sở TNMT đề nghị phía công ty Kim Hoàng Hiệp hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Cũng theo Sở TNMT Bình Dương, đơn vị trình văn bản kế hoạch triển khai dư án xây dựng 300 nhà vệ sinh là Công ty Kim Hoàng Hiệp chứ không phải Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, mặc dù cả hai đơn vị này đều do ông Lê Văn Hiệp đứng đầu.
Về phía thành phố Thủ Dầu Một, nơi được xin thí điểm 3 nhà vệ sinh đầu tiền nhưng chưa được chấp thuận để triển khai, ông Nguyễn Lộc Hà - Chủ tịch UBND thành phố cho biết lý do việc sử dụng đất công cần phải được thông qua các đơn vị và dự án phải có chi tiết cụ thể.
“Từ rất lâu, tôi muốn xây dựng nhà vệ sinh để phục vụ cộng đồng nhưng để hoạt động đảm bảo xuyên suốt thì không hề dễ dàng. Nếu tổ chức, cá nhân nào thực sự muốn làm nhà vệ sinh vì lợi ích cộng đồng, đảm bảo được tính bền vững tôi sẽ cùng họ đi làm thủ tục, hỗ trợ giải quyết một cách nhanh nhất”, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một Nguyễn Lộc Hà khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận