Một công ty chứng khoán đặt kế hoạch lãi gấp 105 lần sau khi đổi tên
Sau khi về tay chủ mới, Chứng khoán ASC được đổi tên thành VPBank Securities, tăng vốn điều lệ lên gần 9.000 tỷ đồng ngay trong năm nay.
Động thái này diễn ra sau khi VPBank hoàn tất thâu tóm Chứng khoán ASC hồi tháng 1/2022. Theo báo cáo, hiện 3 cổ đông sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty chứng khoán này.
Nội dung đáng chú ý nhất trong cuộc họp lần này là việc VPBank Securities sẽ tăng vốn điều lệ từ 268,8 tỷ đồng lên 8.920 tỷ đồng thông qua phương án phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Điều đó đồng nghĩa VPBank sẽ bơm thêm 8.651 tỷ đồng cho công ty con này. Theo công bố, VPBank Securites sẽ tăng vốn ngay trong năm 2022.
Nếu hoàn tất tăng vốn, VPBank Securites sẽ trở thành công ty có quy mô vốn điều lệ đứng thứ hai trên thị trường, chỉ xếp sau Chứng khoán SSI (9.848 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, đại hội còn thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với những chỉ tiêu cao kỷ lục. Theo đó, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu 1.509 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 632 tỷ đồng - gấp hơn 105 lần thực hiện cả năm 2021.
Ngoài VPBank Securities, trước đây, VPBank cũng từng sở hữu Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (nay là Công ty Chứng khoán VPS). Tuy nhiên, năm 2016, VPBank đã thực hiện thoái 89% vốn tại VPS. Mức giá chuyển nhượng và đối tác nhận chuyển nhượng không được tiết lộ.
Đến đầu năm 2022, VPBank nhận chuyển nhượng 26,186 triệu cổ phần từ ASC, tương đương 97,42% vốn Chứng khoán ASC từ các cổ đông hiện hữu. Sau giao dịch, VPBank trở thành công ty mẹ, chi phối hoạt động của ASC. Chứng khoán ASC thời điểm đó có vốn điều lệ 268,8 tỷ đồng, tương đương 26,8 triệu cổ phần phổ thông.
Hôm 10/2 vừa rồi, tại buổi gặp gỡ với nhà đầu tư, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết, trong giai đoạn đầu phát triển, VPBank Securities sẽ không nhắm vào mục tiêu cạnh tranh thị phần môi giới với các công ty chứng khoán trên thị trường mà chủ yếu nhắm vào các sản phẩm để phục vụ nhu cầu đầu tư của khách hàng như: Trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cho vay margin… Đồng thời, công ty cũng bắt tay với công ty chứng khoán khác phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ liên quan đến thị trường vốn.
Năm 2021, ngân hàng mẹ VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế kỷ lục 38.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với năm 2020. Trong đó, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng mẹ là gần 14.011 tỷ đồng, tăng 50,6% so với năm 2020. Lợi nhuận từ thương vụ bán 49% vốn FE Credit là 24.000 tỷ đồng.
Việc thu về nguồn vốn lớn giúp ngân hàng có thêm nhiều dư địa phát triển song cũng đặt áp lực rất lớn cho ban lãnh đạo về việc sử dụng tối ưu nguồn vốn lớn này. Thời gian qua, nhiều ngân hàng lãi đậm nhờ mảng ngân hàng đầu tư (đầu tư chứng khoán, chào bán chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp…)
"Tôi tin rằng, công ty chứng khoán này sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển lợi nhuận VPBank thời gian tới" - Tổng giám đốc VPBank cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận